Sài Gòn sau cơn mưa…

Bằng này năm ngoái, tôi có mặt trong một cuộc họp khá đặc biệt bàn về giải pháp chống ngập cho thành phố Hồ Chí Minh. Khi ấy, triều cường và những cơn mưa lớn cũng đang làm khổ người dân ở các khu vực trũng, cuộc họp có rất đông các chuyên gia quốc tế, nhiều giải pháp đã được đưa ra…

Tôi nhớ khi đó, nhóm chuyên gia hùng hậu đa quốc tịch được giới thiệu đã từng chống ngập thành công cho nhiều nước trong khu vực. Đơn vị đưa nhóm chuyên gia về là một công ty tư nhân đình đám có trụ sở ở Hà Nội- họ nói rằng họ có những hoạt động đầu tư tại thành phố và mong muốn được góp một phần sức mình trong việc chống ngập chứ không phải đi bán công nghệ hay “nhòm” vào ngân khố.

Lãnh đạo Thành uỷ, Uỷ ban công tâm mà nói, rất quan tâm tới các giải pháp chống ngập này. Cuộc họp sôi nổi, kéo dài và cả Bí thư lẫn Chủ tịch cùng các Ban, ngành đều rất chú tâm, một cuộc họp rất chất lượng.

Đánh giá về tình trạng ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh, nhóm chuyên gia khi ấy đưa ra các sở cứ thấy thành phố hiện còn 68 điểm bị ngập cần giải quyết và với tốc độ xây dựng như hiện nay sẽ còn những điểm ngập mới phát sinh. Với thực trạng này, TP Hồ Chí Minh phải tính tới tình huống xấu nhất khoảng 12% dân số thành phố chịu thiệt hại thiên tai, 23% đất đai bị xói mòn không sử dụng được, thậm chí GDP có thể bị thụt lùi nhiều năm do phát sinh lũ lụt lớn. Trong khi đó, các giải pháp chống ngập của TP Hồ Chí Minh đã và đang triển khai chưa đáp ứng được với tình hình thực tiễn.

sai gon sau con mua
Giải pháp xây dựng hệ thống đường hầm trữ nước mưa ở Tokyo

Để chống ngập cho TP Hồ Chí Minh, nhóm chuyên gia đề xuất 6 giải pháp tổng thể và các biện pháp cụ thể. Trong số các giải pháp này, tôi đặc biệt chú ý tới nhóm giải pháp ứng dụng toàn bộ công nghệ mới để nâng cấp hệ thống cũ và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng mới cho công tác chống ngập lụt với thời gian nhanh hơn và độ bền tốt hơn. Một chuyên gia đến từ Nhật Bản đã mô phỏng khá chi tiết công nghệ thấm nước mưa mà nước này đang sử dụng. Hiểu một cách tóm tắt thì vật liệu chống thấm này sẽ được rải trên hè phố, trên đường và mưa tới đâu hút nước tới đó, nước thấm sẽ dồn về các rãnh thấp và hố thấm nước (như hình minh hoạ).

Tôi cũng thấy lãnh đạo thành phố hỏi lại khá kỹ về giải pháp sử dụng các địa điểm công cộng như công viên, khu vui chơi giải trí…làm nơi chứa nước tạm thời (thoát ngập tại chỗ), thiết kế các trạm bơm, các đường hầm trữ và thoát nước.

Đặc biệt, đi cùng với các giải pháp công nghệ, nhóm chuyên gia nói thẳng tại hội nghị rằng yếu tố con người thực hiện các đề án chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh là nhân tố quyết định, do vậy cần có những chiến lược về đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động này…

Cuộc họp kết thúc, hai bên hồ hởi, lãnh đạo thành phố khẳng định các giải pháp của chuyên gia đều phù hợp với đánh giá, hướng đi chống ngập hiện nay của TP HCM, chỉ khác về công nghệ. Nhóm chuyên gia trao đổi bên lề rằng 68 điểm ngập hiện tại cần được giải quyết cấp bách song song với kế hoạch lâu dài (50 năm), triển khai toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng chống ngập lụt, phối hợp với các vùng ảnh hưởng nội địa, các nước trong khu vực và quốc tế. Họ nói rằng cần phải làm nhanh và họ có thể hỗ trợ thành phố (miễn phí) về ý tưởng để tham khảo, kêu gọi các nguồn hỗ trợ ODA, các nguồn xã hội hoá , cử chuyên gia sang hướng dẫn, đào tạo nếu cần và triển khai các công việc khác theo các quy định của pháp luật…

sai gon sau con mua
Một giải pháp nhóm chuyên gia đa quốc gia đã đề xuất từ tháng 9/2015.

…Hôm nay, chôn chân trên đường phố nhìn người Sài Gòn vật lộn với cơn mưa lớn, những con phố thành “dòng sông uốn quanh”, cập nhật những lời xin lỗi nhân dân của Chủ tịch thành phố, tôi móc điện thoại gọi hỏi một chuyên gia trong cuộc họp năm trước. Hỏi để mà hỏi thôi, chứ cả năm rồi, sau cuộc họp đầy khí thế, không thấy thông tin gì về việc triển khai các giải pháp hay ho mà nhóm chuyên gia đề xuất, là tôi hiểu “khi xong xuôi tất cả lại về”. “Khảo cổ” lại câu chuyện chống ngập ở thành phố này, mới thấy từ năm 2000, rồi 2011, 2013 đều đã “nóng” và câu chuyện được hiểu là đang mắc ở phần vốn. Rằng thì phải có 100 ngàn tỷ đồng mới chống được ngập lụt triệt để, trong khi dù thành phố có huy động mọi nguồn lực ngân sách và xã hội hóa thì vẫn còn thiếu phân nửa, nên chỉ còn “nước” ngóng Chính phủ hỗ trợ bằng nguồn vốn ODA và nguồn vay từ Ngân hàng nhà nước.

Tôi điện thoại hỏi phía doanh nghiệp đã đưa nhóm chuyên gia năm ngoái về tư vấn cho thành phố HCM để hỏi, đại diện DN giãi bày “khó lắm anh, chưa làm đã có ý kiến, đã ì xèo, đã có nhiều dấu hỏi về động cơ”. Rồi im lặng…chỉ còn tiếng mưa rơi, chỉ còn tiếng chân người bì bõm, tiếng xe rẽ nước cố thoát về nơi cao hơn…

Truyền thông đặt nhiều câu hỏi, sao hàng chục ngàn tỷ đồng rồi mà thành phố vẫn ngập, tiền chống ngập của chúng tôi chảy đi đâu rồi? Hỏi thì không sai nhưng nên chăng câu hỏi đừng xoáy óc và tiêu cực chứ, có phải lãnh đạo thành phố hay các sở, ban, ngành không lo lắng, không chạy ngược chạy xuôi lo các giải pháp chống ngập hay sao, có phải tiền chống ngập bị “ném qua cửa sổ” đâu, ai cũng nhìn thấy, có quá nhiều nguyên do khiến cho thành phố “thất thủ” trong biển nước.

Vậy thì, đừng đặt ra những câu hỏi tiêu cực, những góc nhìn tiêu cực nữa, mỗi người hãy nghĩ tích cực hơn, bớt nghi kỵ và cực đoan, để ủng hộ cho những giải pháp công nghệ mới (rất có thể) sẽ được ứng dụng để chống ngập, ủng hộ những doanh nghiệp tham gia vào chương trình xã hội hoá, chống ngập cho TP HCM và đừng vội nhìn họ bằng con mắt cảnh giác, kiểu như họ kiếm lợi nhuận khủng từ những trận lụt, những cơn mưa…

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.