Nam Định là một tỉnh nằm ở phía nam đồng bằng Bắc Bộ (còn gọi là đồng bằng Sông Hồng), Việt Nam. Nam Định có diện tích lớn thứ 52 trong 63 tỉnh thành. Tổng diện tích là 1.668,5 km2.
Vị trí địa lý của tỉnh Nam Định như sau: Giáp tỉnh Thái Bình về phía đông bắc, tỉnh Ninh Bình về phía tây nam, tỉnh Hà Nam về phía tây bắc và về phía đông nam giáp vịnh Bắc Bộ, thuộc Biển Đông.
Về quy hoạch giao thông, ngày 22/11/2017, UBND tỉnh Nam Định ra Quyết định số 2693/QĐ-UBND về việc Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng điến năm 2030.
Theo quyết định 2693 nói trên, quy hoạch giao thông tỉnh Nam Định cụ thể như sau:
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Nam Định, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định và quy hoạch phát triển giao thông vận tải quốc gia; hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn, liên thông, đủ khả năng kết nối phát triển vận tải đa phương thức. Đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững kinh tế của tỉnh và của khu vực đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
Đường bộ: Toàn bộ hệ thống quốc lộ và đường tỉnh phải được đưa vào đúng cấp kỹ thuật; mở rộng và xây dựng mới các quốc lộ có nhu cầu vận tải lớn; xây dựng hệ thống đường bộ cao tốc trên các hành lang vận tải quan trọng. Các tuyến đường bộ đối ngoại đạt tiêu chuẩn kỹ thuật của đường bộ khu vực. Mạng đường bộ tỉnh đến năm 2030 bao gồm 03 đường vành đai thành phố, 07 tuyến quốc lộ và 03 tuyến đường cao tốc và 01 tuyến đường bộ ven biển, 13 tuyến đường tỉnh và các đường giao thông nông thôn.
Đường sắt: Hoàn thành cải tạo, nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có đạt cấp tiêu chuẩn kỹ thuật đường sắt quốc gia và khu vực; dành quỹ đất phát triển xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường sắt Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh và tuyến Nam Định - Thịnh Long và khu kinh tế Ninh Cơ. Làm đường gom dọc theo đường sắt, xóa bỏ đường dân sinh.
Đường biển: Đầu tư phát triển đồng bộ bến cảng và luồng vào cảng; tiếp nhận tàu trọng tải lớn, các tàu container thế hệ mới; xây dựng các cảng chuyên dùng, các cảng hành khách đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Xây dựng cảng tổng hợp mới ở khu vực Hải Thịnh, Nghĩa Hưng, phục vụ khu kinh tế Ninh Cơ và Khu công nghiệp dệt may Rạng Đông.
Đường thủy nội địa: Hoàn thành nâng cấp hệ thống đường sông chính đạt cấp kỹ thuật quy định; tập trung cải tạo, chỉnh trị một số đoạn tuyến quan trọng; tăng chiều dài các đoạn, tuyến sông được quản lý khai thác. Đầu tư chiều sâu, nâng cấp và xây dựng mới các cảng đầu mối, bến hàng hóa và hành khách. Xây dựng cảng Nam Định mới trên sông Hồng.
Giao thông đô thị: Tăng quỹ đất để xây dựng hạ tầng giao thông tại các đô thị, bao gồm giao thông động và giao thông tĩnh; đến năm 2020 đất dành cho giao thông thành phố Nam Định - Đô thị loại I đạt 23-25%, các đô thị còn lại đạt 16-20%, trong đó giao thông tĩnh đạt 5-7%. Mật độ bình quân đường giao thông tại các khu vực trung tâm đạt từ 6 đến 8 Km/Km2, các khu vực khác đạt từ 3 đến 5 Km/Km2.
Giao thông nông thôn: Phát triển đường giao thông nông thôn theo Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 8/7/2011 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt chiến lược phát triển giao thông nông thôn Việt Nam đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đảm bảo hoàn thiện cơ bản mạng lưới kết cấu hạ tầng Giao thông nông thôn, 100% đường huyện, đường xã được vào cấp kỹ thuật; được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và được bảo trì theo kế hoạch; 100% đường thôn xóm được cứng hóa, đạt tối thiểu loại A.
Xem thêm: Cập nhật quy hoạch sử dụng đất tỉnh Nam Định TẠI ĐÂY.