Quyết định phong GS, PGS danh dự: Đại học Y Dược TPHCM nhận thiếu sót

Xét về mục đích thực hiện trao tặng danh hiệu Giáo sư danh dự của Đại học Y Dược TPHCM là không sai nhưng việc ban hành Quyết định phong Giáo sư, Phó Giáo sư danh dự lại là sai.

Những ngày gần đây, sự việc Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM ban hành Quyết định về việc phong Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS) danh dự cho các nhà khoa học có đóng góp cho trường đã nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo các quy định hiện hành về việc trao tặng danh hiệu GS danh dự thì Quyết định này là sai quy định. Bộ GD&ĐT đã kịp thời chỉ đạo Đại học Y Dược TPHCM chấn chỉnh và sửa chữa sai sót.

quyet dinh phong gs pgs danh du dai hoc y duoc tphcm nhan thieu sot
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Khoản 1 Điều 13 Điều lệ trường đại học Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định: “Hội đồng khoa học và đào tạo có nhiệm kỳ 5 năm theo nhiệm kỳ của Hiệu trưởng, thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Hiệu trưởng về những công việc: …đề xuất danh sách thành viên hội đồng chức danh GS cơ sở; bổ nhiệm các chức danh GS, PGS trong trường; trao tặng danh hiệu GS danh dự, Tiến sĩ (TS) danh dự của nhà trường cho các cá nhân…”, không quy định phải hướng dẫn chi tiết.

Theo đó, Thủ trưởng các cơ sở giáo dục đại học căn cứ quy định này ban hành quy định để áp dụng riêng tại từng cơ sở.

Việc trao tặng danh hiệu GS danh dự, TS danh dự thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ sở giáo dục đại học và được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, vì vậy, Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM ban hành quy định trước khi thực hiện là cần thiết.

Tuy nhiên, Quyết định số 3765/QĐ-ĐHYD ngày 14/9/2017 của Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM lại ban hành quy định về việc “phong tặng” GS, PGS danh dự của trường mà không phải là “trao tặng” nên không đúng với quy định tại Khoản 1 Điều 13 Quyết định 70 nêu trên.

Thêm một chi tiết sai nữa trong Quyết định của Đại học Y Dược TPHCM là quy định tại Khoản 1 Điều 13 Quyết định 70 chỉ đề cập đến việc trao tặng danh hiệu GS danh dự, TS danh dự mà không có trao tặng danh hiệu PGS danh dự.

Như vậy, xét về mục đích thực hiện trao tặng danh hiệu GS danh dự của Đại học Y Dược TPHCM là không sai nhưng việc ban hành Quyết định phong GS, PGS danh dự lại là sai.

Ngay sau khi nắm được sự việc, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi trực tiếp với PGS.TS. Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược TPHCM để yêu cầu chỉnh sửa và có văn bản thay thế Quyết định số 3765/QĐ-ĐHYD cho phù hợp với quy định. Cụ thể, sẽ thay thế Quyết định này bằng một văn bản quy định về việc "Trao tặng danh hiệu GS danh dự" có kèm theo thiết kế mẫu giấy trao tặng và công khai trên trang thông tin điện tử của trường để tránh dư luận trái chiều. Hiệu trưởng Đại học Y Dược TPHCM đã nhận thiếu sót và chỉnh sửa ngay.

Ông Nguyễn Hải Thập, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý đã có một số khuyến cáo với các cơ sở giáo dục khác sau sự việc của Đại học Y Dược TPHCM. Theo ông Nguyễn Hải Thập, trên thực tế đã có một số cơ sở giáo dục đại học thực hiện việc trao tặng danh hiệu GS, TS danh dự (lưu ý: Không trao tặng danh hiệu PGS danh dự) như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Y Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, Đại học Đà Lạt, Đại học Thương mại…

Việc trao tặng danh hiệu GS danh dự là phù hợp với quy định tại Điều lệ trường đại học. Nhưng cần phải làm rõ, Điều lệ trường đại học quy định trao tặng danh hiệu mà không phải là “phong, công nhận hoặc bổ nhiệm”.

Từ sự việc của Đại học Y Dược TPHCM, Bộ GD&ĐT đề nghị người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học cần nghiên cứu kỹ các quy định để triển khai chi tiết và áp dụng tại cơ sở, tránh những sai sót đáng tiếc.

chọn
Hai thách thức lớn của Long Hậu
Đánh giá về 2024, Long Hậu cho rằng các chính sách pháp luật có nhiều thay đổi, là một trong những rủi ro ảnh hưởng đối với các nhà phát triển khu công nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp ngoài ngành bắt đầu chuyển hướng đầu tư sang BĐS công nghiệp cũng làm gia tăng sự cạnh tranh trong lĩnh vực này.