Sài Gòn VRG (SIP) chi gần 210 tỷ đồng mua lại cổ phiếu, giảm vốn điều lệ

Sài Gòn VRG vừa mua lại 2 triệu cổ phiếu SIP với giá trung bình hơn 104.710 đồng/cp, qua đó giảm vốn điều lệ từ 929 tỷ đồng còn 909 tỷ đồng. Số lượng cổ phiếu quỹ cũng theo đó tăng lên 2 triệu đơn vị.

HĐQT CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP) vừa thông qua việc giảm vốn điều lệ của công ty từ 929 tỷ đồng giảm thành 909 tỷ đồng (giảm 20 tỷ đồng), sau khi hoàn tất thương vụ mua lại 2 triệu cổ phiếu trong giai đoạn từ ngày 20/10 - 10/11 vừa qua. 

Sau thương vụ này, số lượng cổ phiếu quỹ của công ty cũng tăng lên 2 triệu đơn vị, trong khi trước đó công ty không có cổ phiếu quỹ nào.  

Với giá giao dịch bình quân là 104.710,6 đồng/cp, phương thức giao dịch là khớp lệnh, công ty đã chi khoảng 209,4 tỷ đồng cho thương vụ trên. 

Tổng nguồn vốn thực hiện mua lại (chưa bao gồm phí giao dịch) đến từ thặng dư vốn cổ phần (gần 31,3 tỷ đồng), quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (hơn 19,5 tỷ đồng) và quỹ đầu tư phát triển (hơn 158,6 tỷ đồng), theo báo cáo tài chính riêng đã kiểm toán tại ngày 31/12/2021 của doanh nghiệp.

Trong thời gian thực hiện giao dịch, thị giá SIP liên tục giảm từ mức cao nhất 120.000 đồng/cp (kết phiên ngày 20/10) xuống mức thấp nhất 76.000 đồng/cp (kết phiên ngày 10/11). Sau giao dịch, thị giá SIP tiếp tục đà giảm và kết phiên ngày 15/11 trong sắc đỏ tại mức 54.400 đồng/cp.

Phiên sáng ngày 16/11 (một ngày sau khi đăng tải bản công bố giảm vốn điều lệ trên), thị giá SIP đã quay đầu và đang giao dịch ở mức 60.000 đồng/cp. 

 Diễn biến thị giá cổ phiếu SIP của Sài Gòn VRG trong vòng một tháng gần đây. (Nguồn: Tradingview). 

Liên quan đến tình hình kinh doanh, luỹ kế 3 quý, doanh thu thuần đạt gần 4.595 tỷ đồng, tăng 11,3%, chiếm phần lớn là doanh thu từ bán điện nước. Lợi nhuận sau thuế hơn 699,6 tỷ đồng, giảm 4,6%, do giá vốn hàng bán tăng.

Năm nay, công ty đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế 668 tỷ đồng, như vậy, sau ba quý đầu năm kinh doanh, công ty đã vượt 1% mục tiêu lợi nhuận năm. 

Mặt khác, tính đến ngày 30/9, Sài Gòn VRG có hơn 10.546 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện (cả ngắn và dài hạn), chiếm gần 57% tổng vốn, chủ yếu là nhận trước tiền thuê đất, nhà xưởng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.