Sài Gòn VRG (SIP) tập trung đầu tư phát triển các dự án khu vực sân bay Long Thành

Tại cuối năm 2023, các khoản mục liên quan đến việc đầu tư các dự án khu vực sân bay Long Thành của SIP đã tăng mạnh so với đầu năm 2023, trong đó có dự án KCN Lộc An – Bình Sơn.

Theo thông tin từ báo cáo mới đây của Chứng khoán Mirae Asset về CTCP Đầu tư Sài Gòn VRG (mã chứng khoán: SIP), hiện, SIP đang tập trung đầu tư phát triển các dự án khu vực sân bay Long Thành. 

Tại thời điểm cuối năm 2023, tài sản của SIP đã tăng mạnh ở khoản phải thu từ thương vụ hợp tác đầu tư dự án kho logistic cảng hàng không sân bay Long Thành. Khoản mục này tăng từ 23 tỷ đồng tại đầu năm 2023 lên 814 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, ban lãnh đạo SIP cũng chia sẻ đây là khoản đầu tư rất triển vọng khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động.  

Mặt khác, khoản mục chi phí xây dựng dở dang tại Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (nằm cách cảng hàng không Quốc tế Long Thành 1,5 km) cũng tăng từ mức 175 tỷ đồng vào đầu năm 2023 lên 600 tỷ đồng vào cuối năm 2023. Việc đầu tư mạnh vào dự án này hứa hẹn sẽ mang lại nguồn thu tốt cho SIP trong năm 2024, mức giá thuê tại đây hiện ở mức 220 USD/m2/ chu kỳ thuê. 

 Dự án Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn của SIP. (Ảnh: SIP).

Theo cập nhật của Mirae Asset, quỹ đất hiện hữu của SIP có diện tích có thể cho thuê lớn với 1.087 ha, đến từ 4 dự án là Khu công nghiệp Phước Đông giai đoạn 2 (hơn 787 ha, trong đó sẵn sàng cho thuê 290 ha); Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 (105,4 ha); Khu công nghiệp Đông Nam (hơn 49,9 ha) và Khu công nghiệp Lộc An – Bình Sơn (144,42 ha). 

Ngoài ra, SIP cũng đang phát triển dự án Khu công nghiệp Phước Đông giai đoạn 3 với quy mô gần 650 ha. Đây dự kiến sẽ là quỹ đất gối đầu giúp SIP phát triển trong 5 - 10 năm tới.

Công ty cũng đang trong quá trình chuẩn bị các thủ tục để tham gia vào hai Khu công nghiệp Phạm Văn Hai I (379 ha) và II (289 ha) tại TP HCM. Trong năm 2023, hai dự án vừa được Chính phủ bổ sung vào quy hoạch thành phố.  

Năm 2023, SIP báo lãi sau thuế 1.037 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Chủ lực nguồn thu của công ty đến từ hoạt động bán điện, nước tại các khu công nghiệp do nhóm công ty làm chủ đầu tư. Tại ngày 31/12/2023, công ty cũng đang ghi nhận 11.273 tỷ đồng doanh thu nhận trước tiền thuê đất, nhà xưởng, trong đó, hơn 319 tỷ đồng dự kiến sẽ được ghi nhận trong ngắn hạn. 

Nhờ dòng tiền dồi dào này, SIP ngoài rót vốn đầu tư cho các dự án khu công nghiệp của công ty cũng như đầu tư tài chính ngắn hạn. SIP cũng đang là doanh nghiệp có lượng tiền mặt lớn nhất trong nhóm 23 doanh nghiệp khu công nghiệp đại chúng với 3.824 tỷ đồng, trong khi đó, dư nợ vay tài chính ở mức 1.686 tỷ đồng với tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu là 0,417.  

Ngày 8/8/2023, cổ phiếu SIP đã chính thức niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE), nhờ đó giúp thanh khoản của SIP có những chuyển biến đáng kể so với giai đoạn còn giao dịch tại thị trường Upcom. Thanh khoản trung bình 3 tháng gần nhất đạt 195.000 đơn vị, giá trị giao dịch bình quân 12,8 tỷ đồng, tăng 2 lần so với mức trung bình gần 6,5 tỷ đồng trong giai đoạn từ 1/1/2023 – 31/7/2023.

Từ ngày 8/2, cổ phiếu SIP đã đủ 6 tháng niêm yết trên HSX và có thể được HOSE cho vào danh sách các cổ phiếu được giao dịch ký quỹ. Theo Mirae Asset, điều này có thể giúp thanh khoản của SIP cải thiện hơn nữa. 

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.