Quý tử thành cục nợ khi ngoài 30 vẫn ăn chực cha mẹ

Vừa dỗ đứa cháu nội hơn tuổi khóc ngằn ngặt, bà Thuận vừa nhìn ra cửa ngóng con trai đi nhậu về.  

"Vợ nó chán cảnh chồng suốt ngày ăn xong lại nằm hay đi chơi lêu têu nên đã bỏ đi cả tháng, để lại đơn ly dị và đứa con chưa dứt sữa", bà Thuận (Lĩnh Nam, Hà Nội) thở dài kể.

Từ hồi tốt nghiệp tới nay, anh con trai 34 tuổi của bà hầu như chưa đi làm ở đâu được quá 6 tháng. Vài năm ngao ngán thấy con chỉ chơi game rồi tụ tập bạn bè, năm 2012, vợ chồng bà Thuận vừa mừng vừa lo khi con đòi cưới vợ.

"Ở được với nhau chưa đầy năm rưỡi, vừa góp 50 triệu mở cho chồng cửa hàng bán phụ kiện điện thoại, vợ nó đã bỏ của chạy lấy người vì bảo không chịu nổi tính chây ỳ, ở bẩn của chồng", bà Thuận kể.

Đóng cửa hàng, chơi không gần 2 năm, anh con trai lại lấy đời vợ nữa. Cô con dâu mới trước đó đi bán hàng thuê nhưng cưới xong nghỉ luôn vì đã có bầu 4 tháng. "Nhiều lúc nóng mắt chỉ muốn tống cổ chúng nó đi nhưng phải cố kìm vì đứa cháu đích tôn sắp ra đời. Hai thanh niên sáng nào cũng ngủ trương mắt, dậy là mò cái ăn, sau đó nhởn nhơ đợi tới bữa tiếp, không đụng tay vào việc gì", bà Thuận nói.

Thậm chí tới tháng dự sinh của cháu, thấy con dâu vẫn chưa sắm đồ cho bé, bà Thuận lại lọ mọ đi mua, rồi giúi thêm cho vợ chồng con vài triệu để lo việc sinh nở. Có cháu, vợ chồng bà còn mệt hơn vì bận chăm trẻ và chứng kiến những trận cãi vã triền miên của các con. Ba tháng trước, con dâu đòi ly hôn và đã bỏ vào Sài Gòn làm việc, để con lại cho ông bà nội.

"Thằng con tôi có để ý gì tới con cái đâu. Tôi khuyên bảo thì nó cứ ậm ừ. Ông nhà tôi chửi bới, làm căng quá thì nó vùng vằng bỏ đi nhưng vài ngày sau lại mò về ăn chực nằm chờ", bà Thuận than thở.

quy tu thanh cuc no khi ngoai 30 van an chuc cha me
Nhiều người trưởng thành nhưng vẫn sống bám vào cha mẹ già, chỉ trông chờ được phục vụ. Ảnh: MT.

Chuyên gia tâm lý Trần Thị Hồng Hà (TP HCM) cho biết, bà từng gặp rất nhiều bố mẹ khốn khổ khi về già bởi con cái đã trưởng thành nhưng viện đủ cớ để sống bám.

Đa số những đứa con "tầm gửi" là con trai, thường là con một hay con trai duy nhất trong gia đình đông chị em gái, được bao bọc, chiều chuộng từ bé. Ngoại trừ những trường hợp sa ngã vào các tệ nạn xã hội, những người con sống bám thường vin vào nhiều cớ để tránh phải tự lập.

"Có cậu ấm gần 30 tuổi vẫn đợi mẹ nấu cơm, giặt đồ, ngửa tay xin tiền tiêu vặt vì bận học hết đại học tới cao học rồi chứng chỉ này, bằng cấp kia. Bà mẹ trước đây luôn động viên con chỉ cần học giỏi, mọi việc ba mẹ lo, giờ thì kêu trời vì chẳng biết ngày nào con đi làm và tự sống được", nhà tâm lý chia sẻ.

Nhiều người khác không chịu đi làm hoặc không trụ được ở nơi nào lâu với nhiều lý do như không tìm được việc tốt, sếp khó chịu, môi trường làm việc không phù hợp... Có những quý tử dù được bố mẹ, người thân đầu tư vốn, tạo việc làm hay giúp xin vào các vị trí thuận lợi nhưng cũng không chịu lao động hoặc chỉ làm cho có, vẫn dựa dẫm vào phụ huynh.

"Có con sống bám là nỗi khổ lớn với cha mẹ nhưng đó cũng là hậu quả từ cách giáo dục con. Nhiều phụ huynh chỉ nhận ra vấn đề và ân hận khi bản thân họ quá mệt mỏi, kiệt quệ vì phải 'hầu' con", bà Hà nhận định.

Bà cho biết, việc quá chiều chuộng, luôn làm thay khiến con thấy mình như ông tướng trong nhà là một nguyên nhân dẫn tới việc người trẻ sống ỷ lại.

Nhiều cha mẹ khác không chỉ bao bọc mà còn luôn can thiệp, chỉ đạo trẻ phải làm theo ý mình, dần dần khiến con mất đi khả năng suy nghĩ, làm việc độc lập, luôn phải bám víu vào gia đình.

Trường hợp của Hoàng Kiên (Hoài Đức, Hà Nội) là một điển hình. Là con út trong nhà có 3 chị gái, từ nhỏ Kiên đã không phải mó tay vào việc gì. Hết cấp 3, anh được bố mẹ lo cho học trường nghề, sau đó lại nhờ người quen xin việc. Sau vài năm đi làm với mức lương chỉ đủ tiền ăn sáng, Kiên được bố mẹ vay tiền cho mở công ty cơ khí nhỏ. "Mẹ tôi trước là kế toán, bà rất tháo vát nên lo hết mọi việc, từ ghi chép thu chi hằng tháng tới vay tiền, trả lãi ngân hàng", anh Kiên kể lại.

Giúp con được vài năm, mẹ anh Kiên vì tuổi cao sức khỏe kém, lại bận chăm cháu do vợ anh sinh liền hai bé, nên đành giao lại mọi việc cho con. Chỉ hơn 2 năm sau, công ty làm ăn thua lỗ, phá sản, anh nghe lời mẹ trốn tới nhà chị gái anh rể ở Đắk Lắk, để cha mẹ ở nhà chịu trận mỗi khi có người tới đòi nợ.

Khi mọi việc dịu đi, anh Kiên mới trở về. Nhưng suốt 2 năm nay, anh chưa có công việc gì ra tiền. "Đôi già này phải nuôi gà, chăn lợn để lấy tiền đóng lãi ngân hàng, nếu không thì có ngày ra đường vì ngôi nhà đang ở thế chấp cho con làm ăn", bà Hoan, mẹ anh Kiên bày tỏ. Tất cả các khoản nợ ngoài của con, vợ chồng bà bây giờ vẫn phải đứng ra xử lý vì ai tới đòi anh đều tìm cớ tránh.

Nhà tâm lý Trần Thị Hồng Hà cho rằng, để tránh rơi vào cảnh này, điều quan trọng nhất cha mẹ cần dạy con là biết yêu lao động: Lúc nhỏ biết phục vụ bản thân, lớn hơn thì phụ giúp cha mẹ và dần độc lập trong cuộc sống.

"Cha mẹ phải tỉnh táo, thương con tới đâu cũng nên nghĩ về lâu dài và lo cho cả tương lai của chính mình. Con cái tới tuổi trưởng thành là phải kiên quyết 'đẩy' ra sống tự lập, có như vậy chúng mới có trách nhiệm với chính mình và sau đó là gia đình riêng", bà Hà bày tỏ.

chọn
Cận cảnh dự án PANDORA được chuyển đổi từ đất xây nhà máy lắp ráp ô tô mà chưa báo cáo Thủ tướng
Theo Thanh tra Chính phủ, hai cơ sở nhà đất ở số 44 và 53 Triều Khúc, hiện là tổ hợp bất động sản hỗn hợp PANDORA, có nhiều dấu hiệu sai phạm trong quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất và triển khai dự án.