Qui trình hô biến từ hàng hóa Trung Quốc thành hàng hóa Việt Nam diễn ra như thế nào?

Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng cục Giám sát và quản lí Hải quan, các mặt hàng Trung Quốc bị Mỹ đã ồ ạt nhập vào Việt Nam thời gian qua, đồng thời lượng xuất khẩu mặt hàng này qua Mỹ cũng tăng đột biến, đồng nghĩa Việt Nam đã trở thành điểm né thuế quan Mỹ của hàng hóa Trung Quốc sau xung đột thương mại.

Nghiên cứu của chuyên gia kinh tế người Trung Quốc - Xuepeng Liu, cho thấy trong giai đoạn 2002-2006 các lệnh chống bán phá giá của Hoa Kỳ áp lên hàng hóa Trung Quốc tăng lên đã tỉ lệ thuận với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thứ ba, và lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang các nước thứ ba này cũng tăng lên đáng kể, đặc biệt là các mặt hàng chịu thuế chống bán phá giá.

Trong năm 2000, sau khi châu Âu áp thuế chống bán phá giá đối với các loại vòng gắn của Trung Quốc, thì lượng xuất khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc sang các nước châu Âu giảm mạnh. Tuy nhiên, mặt hàng tương tự tại Việt Nam xuất khẩu vào châu Âu lại tăng lên đột biến, chủ yếu từ các cơ sở lắp ráp của các doanh nghiệp Trung Quốc dịch chuyển sang Việt Nam, để thay đổi nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam để vào Mỹ?

Để giải thích cho hiện tượng này, các chuyên gia kinh tế sử dụng cụm từ "chuyển tải".

Thuật ngữ "chuyển tải" dùng để chỉ hành động lẩn tránh một phần hoặc toàn bộ số thuế phải trả bằng cách vận chuyển hàng hóa cụ thể qua một nức thứ ba, nhằm thay đổi xuất xứ sản phẩm, trước khi nhập khẩu vào nước đích.

Một loạt các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang các nước châu Âu được phát hiện "chuyển tải" từ Trung Quốc có thể dễ dàng kể tên như: Xe đạp (2000), kẽm o-xit (2003), bật lửa (2004), giầy mũ da (2008).

Nhìn vào các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể thấy, trong khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất thì Trung Quốc lại là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Chênh lệch cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2018 - 2019. (Đồ họa: Thiên Trường). 

Một câu hỏi đặt ra là có hay không hàng hóa Trung Quốc đang "đội lốt" Việt Nam để tiến vào thị trường Mỹ?

Con số Tổng cục Hải quan mới đưa ra cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2019, cũng là thời điểm cuộc chiến tranh thương mại lên tới đỉnh điểm, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ đã tăng gấp 4 lần so với các thị trường khác. Trong khi đó, lượng nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng tăng 2,3 lần so với cùng kì năm ngoái.

Cụ thể, đối với mặt hàng dây điện và dây cáp điện, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ tăng 252,31% thì chiều ngược lại, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 47,75%. Mặt hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử linh kiện nhập từ Trung Quốc tăng 53,1%, xuất sang Mỹ tăng 100, 52%,....

Đây đều là các danh mục sản phẩm phải chịu mức thuế suất cao của Hoa Kỳ đối với hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.

MVIMG_20191114_094541

Theo ông Âu Anh Tuấn, bản chất của nhiều loại hàng hóa này là được nhập về Việt Nam, quy trình lắp ráp đơn giản, gia công thô sơ, sau đó gắn mác Việt Nam và xuất đi nước thứ ba. (Ảnh: Thiên Trường).

Mặt khác, theo Bộ Công Thương, Việt Nam đã tham gia 17 hiệp định thương mại tự do (FTA), phần lớn hàng hóa xuất xứ Việt Nam được hưởng miễn, giảm thuế nhập khẩu khi xuất khẩu sang các nước có kí kết FTA.

Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang tìm cách gian lận xuất xứ hàng hóa Việt Nam để được ưu đãi, lợi thế thương mại một cách bất hợp pháp.

Ông Âu Anh Tuấn đã chỉ ra những nhóm hàng có nguy cơ gian lận cao tại thời điểm này, và khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất hết sức lưu ý, gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; gỗ, sắt thép…

"Đây là những nhóm hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu đột biến trong 6 tháng đầu năm 2019, với tốc độ tăng trưởng trên 25%. Ngoài ra còn những nhóm hàng khác dù tăng trưởng thấp hơn như dệt may, giày dép túi xách, đinh vít…", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, bản chất của nhiều loại hàng hóa này là được nhập về Việt Nam, quy trình lắp ráp đơn giản, gia công thô sơ, sau đó gắn mác Việt Nam và xuất đi nước thứ ba.

"Đây là một hiện tượng chuyển tải, gian lận về xuất xứ hàng hóa để tránh thuế quan", ông Tuấn cho biết.

Quy trình hô biến từ hàng hóa Trung Quốc thành hàng hóa Việt Nam diễn ra như thế nào?

IMG_20191114_091200

Bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, "những hành vi này sẽ làm tăng rủi ro cho hàng hóa Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính, sẽ bị áp thuế cao hơn". (Ảnh: Thiên Trường).

Theo chia sẻ của Tổng cục Hải quan, có ba con đường để doanh nghiệp gian lận xuất xứ hàng hóa, gắn mác hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam. 

Thứ nhất, doanh nghiệp có thể thành lập nhiều công ty con, mỗi công ty con nhập khẩu một cụm linh kiện tháo rời, để lắp ráp hoặc bán cho các công ty khác thực hiện việc gia công, lắp ráp đơn giản, không đảm bảo yêu cầu về xuất xứ, sau đó ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam để đánh lừa thị trường.

Thứ hai, hàng hóa có xuất xứ nước ngoài, khi nhập khẩu về Việt Nam bị thay đổi nhãn hàng hóa có xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Thứ ba, hàng hóa được sản xuất và nhập khẩu từ nước ngoài nhưng ghi sẵn dòng chữ "Made in Vietnam" hoặc trên bao bì sản phẩm đều ghi bằng tiếng Việt như thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web, trung tâm bảo hành tại Việt Nam.

Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục phát hiện nhiều doanh nghiệp sai phạm, hô biến hàng Trung Quốc thành hàng Việt Nam như Khải Silk, Asanzo, NEM và mới đây là "Seven.AM có dấu hiệu nhập hàng từ Trung Quốc nhưng cắt dán mác Việt Nam", ông Âu Anh Tuấn cho biết.

Nói về hệ lụy Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trước tình trạng gian lận xuất xứ, bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, "những hành vi này sẽ làm tăng rủi ro cho hàng hóa Việt Nam, bao gồm cả các doanh nghiệp làm ăn chân chính, sẽ bị áp thuế cao hơn".

Còn theo ông Claudio Dordi, Giám đốc Dự án Tạo thuận lợi thương mại, những hệ lụy sẽ rất lớn cho hàng hóa Việt Nam nếu tình trạng mượn xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp bị các quốc gia nhập khẩu, điển hình là Mỹ phát hiện, tăng rủi ro cho doanh nghiệp và sản phảm tuân thủ của Việt Nam sẽ bị chậm trễ khi làm thủ tục xuất khẩu tại Mỹ, tăng nguy cơ bị áp thuế cao hơn với hàng hóa xuất khẩu, kể cả của những doanh nghiệp tuân thủ tốt.