Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt ngày 26/12/2023.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu nâng cấp, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Hà Nam, đảm bảo kết nối, lưu thông thông suốt. Các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III, IV đồng bằng.

Hệ thống đường gom, đường song hành, nút giao thông và hạ tầng dọc tuyến được quy hoạch đảm bảo phù hợp, kết nối liên thông với hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông địa phương...

 Ảnh minh hoạ. (Ảnh: vov.vn).

Để thực hiện mục tiêu, Hà Nam đưa ra phương án phát triển mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh. 

Cụ thể, với giao thông cấp quốc gia, tỉnh sẽ bám sát định hướng của quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch Vùng Thủ đô Hà Nội, định hướng phát triển Vùng đồng bằng sông Hồng để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể, thúc đẩy liên kết vùng; đồng thời quy hoạch hệ thống đường gom, đường song hành, nút giao thông và hạ tầng dọc tuyến đảm bảo phù hợp, kết nối liên thông với hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông địa phương, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất và tiến tới xóa bỏ tuyến đường sắt chuyên dùng Phủ Lý - Kiện Khê - Bút Sơn dài 8,2 km.

Giao thông cấp tỉnh, về đường bộ, tỉnh sẽ xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống đường bộ theo quy hoạch được duyệt; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các cầu trọng yếu, nút giao chính, cầu vượt; đầu tư hoàn thiện các tuyến đường chuyên dùng, giải quyết các điểm nghẽn về giao thông; bố trí quỹ đất hợp lý để xây dựng các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe, bến xe trên địa bàn tỉnh, phù hợp nhu cầu từng khu vực, gắn với hệ thống công trình dịch vụ, công viên cây xanh.

Về đường thủy, hệ thống các đập thành cầu trên sông Châu sẽ được cải tạo nâng cấp, thay thế nhằm làm sống lại dòng sông, điều tiết nước cho sông Đáy, sông Nhuệ, cải tạo môi trường chất lượng nước cho khu vực; hình thành tuyến đường vận tải đường thủy mang tính chiến lược kết nối Hà Nam - Hà Nội, Hà Nam - Hải Phòng.

Bên cạnh đó, Hà Nam sẽ nâng cấp, cải tạo, nạo vét luồng lạch, duy trì hoạt động hệ thống sông địa phương đạt từ cấp V, cấp VI trở lên: Sông Nhuệ, sông Sắt, sông Nông Giang. Riêng tuyến sông Châu Giang thực hiện nạo vét, mở rộng sông, từng bước xây dựng hệ thống kè, nghiên cứu phương án cải tạo âu Tắc Giang, khắc phục các điểm nghẽn về tĩnh không nhằm đảm bảo mục tiêu kết nối sông Châu Giang với sông Hồng thành tuyến vận tải thủy; trong đó, đoạn từ TP Phủ Lý đến huyện Lý Nhân đạt cấp IV, các đoạn còn lại đạt cấp VI, cấp V trở lên.

Đối với hệ thống Trung tâm logistics, cảng cạn, cảng thủy nội địa, Hà Nam quy hoạch một trung tâm logistics cấp vùng, cảng cạn tại huyện Bình Lục; một trung tâm logistics cấp tỉnh, cảng cạn khu vực gắn với cụm cảng Yên Lệnh tại thị xã Duy Tiên liên kết với các khu công nghiệp trong khu vực; một cảng cạn: Tân cảng Hà Nam tại thị xã Duy Tiên; và các cảng thủy nội địa trên hệ thống sông Hồng, sông Đáy.

Xem chi tiết và tải về Bản đồ quy hoạch giao thông tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. TẠI ĐÂY

Xem chi tiết phương án phát triển giao thông tại các Phụ lục VI, VII, VIII và IX kèm theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. TẠI ĐÂY

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.