1 – Miền núi, người buôn bán mới chường mặt ra phố, còn sau lưng phố xá vẫn là lối sống làng bản. Cuộc sống đạm bạc của họ gắn bó với nhau giống như những người dân trong các làng đồng bằng Bắc Bộ, nghĩa là sớm lửa tối đèn có nhau.
Chục năm trước đây tôi đã đến một bản như thế ở Sơn La. Một bản ngay sau lưng phố. Người dân ở đây làm ruộng đi nương như người dưới xuôi. Giữa các nhà là hàng rào găng sơ sài. Con gà nhà này sang vườn nhà khác chơi, dễ dàng chui qua cái bờ rào mang tính tượng trưng lãnh thổ hơn là sự ngăn cách.
Con gà nhà này sang vườn nhà khác chơi, dễ dàng chui qua cái bờ rào mang tính tượng trưng lãnh thổ hơn là sự ngăn cách.(Ảnh:Nguyễn Hoàng) |
Thế rồi buôn bán đổi chác ghé đến thăm bản. Có người bán nhà, có người mới đến. Chẳng bao lâu có sự thay đổi. Người mới đến muốn bảo vệ lãnh thổ của mình ở nơi xa lạ nên mua xong nhà họ xếp gạch xây ngay tường rào cho chắc chắn. Như một sự gợi ý khôn ngoan, người làm ăn khá giả trong bản học theo, cũng tường cao hai mét, để người cao nhất cũng không thể nhòm vào cái pháo đài mà họ mới tậu. Sự biến dạng bộ mặt làng bản đã bắt đầu từ những đồng tiền của người giàu có. Đó chính là sự dẫn đến ngăn cách!
2 – Cùng học với nhau cùng ra công tác, họ từng là bạn bè thân thiết. Nhưng một ngày kia, một trong hai người được cất nhắc. Thường là nấc một suôn sẻ thì các nấc kế tiếp sẽ tiếp tục. Chẳng ai bảo ai, họ dần xa nhau. Người có chức thì bận rộn, lại còn phải mẫn cán để còn thăng tiến nên cũng ít thì giờ để ý đến bạn bè. Còn người kia thì mặc cảm về vị thế, dần lảng tránh và rồi không còn nghĩ đến bạn nữa. Mỗi người một sân làm ăn khác nhau, tiền bạc khác nhau, quyền lực khác nhau. Chức vụ và tiền bạc cũng xây nên những hàng rào vô hình. Không biết đó là cái hay, hay là dở, nhưng hiện tượng đó là không hiếm, là rất bình thường và dễ hiểu. Ai cũng mải mê cơm áo gạo tiền. Nhưng những hàng rào vô hình ấy có thể khiến những tình bạn rất đẹp trở thành xa lạ với nhau!
3 – Mãi tít trên cao nguyên đá Đồng Văn có một bản người Mông sống như làng dưới xuôi, có “đường làng ngõ xóm” ngay ngắn, có tường rào bằng đá xếp cao hơn một mét, khéo và đẹp, đó là bản Phố Cáo trên đường vào Phó Bảng.
Phố Cáo có kiến trúc theo lối bàn cờ, nhà liền nhà như phố và được ngăn cách nhau bởi những bức tường đá. (Ảnh: Nguyễn Hoàng) |
Ai từng lên Đồng Văn đều không thể không một lần dừng chân ngắm. Phố Cáo đẹp từ cái cổng và đặc biệt là những tường rào đá xếp khéo léo đến lạ lùng. Ấy vậy mà hôm nay qua Phố Cáo đã thấy sự dịch chuyển.Một số nhà bên đường đã ru đổ tường đá và xây gạch ba banh thay thế. Gạch đóng từ đá vôi xay trộn với xi măng. Hỏi thì được trả lời xây tường gạch chắc hơn, đẹp hơn. Cũng là tiếp thu cái mới, nhưng cũng là do làm ăn có tiền.
Ở Lũng Cẩm, Sủng Là có ngôi nhà làm bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”, sau nổi tiếng quá, ai qua cũng muốn ghé vào đó. Thế nên, nó được đưa vào giới thiệu trong các tour du lịch. Thế là con đường vào mấy căn nhà đó được bê tông hóa liền. Nó không tệ như cái thành nhà Mạc mới toanh ở Tuyên Quang, nhưng nó là tư duy con đàn cháu đống của cách bảo vệ và tôn tạo di tích thời chúng ta: Moi được tiền thì bê tông hóa cho nhanh những cái gì có thể bê tông hóa. Còn bảo vệ di tích thì dỡ ra làm lại vật liệu mới cho đẹp, giếng cổ thì xây lại trát xi măng cho chắc.
Thành nhà Mạc trước khi trùng tu (Ảnh: Dân Trí) |
Sau khi rót tiền tỷ đầu tư, di tích 400 tuổi thành 1 ngày tuổi. (Ảnh: Dân Trí) |
Ba câu chuyện trên rời rạc, chẳng ăn nhập vào nhau, nhưng có một cái mẫu số chung: Đó là những dịch chuyển văn hóa, thậm chí là biến dạng, do quyền lực của đồng tiền đã tác động mạnh mẽ tới tận những nơi tưởng như khó tác động. Chiều hướng ấy xấu hay tốt, chúng ta cùng nghĩ xem!