Vận hành cao tốc Cần Thơ - Cà Mau từ năm 2026

Hai đoạn thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có tổng chiều dài 110 km, cơ bản hoàn thành vào năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Cụ thể, theo quyết định mới phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải, đoạn thành phần Cần Thơ - Hậu Giang được triển khai trên địa phận quận Cái Răng, TP. Cần Thơ và các huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. 

Dự án bao gồm chính tuyến cao tốc và đường nối, trong đó tuyến cao tốc dài 37,65 km, bắt đầu tại Km15+350 giao với tuyến nối đường Nam Sông Hậu – quốc lộ 1, thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ; kết thúc tại Km53+000 giao với điểm đầu cao tốc Hậu Giang - Cà Mau thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. 

Tuyến nối dài hơn 9 km, bắt đầu tại Km0+00 giao với đường Nam Sông Hậu, thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ, kéo dài đến Km9+252 giao với quốc lộ 1, thuộc quận Cái Răng, TP Cần Thơ. 

 Hướng tuyến dự kiến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (đường đỏ). (Ảnh: Ban Quản lý Mỹ Thuận).

Giai đoạn hoàn chỉnh chính tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m; giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m; tuyến nối vận tốc thiết kế 80 km/h. 

Chính tuyến cao tốc được bố trí 4 nút giao liên thông khác mức; 42 cầu. Công trình không đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ, chỉ hoạch định vị trí, quy mô để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.  

Tổng mức đầu tư dự án là 10.370 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 7.002 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư từ Ngân sách nhà nước, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 7.260 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2027 gần 3.111 tỷ đồng. 

Dự án được chuẩn bị đầu tư, thực hiện từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026. 

Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 287 ha; chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hơn 1.956 tỷ đồng, trong đó đoạn qua TP. Cần Thơ là 618 tỷ đồng; đoạn qua tỉnh Hậu Giang là 1.338 tỷ đồng. Dự án sẽ tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng, do UBND TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang tổ chức thực hiện. 

Dự án thành phần còn lại là đoạn Hậu Giang - Cà Mau. Tuyến chính cao tốc dài hơn 73 km, bắt đầu tại Km53+000 kết nối vào điểm cuối đoạn Cần Thơ - Hậu Giang thuộc huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang; điểm cuối Km126+223 giao với đường hành lang ven biển phía Nam thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. 

Tuyến nối bắt đầu tại Km0+000 kết nối vào điểm cuối Dự án thành phần đoạn Hậu Giang – Cà Mau (nút giao IC12) thuộc huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; điểm cuối Km16+597 kết nối với quốc lộ 1, thuộc huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, tổng chiều dài tuyến khoảng 16,6 km. 

Theo quy hoạch, trong giai đoạn hoàn chỉnh, chính tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 24,75 m, giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền đường 17 m. Tuyến nối được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80 km/h. 

Trên tuyến xây dựng 4 nút giao liên thông khác mức và một nút cùng mức, đảm bảo các nhánh kết nối phù hợp với quy mô giai đoạn hoàn chỉnh. 

Trong dự án không đầu tư xây dựng trạm dừng nghỉ, chỉ hoạch định vị trí, quy mô để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, vị trí dự kiến tại khoảng Km95+000 (bố trí hai bên đường cao tốc). 

Tổng mức đầu tư dự án là 17.152 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường hỗ trợ và tái định cư 1.988 tỷ đồng; chi phí xây dựng và thiết bị 12.552 tỷ đồng. 

Tiến độ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026; nguồn vốn đầu tư bố trí từ Ngân sách nhà nước. 

Dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2025, dự án được bố trí 12.007 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2027 hơn 5.145 tỷ đồng. 

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.