Thông tin quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định năm 2025
Thông tin quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định cung cấp những nội dung mới nhất về quy hoạch giao thông của 9 huyện bao gồm: Giao Thủy, Hải Hậu, Mỹ Lộc, Nam Trực, Nghĩa Hưng, Trực Ninh, Vụ Bản, Xuân Trường và Ý Yên.
Khái quát tỉnh Nam Định
Tỉnh Nam Định tiếp giáp với tỉnh Thái Bình ở phía bắc, tỉnh Ninh Bình ở phía nam, tỉnh Hà Nam ở phía tây bắc, giáp biển (vịnh Bắc Bộ) ở phía đông. Diện tích: 1.669 km².
Địa hình Nam Định có thể chia thành ba vùng:
Vùng đồng bằng thấp trũng gồm các huyện Vụ Bản, Ý Yên, Mỹ Lộc, Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường. Đây là vùng có nhiều khả năng thâm canh phát triển nông nghiệp,công nghiệp dệt, công nghiệp chế biến, công nghiệp cơ khí và các ngành nghề truyền thống.
Vùng đồng bằng ven biển gồm các huyện Giao Thuỷ, Hải Hậu và Nghĩa Hưng; có bờ biển dài 72km, đất đai phì nhiêu, có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế tổng hợp ven biển.
Vùng trung tâm công nghiệp - dịch vụ thành phố Nam Định: Có các ngành công nghiệp dệt may, công nghiệp cơ khí, công nghiệp chế biến, các ngành nghề truyền thống, các phố nghề… cùng với các ngành dịch vụ tổng hợp, dịch vụ chuyên ngành hình thành và phát triển từ lâu. Thành phố Nam Định từng là một trong những trung tâm công nghiệp dệt của cả nước và trung tâm thương mại - dịch vụ, cửa ngõ phía Nam của đồng bằng sông Hồng.
Hệ thống giao thông tỉnh Nam Định
Hệ thống giao thông đa dạng và thuận lợi, cụ thể:
Đường bộ: Quốc lộ 21 từ Hoà Bình qua Phủ Lý tới thành phố Nam Định rồi đi cảng Hải Thịnh (đoạn qua Nam Định dài 75 km). Quốc lộ 10 từ Quảng Yên đi Hải Phòng, Thái Bình qua Nam Định rồi đi Ninh Bình (đoạn qua Nam Định dài 34km). Tỉnh lộ 12 từ thành phố Nam Định đi Ý Yên dài 20 km. Tỉnh lộ 57 từ Cát Đằng đi Yên Thọ (Ý Yên) dài 17 km. Tỉnh lộ 55 từ Nam Định đi nông trường Rạng Đông dài 51 km. Đường 56 liên tỉnh từ Bình Lục (Hà Nam) đi Gôi (Vụ Bản), qua Liễu Đề (Nghĩa Hưng), Yên Định (Hải Hậu) đến Ngô Đồng (Giao Thuỷ) dài 70 km.
Đường sắt: Tuyến đường sắt Bắc Nam chạy qua Nam Định dài 42km, với các ga: ga Nam Định là điểm dừng chân của các đoàn tàu tốc hành chạy suốt Bắc Nam, ga Cầu Họ, ga Đặng Xá, ga Trình Xuyên, ga Gôi, ga Cát Đằng.
Đường thuỷ: Hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua địa phận tỉnh với chiều dài 251km cùng với hệ thống cảng sông Nam Định, cảng biển Thịnh Long thuận lợi trong việc phát triển vận tải thuỷ.
Thông tin quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định
Thông tin quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định được cập nhật nhanh chóng, chính xác nhất tại Việt Nam Mới, bao gồm:
- Bản đồ quy hoạch các địa phương;
- Ký hiệu giao thông trên bản đồ;
- Thông tin đường sẽ mở trên địa bàn tỉnh.
Về quy hoạch giao thông, ngày 22/11/2017, UBND tỉnh Nam Định ra Quyết định số 2693/QĐ-UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Theo quyết định 2693 nói trên, quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định cụ thể như sau:
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định và quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia; hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, liên thông, đủ khả năng kết nối phát triển vận tải đa phương thức. Đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững kinh tế của tỉnh và của khu vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Đường bộ: Toàn bộ hệ thống quốc lộ và đường tỉnh phải được đưa vào đúng cấp kỹ thuật; mở rộng và xây dựng mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn; xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải quan trọng.
Đường sắt: Hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt cấp tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt quốc gia và khu vực; dành quỹ đất phát triển xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến Nam Định - Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ. Làm đường gom dọc theo đường sắt, xóa bỏ đường dân sinh.
Đường biển: Đầu tư phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng; tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới; xây dựng các cảng chuyên dùng, các cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng, phục vụ khu kinh tế Ninh Cơ và Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông.
Đường thủy nội địa: Hoàn thành nâng cấp hệ thống đường sông chính đạt cấp kỹ thuật quy định; tập trung cải tạo, chỉnh trị một số đoạn tuyến quan trọng; tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác.
Giao thông đô thị: Tăng quỹ đất để xây dựng hạ tầng giao thông tại các đô thị, bao gồm giao thông động và giao thông tĩnh; đến năm 2020 đất dành cho giao thông thành phố Nam Định - Đô thị loại I đạt 23-25%, các đô thị còn lại đạt 16-20%, trong đó giao thông tĩnh đạt 5-7%. Mật độ bình quân đường giao thông tại các khu vực trung tâm đạt từ 6 đến 8 km/km2, các khu vực khác đạt từ 3 đến 5 km/km2.