Thông tin quy hoạch giao thông tỉnh Hà Nam mới nhất
Thông tin quy hoạch giao thông tỉnh Hà Nam cung cấp những nội dung mới nhất liên quan đến quy hoạch giao thông của 6 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện với 109 đơn vị hành chính cấp xã.
Khái quát tỉnh Hà Nam
Hà Nam là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam. Năm 2020, Hà Nam là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 51 về số dân, xếp thứ 44 về Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), xếp thứ 23 về GRDP bình quân đầu người, đứng thứ sáu về tốc độ tăng trưởng GRDP. Với 808.200 người dân, GRDP đạt 44.613 tỷ Đồng (tương ứng với 1,9376 tỷ USD), GRDP bình quân đầu người đạt 55,2 triệu đồng (tương ứng với 2.397 USD), tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,02%.
Hà Nam là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng thủ đô, có vị trí địa lý:
Phía bắc giáp thủ đô Hà Nội
Phía đông giáp tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
Phía nam giáp tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình
Phía tây giáp tỉnh Hòa Bình.
Địa hình thấp dần từ tây sang đông. Địa hình đồi núi phía tây của tỉnh (chủ yếu ở phía Tây huyện Kim Bảng và phần phía Tây của huyện Thanh Liêm bao gồm khu vực hữu ngạn sông Đáy) với dạng địa hình cacxtơ xen kẽ vùng thung lũng bằng phẳng.
Phần đồi núi phía Tây huyện Kim Bảng có điểm cao nhất là 459,4 mét so với mực nước biển thuộc vùng núi xã Thanh Sơn, đây cũng là điểm cao nhất của huyện Kim Bảng cũng như tỉnh Hà Nam. Phần đồi núi tập trung phía Tây huyện Thanh Liêm với điểm cao nhất là 385 mét thuộc xã Thanh Thủy và đây cũng là điểm cao nhất của huyện Thanh Liêm.
Phía đông là đồng bằng với nhiều điểm trũng. Có một số dãy núi thấp, đồi sót giữa đồng bằng thuộc các xã Liêm Cần, Thanh Hương, Thanh Tâm, Liêm Sơn và thị trấn Tân Thanh (thuộc phía Đông huyện Thanh Liêm) với điểm cao nhất là 113 mét nằm ở giáp khu dân cư hai thôn là Trình Núi và Chè Núi thuộc xã Thanh Tâm); và núi sót ở thôn An Lão, xã An Lão (phía Nam huyện Bình Lục) với điểm cao nhất là 90 mét. Đèo Bòng Bong là con đèo ngắn và thấp trên quốc lộ 21 nằm giữa địa giới hai tỉnh Hà Nam và Hòa Bình (liền kề khu dân cư xóm 6, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng).
Tỉnh Hà Nam có 6 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 4 huyện với 109 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 6 thị trấn, 20 phường và 83 xã. Đây cũng là tỉnh có số lượng đơn vị hành chính cấp huyện ít nhất cả nước.
Thông tin quy hoạch giao thông tỉnh Hà Nam
Nội dung quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2050 có các thông tin chính như sau:
Hạ tầng đường bộ
Theo Quy hoạch mạng lưới Đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/09/2021 qua địa bàn tỉnh Hà Nam có 03 tuyến cao tốc kết nối với hệ thống quốc lộ, đường tỉnh, đường liên kết vùng, các tuyến quốc lộ kết nối với hệ thống các tuyến đường tỉnh, đường huyện và đường địa phương thông qua vị trí kết nối, cụ thể gồm:
Cao tốc Bắc - Nam phía Đông (tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình)
Cao tốc Phủ Lý - Nam Định
Vành Đai 5 Thủ đô Hà Nội
Các tuyến Quốc lộ qua địa bàn huyện gồm : Quốc lộ 1, Quốc lộ 1 tuyến tránh thành phố Phủ Lý, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B, Quốc lộ 37B, Quốc lộ 38, Quốc lộ 38 tuyến tránh thị trấn Hòa Mạc, Quốc lộ 38B.
Hạ tầng đường sắt
Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ/TTg ngày 19/10/2021. Trong đó qua địa bàn tỉnh Hà Nam có 02 tuyến đường sắt là: tuyến đường sắt Bắc - Nam và tuyến đường sắt tốc độ cao, kết nối thông qua hạ tầng đường bộ.
Kết nối với tuyến đường sắt Bắc - Nam: kết nối thông qua hệ thống các tuyến đường bộ kết nối vào các ga đường sắt như Quốc lộ 1 kết nối qua ga Đồng Văn, qua ga Phủ Lý, tuyến đường đô thị Đinh Công Tránh - Lý Thường Kiệt kết nối qua ga Thịnh Châu, tuyến Quốc lộ 21 kết nối qua ga Bình Lục.
Kết nối với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đoạn tuyến Hà Nội - Vinh: đã được quy hoạch mới giai đoạn 2021-2030, đoạn qua tỉnh Hà Nam dài 36,15 km, kết nối thông qua hạ tầng đường bộ kết nối với các ga đường sắt của tuyến được xây dựng mới tại Ga Phủ Lý - xã Liêm Tuyền và Liêm Tiết, TP Phủ Lý gần nút giao Liêm Tuyền, phía Đông đường bộ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Hạ tầng đường thủy nội địa
Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021. Trong đó, có 4 hành lang vận tải thủy khu vực miền Bắc là Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng - Ninh Bình, Hà Nội - Nam Định - Ninh Bình, Hà Nội - Việt Trì - Lào Cai.