Núi Cấm gắn liền với nhiều câu chuyện về mãng xà. (Ảnh minh hoạ).
Dân gian xưa có câu “Tu Phật Phú Yên, tu tiên Bảy Núi”. Bảy Núi tức là Thất Sơn với nhiều dãy núi cao thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Trong đó, có 7 ngọn núi đại điện cho vùng Thất Sơn từng được Triều Nguyễn xem như linh huyệt cuối trời Nam gồm Cấm sơn, Anh Vũ sơn, Ngọa Long sơn (núi Dài), Phụng Hoàng sơn (núi Tô), Thủy Đài sơn (núi Nước), Liên Hoa sơn (núi Tượng), Ngũ Đài sơn (núi Dài Năm Giếng). Trong đó, núi Cấm là ngọn núi cao nhất gắn liền với nhiều câu chuyện về hùm beo, mãng xà, các đạo sĩ, võ sư...
Một lần lên núi Cấm, vô tình hỏi anh Phi Kiếm là người ngụ trên núi Cấm: “Ngày xưa núi có nhiều hổ mây, cọp. Nay các thú dữ này còn không?”. Anh Kiếm sợ xanh mặt lật đật giải thích : “Mấy ổng còn nhưng rút vào chỗ hoang vu… tu rồi”. Anh giải thích, dân trên núi ít ai gọi hổ mây, cọp mà phải kêu ông Mây, ông Hổ.
Chuyện kể về rắn hổ mây vùng Thất Sơn luôn gây tò mò lẫn sợ hãi. Nào là rắn khổng lồ, thân to như khúc gỗ nên mỗi lần di chuyển gây giông gió; khi cuộn lại to thù lu như cái lu...
Rắn hổ mây là kho giai thoại của núi rừng Thất Sơn, những câu chuyện rợn người về hổ mây chốn núi non tâm linh bao đời qua luôn hấp dẫn nhân gian. Khoảng mấy chục năm về trước, lúc xe đò còn hiếm hoi, các tài xế xe khách chạy chở khách vào vùng Thất Sơn ngang qua vùng núi Cấm vẫn hay kể. Rằng đang chạy bỗng thình lình phía trước ông Hổ lừng lững hay ông Mây bò trườn cất đầu cao nghệu nên phải dừng xe lại. Hành khách trên xe đều ngồi im vì họ tin rằng cọp hay rắn to trên núi Cấm là loài tu lâu năm nên không ăn thịt người!
Chuyện kể về rắn hổ mây vùng Thất Sơn luôn gây tò mò lẫn sợ hãi. (Ảnh: Thanh Dũng).
Chuyện rợn người về hổ mây chốn núi non tâm linh bao đời qua luôn hấp dẫn nhân gian. (Ảnh: Thanh Dũng).
Hay những câu chuyện người hành hương trên núi Cấm khi leo núi cao có độ cao 720m phải ngồi nghỉ mệt trên các gốc cây. Đến khi thấy gốc cây lay chuyển họ mới biết ngồi cạnh rắn hổ mây nên mặt mài xanh lè khẩn cầu ông rắn tha tội! |
Người ngụ trên núi Cấm lâu đời nhất là lão đạo sĩ Ba Lưới- tức Nguyễn Văn Y đã tạo nên huyền thoại núi rừng khi nhiều lần chạm mặt đánh rắn hổ mây. Nhưng nay lão đạo sĩ cũng đã cưỡi hạc quy sơn ở cái tuổi hơn 100, mang theo những huyền thoại rắn khổng lồ về chân mây.
Tháng 9 năm 2010, chuyện rắn hổ mây khổng lồ lại nóng lên, thời điểm đó, ông Trần Quốc Diệp (ngụ ấp Xuân Hiệp, TT.Tịnh Biên) hớt ha hớt hải kể rằng tận mắt ông thấy rắn hổ mây khổng lồ nằm thù lù trong lùm cây. Con rắn to thấy ông Diệp liền phùng mang rướn mình đuổi khiến ông chạy trối chết sau đó nó biến đâu mất. Sau đó, ngành kiểm lâm huyện Tịnh Biên đi tìm nhưng cuối cùng không tìm được rắn.
Vùng núi non linh thiêng chứa bao câu chuyện về rắn khổng lồ đầy huyền hoặc. (Ảnh: Thanh Dũng).
Người dân trên núi Cấm vẫn hay kể mấy chục năm trước gần suối Thanh Long có cái hang to lắm, có ông Mây đen (hổ mây theo lời kể có con màu vàng, có con màu đen) khổng lồ ngụ trong đó. Lâu lâu ông bò lên khỏi hang khiến ai nấy rụng rời bỏ chạy. Nhưng họ nói có lẽ ông hù dọa cho vui chứ chạy thế nào kịp vì chỉ cần vài cú phóng mình mấy chục mét, ông đã táp gọn con mồi.
Ông Nguyễn Văn Sơn, người mua 1 trong 7 ngọn núi thiên Anh Vũ sơn xây thành điểm du lịch vẫn tin rằng còn ông Mây khổng lồ đang ẩn mình dưới các hang đá sâu. Ông nói, ông không dám bình luận gì nhiều bởi ông từng thấy cặp rắn hổ mây đen bò lên từ hang đá sâu thăm thẳm trên núi Anh Vũ. Nói ra sợ người ta không tin lại cười cợt nên ông Sơn đã chủ động phòng vệ, ông không dám tìm mọi cách đuổi rắn đi vì rắn đã ở đây rất lâu trước khi ông mua núi. Thế là, ngay chỗ rắn hổ mây xuất hiện, ông Sơn cho xây cặp rắn hổ mây to bằng đá cứng rất to, cũng màu đen và khá dữ dằn để “trấn” cặp hổ mây thật.
Ông Sơn lý giải các hang động trên Bảy Núi ăn luồng nhau là nơi lý tưởng cho hổ mây trú thân. Ông Sơn nói: “Người xưa đồn rắn hổ mây chỉ sợ loài to lớn hơn chúng. Nên cặp rắn tôi xây thật to, trên đầu có mồng như mồng gà, mắt đỏ rực. Để khi ban đêm mấy ông bò ra gặp cặp rắn giả mà thối lui”.
Ông Nguyễn Văn Tấn nhà ở chốn thâm u ở triền núi Cấm. Ông Tấn nổi danh với tài nghệ đua bò - môn chơi thể thao nổi danh khắp nơi chỉ có An Giang mới có. Ông nói, ở núi rừng nên không dám nghĩ mông lung vì nghĩ tới cái gì nó hay xuất hiện cái đó. Nhưng ông nói, rắn to có nhưng rút đi ẩn hết rồi, còn bây giờ chỉ còn rắn hổ mây nhỏ thôi, 1 con chừng vài chục kg cũng đủ đồn thổi rắn khổng lồ. Ông nói, kỳ thực hổ mây to ít làm hại ai dù chúng được nhiều người gán cho biệt danh là mãng xà...
Trong những ngày ở núi Dài tại TT. Ba Chúc, người dân vẫn còn kể câu truyện một thầy rắn nuôi cặp rắn hổ mây khá to như làm bùa hộ mạng cho cái nghề của mình. Nhưng có lần, khi cho rắn ăn, một con cứ lừ lừ cất đầu trực cắn ông, biết là lời cảnh báo nên thầy rắn đã van vái thả cặp rắn lên núi rồi giải nghệ...
Người trên núi khẳng định 'rắn có giang sơn của rắn, người có giang sơn của người, mình không phạm ông thì mấy ổng không phạm mình'. (Ảnh: Thanh Dũng).
Những ngày lên núi Cấm chơi, nằm võng bên con suối mát rượi chảy róc rách, phía bên kia là rừng núi cao chập chùng, tôi nghe ông chủ quán tên Chánh nói, trên núi còn nhiều rắn lắm, hổ mây hay rắn độc gì cũng có. Ổng chỉ một vạt rừng ở góc xa nói, lâu lâu thấy tàn cây uốn cong lại bung ra. Ông nói, chắc có thể do rắn to bò trườn trên cây... “Rắn hổ mây có giang sơn của rắn, người có giang sơn của người, mình không phạm mấy ông thì mấy ổng không phạm mình...”, ông khẳng định. |
Đêm trên núi Cấm xuống nhanh, bóng tối phủ trùm nhấn chìm cả vùng núi rừng mênh mông, tiếng tắc kè kêu liên tục, tiếng bò sát côn trùng kêu vang rền lẫn tiếng cây rừng xào xạc càng làm câu chuyện hổ mây thêm huyền hoặc. Những người trên núi thì thào, chó nhà nuôi sợ ông Mây lắm, khi thấy chó rút sâu vào nhà tru lên sợ hãi thì có thể ngoài vạt rừng kia có ông Mây đang bò... Nhưng họ nói, lúc trước chuyện này hay xảy ra còn bây giờ hiếm lắm.
Phải rồi, Thất Sơn bây giờ không còn bộ mặt rừng rú, nhà dân, xe cộ bây giờ đã đông ken. Ánh đèn điện đã đẩy dần bóng tối cũng như đẩy lùi loài rắn khổng lồ vào các câu chuyện xa xưa. Ngày xưa, Thất Sơn lắm loài rắn độc nên cũng từ đó nảy sinh các bậc “thần y” trị rắn cắn bằng các phương thuốc cổ truyền. Bây giờ, thời hiện đại, các thần y xưa cũng lặng lẽ lui dần...