Thông tin quy hoạch Cà Mau mới nhất năm 2024
Quy hoạch Cà Mau mang đến cho độc giả và những nhà đầu tư những thông tin quan trọng, đầy đủ và chi tiết nhất. Dưới đây là các thông tin mới nhất về quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông tin cần biết về quy hoạch Cà Mau
Cà Mau là một tỉnh ven biển nằm ở tận cùng cực nam của Việt Nam, đồng thời tỉnh Cà Mau cũng nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Toàn bộ địa phận của tỉnh Cà Mau nằm trên Bán đảo Cà Mau.
Phạm vi quy hoạch tỉnh Cà Mau
Phần lãnh thổ tỉnh Cà Mau với tổng diện tích tự nhiên là 5.221,87 km2, gồm 09 đơn vị hành chính cấp huyện: thành phố Cà Mau và các huyện: Thới Bình, U Minh, Cái Nước, Trần Văn Thời, Phú Tân, Đầm Dơi, Năm Căn, Ngọc Hiển.
- Phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Kiên Giang;
- Phía Đông Bắc tiếp giáp với tỉnh Bạc Liêu;
- Phía Đông và Đông Nam tiếp giáp với biển Đông;
- Phía Tây tiếp giáp với vịnh Thái Lan.
Phần lãnh thổ không gian biển: xác định trên cơ sở Công ước Liên hợp quốc về biển; Luật Biển Việt Nam năm 2012; Nghị định số 51/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về giao các khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng tài nguyên biển; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về quy định chi tiết một số điều của Luật tài nguyên, môi trường và hải đảo; Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu và địa giới hành chính” và các văn bản có liên quan.
Có tọa độ địa lý: từ 8º34’ đến 9º33’ vĩ độ Bắc và 104º43’ đến 105º25’ kinh độ Đông.
Thời kỳ Quy hoạch tỉnh Cà Mau
- Thời kỳ Quy hoạch: 2021 - 2030.
- Tầm nhìn dài hạn: Đến năm 2050.
Nguyên tắc và quan điểm lập quy hoạch Cà Mau
Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải phù hợp, thống nhất với mục tiêu, định hướng, nội dung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm thời kỳ 2021 - 2030, Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 và tầm nhìn Việt Nam, các chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực quan trọng của cả nước; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là nước thành viên.
Đảm bảo tính nhân dân, tuân thủ, liên tục, kế thừa, ổn định, thứ bậc, tương thích trong hệ thống quy hoạch quốc gia; tính tổng thể, đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực, các địa phương trong tỉnh vừa đáp ứng các nhu cầu trong hiện tại, vừa tạo nền tảng phát triển cho các thời kỳ tiếp theo, hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, các địa phương và lợi ích của người dân; tính khả thi, khoa học, khách quan, linh hoạt, công khai, minh bạch; ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, tiết kiệm, hiệu quả.
Đánh giá đầy đủ các điều kiện, yếu tố và dự báo xu hướng, bối cảnh, tình hình quốc tế, khu vực, trong nước tác động đến phát triển của Tỉnh và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực trong thời kỳ quy hoạch; đánh giá khả năng khai thác liên kết vùng, hợp tác các địa phương trong cả nước, trước hết là kết nối giữa tỉnh Cà Mau với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là kết nối hạ tầng liên vùng, cùng quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và các cân đối thị trường hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Xây dựng quan điểm, thiết lập tầm nhìn và xác định mục tiêu, định hướng không gian phát triển mới để phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh đặc thù, riêng biệt, độc đáo của Cà Mau so với các địa phương khu vực bán đảo Cà Mau và các tỉnh lân cận, chú trọng những mô hình phát triển mới, năng động, phù hợp với lợi thế sẵn có của vùng sông nước Cà Mau như phát triển kinh tế biển, mô hình kinh tế chia sẻ, tự động hóa trong nông nghiệp theo hướng thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, mạnh dạn thí điểm các “mô hình canh tác, nuôi trồng lý tưởng” cho sản phẩm có chất lượng cao.
Đáp ứng cao nhất nhu cầu giao thương, hợp tác, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa, hội nhập quốc tế; yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực quan trọng; yêu cầu bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dân, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn; đảm bảo an sinh xã hội, bình đẳng giới, giảm nghèo bền vững, nâng cao mức sống vật chất, thụ hưởng tinh thần của nhân dân; phát huy, duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đảm bảo sinh kế bền vững cho người dân; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên.
Bảo đảm các nguyên tắc cơ bản trong hoạt động quy hoạch quy định tại Điều 4 Luật Quy hoạch năm 2017.
Thành phần hồ sơ và tiến độ lập quy hoạch tỉnh Cà Mau
Thành phần hồ sơ quy hoạch
a) Phần văn bản:
- Tờ trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
- Dự thảo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh.
- Báo cáo Quy hoạch tỉnh gồm Báo cáo tổng hợp, Báo cáo tóm tắt và các báo cáo liên quan; các phụ lục, sơ đồ, bản đồ, cơ sở dữ liệu về Quy hoạch.
- Báo cáo Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) (thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường).
- Các tài liệu, văn bản pháp lý có liên quan khác.
b) Hệ thống bản đồ và sơ đồ:
Danh mục và tỷ lệ bản đồ Quy hoạch tỉnh quy định tại mục IX Phụ lục I Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ, gồm:
- Bản đồ in tỷ lệ 1:250.000 - 1:1.000.000: Bản đồ vị trí và các mối quan hệ của tỉnh Cà Mau.
- Bản đồ số và bản đồ in, tỷ lệ 1:25.000 - 1:100.000:
+ Các bản đồ về hiện trạng phát triển;
+ Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai theo các mục đích sử dụng;
+ Bản đồ phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn;
+ Bản đồ phương án tổ chức không gian và phân vùng chức năng;
+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng xã hội;
+ Bản đồ phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật;
+ Bản đồ phương án quy hoạch sử dụng đất;
+ Bản đồ phương án thăm dò, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên;
+ Bản đồ phương án bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu;
+ Bản đồ phương án quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, vùng huyện;
+ Bản đồ vị trí các dự án và thứ tự ưu tiên thực hiện;
+ Hệ thống bản đồ chuyên đề khác (nếu có).
- Bản đồ in tỷ lệ 1:10.000 - 1:25.000: Bản đồ hiện trạng và định hướng phát triển khu vực trọng điểm của Tỉnh (nếu có).
c) Cơ sở dữ liệu quy hoạch.
Thời hạn lập quy hoạch tỉnh Cà Mau
Trong 18 tháng kể từ ngày nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Tổ chức thực hiện quy hoạch
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau căn cứ nội dung nhiệm vụ được phê duyệt tại Điều 1 của Quyết định này, tổ chức lập Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo phù hợp quy định của Luật Quy hoạch và các quy định hiện hành, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Trong quá trình lập Quy hoạch, Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau chủ động phối hợp, cập nhật thông tin với quy hoạch cấp cao hơn để điều chỉnh, bổ sung đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn, tính thống nhất, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch theo quy định tại Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Quy hoạch năm 2017 và quy định pháp luật liên quan.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định hiện hành hướng dẫn, phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện lập Quy hoạch bảo đảm chất lượng, tiến độ và hiệu quả.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Trên đây là những thông tin mới nhất về quy hoạch Cà Mau, hy vọng có thể đem lại cho bạn đọc đầy đủ các thông tin cần thiết và hữu ích nhất về kế hoạch quy hoạch cũng như các dự án sẽ được triển khai trên địa bàn tỉnh.