Nghị định 139/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.
Ảnh minh họa. |
Xây không phép có thể bị phạt đến 30 triệu đồng
Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng là 1 tỷ đồng. Mức phạt tiền trong lĩnh vực khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 300 triệu đồng.
Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh bất động sản; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh, vật liệu xây dựng là 1 năm. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở là 2 năm.
Nghị định quy định cụ thể hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư hoặc chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình.
Cụ thể, về vi phạm quy định về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, mức phạt phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện năng lực tham gia hoạt động gồm: Khảo sát xây dựng; lập quy hoạch xây dựng; lập dự án đầu tư xây dựng; thẩm tra dự án đầu tư xây dựng; quản lý dự án đầu tư xây dựng; thiết kế xây dựng; thẩm tra thiết kế xây dựng, dự toán; thi công xây dựng; giám sát thi công xây dựng; quản lý chi phí đầu tư xây dựng; định giá xây dựng; kiểm định xây dựng; thí nghiệm chuyên ngành xây dựng.
Ngoài quy định nêu trên, chủ đầu tư có sử dụng nhà thầu nước ngoài còn bị phạt tiền từ 70 - 80 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Để nhà thầu nước ngoài tham gia hoạt động xây dựng khi chưa được cấp giấy phép hoạt động xây dựng theo quy định; để nhà thầu nước ngoài không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng liên danh với nhà thầu Việt Nam hoặc không sử dụng nhà thầu phụ Việt Nam theo quy định; để nhà thầu nước ngoài sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện các công việc về xây dựng mà thị trường lao động Việt Nam đáp ứng được...
Nghị định quy định phạt tiền từ 40 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi: thực hiện đầu tư phát triển khu đô thị không tuân theo kế hoạch hoặc chậm so với tiến độ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; chậm bàn giao dự án theo tiến độ đã được phê duyệt.
Phạt tiền từ 50 - 60 triệu đồng đối với một trong các hành vi: để chủ đầu tư thứ cấp thực hiện đầu tư xây dựng không phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng hoặc tiến độ dự án đã được phê duyệt (nếu có); thay đổi chủ đầu tư cấp 1 mà chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản; điều chỉnh dự án mà chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét chấp thuận; không hoàn thành thủ tục để được công nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu công trình theo quy định đối với công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.
Nghị định nêu rõ phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không có thỏa thuận liên danh đối với bên nhận thầu là liên danh nhà thầu; hợp đồng xây dựng không sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt theo quy định.
Phạt tiền từ 80 - 100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Giá ký hợp đồng vượt giá trúng thầu hoặc kết quả đàm phán, thương thảo hợp đồng xây dựng (trừ khối lượng phát sinh ngoài gói thầu được người quyết định đầu tư cho phép); mức tạm ứng hợp đồng vượt quá tỷ lệ % quy định hoặc tạm ứng hợp đồng khi chưa có bảo lãnh tạm ứng theo quy định; quyết toán hoặc thanh lý hợp đồng xây dựng chậm quá thời hạn quy định đối với hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước.
Hết cho nộp lợi bất chính để tồn tại nhà trái phép
Đáng lưu ý là nghị định 139/2017 không có quy định về việc các công trình xây dựng trái phép được nộp lợi bất hợp pháp để được điều chỉnh giấy phép xây dựng đã cấp hay được cấp mới giấy phép xây dựng nhằm khỏi phải tháo dỡ phần xây dựng trái phép.
Theo đó, đối với các vi phạm nêu ở trên (trong đó các hành vi xây dựng sai phép, không phép đã kết thúc), ngoài việc nộp phạt thì chủ đầu tư còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm.
Trong trường hợp việc xây sai phép, không phép đang được thực hiện, chủ đầu tư bị lập biên bản yêu cầu dừng thi công, được dành 60 ngày kể từ ngày lập biên bản để xin điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc cấp mới giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này mà không xuất trình được giấy phép xây dựng phù hợp thì phải tháo dỡ phần vi phạm.
Tuy nhiên, những công trình xây sai phép, không phép đã kết thúc việc xây dựng trước ngày 15-1-2018 (ngay cả khi đã có quyết định cưỡng chế phá dỡ nhưng chưa thực hiện) và đáp ứng được một số điều kiện theo quy định thì vẫn được cho nộp số lợi bất hợp pháp tính theo tỉ lệ giá trị phần vi phạm để khỏi tháo dỡ phần diện tích vi phạm.
Riêng đối với nhà ở riêng lẻ thuộc trường hợp này thì chủ nhà không phải nộp lại số lợi bất hợp pháp tính theo tỉ lệ giá trị phần xây dựng sai phép, không phép.
Các điều kiện nói trên là không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt. Từ sau ngày
15/1/2018, khi đã được điều chỉnh giấy phép xây dựng hoặc được cấp giấy phép xây dựng nhằm được giữ lại các phần vi phạm phù hợp mà tiếp tục vi phạm, những trường hợp này sẽ bị xử lý theo quy định mới của nghị định 139/2017.
Cũng theo nghị định 139, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ quy định chi tiết các trường hợp và cách tính số lợi bất hợp pháp để các chủ đầu tư có căn cứ thực hiện.
Dùng căn hộ để kinh doanh bị phạt đến 40 triệu đồng
Luật nhà ở 2014 cấm dùng nhà chung cư vào mục đích kinh doanh, nhưng trong thời gian dài không có quy định chế tài.
Vì lẽ này mà một số doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện... đã tổ chức kinh doanh tại căn hộ chung cư gây phiền toái cho các cư dân, đến khi có lệnh trục xuất của chính quyền thì lần lữa không chấp hành.
Với sự bổ sung của nghị định 139/2017 thì từ ngày 15/1/2018, hành vi "sử dụng chung cư không phải vào mục đích để ở" bị phạt tiền 30-40 triệu đồng.
Mức phạt này áp dụng đối với tổ chức, còn đối với cá nhân phạt bằng 1/2 mức này.
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn hoặc xuanthuandong@gmail.com Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |