Các doanh nghiệp từng lãi nghìn tỷ năm 2022 ra sao sau một năm đầy biến động?

Sau năm 2023, có 4 doanh nghiệp rời nhóm lãi nghìn tỷ. Trong đó, cả 4 doanh nghiệp đều đến từ nhóm BĐS dân dụng và phần lớn hoạt động chính ở thị trường phía Nam.

Năm 2022, nhóm doanh nghiệp bất động sản đại chúng có 13 doanh nghiệp báo lãi sau thuế trên 1.000 tỷ đồng, trong đó có 7 doanh nghiệp bất động sản dân dụng và 6 doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp.

Song, trải qua một năm 2023 đầy biến động, danh sách lãi nghìn tỷ này còn lại 9 doanh nghiệp. Trong đó, cả 4 doanh nghiệp rời nhóm đều đến từ hoạt động chính trong mảng dân dụng và phần lớn trọng tâm tại thị trường phía Nam.

(Ảnh minh họa: Hạ Vũ).

9 doanh nghiệp lãi nghìn tỷ: 

“Họ” Vin thăng hoa với nhiều con số kỷ lục

“Quán quân” lợi nhuận vẫn là Vinhomes (mã: VHM) với 33.287 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước. 

Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ khoản doanh thu thuần hơn 103.300 tỷ đồng, tăng 66% so với cùng kỳ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hoạt động, Vinhomes đạt doanh thu đạt trên mức 100.000 tỷ đồng, phần lớn nhờ bàn giao đúng tiến độ 9.800 căn bất động sản thấp tầng tại hai dự án Vinhomes Ocean Park 2 và 3.

“Á quân” trong nhóm lãi nghìn tỷ là cũng là một doanh nghiệp “họ” Vin, Vincom Retail (mã: VRE) với 4.409 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi kỷ lục của Vincom Retail kể từ khi hoạt động đến nay. 

Ngoài nguồn thu chính từ hoạt động cho thuê tại các trung tâm thương mại, công ty cũng ghi nhận doanh thu từ bàn giao nhà phố thương mại của dự án Đông Hà Quảng Trị và một số dự án bất động sản khác trong quý IV/2023 vừa qua.

Công ty mẹ, Vingroup (mã: VIC) cũng góp mặt trong nhóm với khoản lãi sau thuế 2.051 tỷ đồng, tăng khoảng 7 tỷ đồng so với cùng kỳ. Trong năm 2023, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 161.634 tỷ đồng, đây cũng là mức doanh thu cao nhất từ trước tới nay của tập đoàn này.

 Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC.

Nhóm BĐS khu công nghiệp duy trì đà tăng trưởng

6 doanh nghiệp còn lại trong nhóm lãi nghìn tỷ đều đến từ nhóm bất động sản khu công nghiệp, trong đó có 4 doanh nghiệp duy trì được đà tăng trưởng và 2 doanh nghiệp đi lùi so với cùng kỳ năm 2022. 

Becamex IDC (mã: BCM) báo lãi sau thuế 2.314 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ. Đây cũng là khoản lãi lớn nhất trong nhóm khu công nghiệp năm nay. Kết quả này nhờ sự bứt tốc trong quý IV/2023 với khoản lãi quý 2.050 tỷ đồng, mức cao kỷ lục của doanh nghiệp kể từ năm 2018 đến nay.

Trong quý IV/2023, doanh thu mảng bất động sản của công ty đạt 4.670 tỷ đồng, cao gấp 20 lần cùng kỳ sau chuyển nhượng khu đất vàng 18,9 ha tại Bình Dương cho CapitaLand (tổng giá trị 242 triệu USD, tương đương khoảng 5.920 tỷ đồng). Tại ngày 31/12/2023, Becamex IDC còn hơn 2.775 tỷ đồng khoản phải thu từ đơn vị nhận chuyển nhượng khu đất này. 

Doanh nghiệp khu công nghiệp báo lãi nghìn tỷ tiếp theo là Kinh Bắc (mã: KBC) với 2.218 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lãi sau thuế đầu tiên vượt mốc 2.000 tỷ đồng kể từ khi Kinh Bắc lên sàn chứng khoán vào năm 2007. 

Trái với Becamex IDC bứt tốc vào giai đoạn cuối năm, 93% lợi nhuận năm của Kinh Bắc đến từ nửa đầu năm 2023, sau khi công ty chính thức ký hợp đồng thuê đất từ các thỏa thuận trong năm 2022 và ghi nhận doanh thu, lợi nhuận. Nhờ dòng tiền từ việc chính thức ký kết các hợp đồng này, Kinh Bắc cũng đẩy sạch 3.900 tỷ đồng nợ trái phiếu ngay trong nửa đầu năm 2023. 

Sonadezi (mã: SNZ) báo lãi sau thuế 1.387 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần 5.447 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ, nhờ tiết giảm giá vốn, biên lợi nhuận của công ty tăng so với cùng kỳ. Kết quả này tương đương Sonadezi đã vượt 28% kế hoạch lợi nhuận đã đề ra cho năm 2023. 

Sài Gòn VRG (mã: SIP) cũng báo lãi sau thuế 1.037 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ. Chủ lực nguồn thu của công ty vẫn là hoạt động bán điện, nước tại các khu công nghiệp do nhóm công ty làm chủ đầu tư, với doanh thu gần 5.567 tỷ đồng, chiếm hơn 83% trong tổng doanh thu thuần. 

Ngoài ra, doanh thu từ cho thuê đất khu công nghiệp cũng tăng gần 6%, đạt 361 tỷ đồng. Công ty cũng đang ghi nhận 11.273 tỷ đồng doanh thu nhận trước tiền thuê đất, nhà xưởng, trong đó, hơn 319 tỷ đồng dự kiến sẽ được ghi nhận trong ngắn hạn. 

Hai doanh nghiệp khu công nghiệp khác cũng báo lãi nghìn tỷ là IDICO (mã: IDC) với 1.655 tỷ đồng và Viglacera (mã: VGC) với 1.162 tỷ đồng, song, đều "đi lùi" lần lượt 19% và 39% so với cùng kỳ và giảm cùng chiều doanh thu. 

4 doanh nghiệp rời nhóm lãi nghìn tỷ: Phần lớn hoạt động tại thị trường phía Nam

Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC. 

Novaland và Phát Đạt là hai cái tên ghi nhận lãi giảm sâu nhất, song, đều vượt kế hoạch kinh doanh mà hai doanh nghiệp này đã đặt ra cho năm 2023.  

Novaland (mã: NVL) lãi sau thuế 685 tỷ đồng, giảm 69% so với năm 2022 và cao gấp 3,2 lần so với mục tiêu lợi nhuận 214 tỷ đồng mà doanh nghiệp đã đề ra cho năm 2023, nhờ có lãi trở lại trong giai đoạn nửa cuối năm.

Trong cơ cấu tổng doanh thu cả năm của Novaland, đóng góp chính đến từ các hoạt động tài chính như lãi từ hợp đồng hợp tác đầu tư, lãi từ bán cổ phần Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Thành Nhơn,..., cũng như ghi nhận thêm khoản lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh. 

Tương tự Novaland, nguồn thu chính của Phát Đạt (mã: PDR) trong năm 2023 cũng đến từ hoạt động tài chính, trong bối cảnh doanh thu bất động sản sụt giảm. Trong đó, phần lớn được đóng góp từ khoản lãi bán hai công ty con là CTCP Địa ốc Sài Gòn - KL (chủ đầu tư dự án Astral City tại Bình Dương) và CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt. 

Lũy kế cả năm 2023, Phát Đạt lãi sau thuế 682 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt chỉ tiêu lợi nhuận 680 tỷ đồng mà doanh nghiệp đã đề ra. 

Một doanh nghiệp địa ốc phía Nam khác là Khang Điền (mã: KDH) cũng ghi nhận lãi sau thuế 731 tỷ đồng, giảm 32% so với con số 1.082 tỷ đồng cùng kỳ và giảm cùng chiều doanh thu.

Trong quý IV/2023 vừa qua, nhóm Khang Điền đã chính thức mở bán 1.043 căn hộ cao tầng thuộc dự án The Privia (quận Bình Tân, TP HCM). Nhờ đó, tại ngày 31/12/2023, khoản người mua trả tiền trước từ khách mua bất động sản của công ty cao gấp 2,6 lần so với tại thời điểm cuối quý III/2023. 

Cái tên cuối cùng trong nhóm này là Hà Đô (mã: HDG) với lợi nhuận sau thuế 906 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ và thực hiện 93% trong mục tiêu lợi nhuận, đóng góp chính từ mảng năng lượng. 

Riêng đối với mảng bất động sản, Hà Đô vẫn tiếp tục ghi nhận đà giảm doanh thu kể từ đầu năm 2022 đến nay. Kế hoạch mở bán giai đoạn 3 dự án Hado Charm Villas tại Hà Nội cũng tiếp tục bị trì hoãn do tình hình thị trường không thuận lợi. Theo chia sẻ với Chứng khoán Vietcap, công ty dự kiến sẽ mở bán trở lại trong quý I năm nay.