Chỉ đạt 55% mục tiêu nhưng Kinh Bắc cũng lãi đậm nhất từ khi lên sàn, vượt mốc 2.000 tỷ đồng năm vừa qua

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt 5.645 tỷ đồng, tăng 494% so với cùng kỳ năm 2022, với biên lợi nhuận gộp 65%. Lợi nhuận sau thuế đạt 2.218 tỷ đồng, cũng là mức cao nhất kể từ khi niêm yết từ năm 2007 đến nay.

Lợi nhuận vượt 2.200 tỷ, mức cao kỷ lục kể từ khi lên sàn

Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (mã chứng khoán: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2023 với lợi nhuận sau thuế 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước báo lỗ 559 tỷ đồng. 

Chênh lệch này chủ yếu do trong quý, doanh thu từ hoạt động kinh doanh khu công nghiệp tăng, đồng thời không bị giảm trừ doanh thu do hàng bán bị trả lại, kéo âm doanh thu thuần như cùng kỳ.

 Kết quả kinh doanh quý IV/2023 và năm 2023 của Kinh Bắc. (Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC). 

Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của Kinh Bắc đạt 5.645 tỷ đồng, tăng 494% so với cùng kỳ năm 2022, với biên lợi nhuận gộp 65%, cũng tăng so với con số 28% cùng kỳ.

Trong đó, hơn 5.247 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng gần 93%) được đóng góp từ mảng cho thuê đất và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, tăng mạnh so với con số 657 tỷ đồng cùng kỳ. Biên lợi nhuận gộp đạt 69%, cũng tăng so với mức 48% cùng kỳ năm 2022. 

Bên cạnh đó, Kinh Bắc cũng ghi nhận 454 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 34%, chủ yếu là lãi tiền gửi, cho vay và hợp tác kinh doanh. 

Song, trong năm 2023, công ty không có khoản lãi hơn 2.000 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết như cùng kỳ (chủ yếu là lãi mua rẻ từ thương vụ nhận chuyển nhượng cổ phần CTCP Đầu tư Sài Gòn - Đà Nẵng (SDN) trong quý III/2022). Đồng thời, chi phí bán hàng cũng tăng cao do tăng phí tư vấn pháp lý, môi giới và xúc tiến bán hàng. 

Do đó, công ty báo lãi sau thuế 2.218 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả này cũng tương đương thực hiện được 55% trong mục tiêu lợi nhuận 4.000 tỷ đồng mà Kinh Bắc đã đề ra cho năm 2023. 

Đây cũng là mức lãi sau thuế đầu tiên vượt mốc 2.000 tỷ đồng của Kinh Bắc kể từ khi lên sàn chứng khoán từ năm 2007 đến nay. 

 Nguồn: HM tổng hợp từ BCTC. 

Sức khỏe dòng tiền được cải thiện

Nhờ dòng tiền từ lợi nhuận thu được, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Kinh Bắc dương hơn 2.167 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm hơn 1.217 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng dương gần 338 tỷ đồng, chủ yếu do có tiền thu hồi từ cho vay, bán lại công cụ nợ và thu hồi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác. 

Song, trong năm, Kinh Bắc đã chi gần 4.383 tỷ đồng để trả nợ gốc vay, trong khi chỉ thu 851 tỷ đồng từ đi vay và 130 tỷ đồng từ phát hành cổ phiếu. Dòng tiền thuần từ hoạt động tài chính do đó âm gần 3.402 tỷ đồng, kéo dòng tiền thuần trong năm của Kinh Bắc cũng âm gần 867 tỷ đồng.

Qua đó, tại ngày 31/12/2023, lượng tiền mặt của Kinh Bắc giảm hơn 34% so với tại đầu năm 2023, còn 2.705 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tổng tài sản của Kinh Bắc giảm hơn 4,2% so với đầu năm 2023 còn hơn 33.420 tỷ đồng.

Mặt khác, nhờ hoạt động trả nợ này, tại thời điểm 31/12/2023, tổng nợ phải trả của Kinh Bắc cũng giảm gần 22,5% so với đầu năm 2023. Cùng với việc vốn chủ sở hữu tăng nhờ có thêm khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trong năm, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Kinh Bắc đạt mức 0,65 - giảm so với con số 0,96 hồi đầu năm 2023.

Trong tổng nợ phải trả, dư nợ vay tài chính của công ty tại ngày 31/12/2023 là 3.659 tỷ đồng, giảm 52% so với đầu năm 2023, bao gồm 337 tỷ đồng dư nợ ngắn hạn và 3.322 tỷ đồng dư nợ dài hạn, phần lớn là các khoản vay ngân hàng thương mại. Kinh Bắc cũng không còn ghi nhận nợ trái phiếu sau khi hoàn tất mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu trong nửa đầu năm, bằng dòng tiền thu được từ việc chính thức ký hợp đồng thuê đất từ các thỏa thuận trong năm 2022.

Hơn 36% tổng tài sản nằm tại các dự án BĐS đang dở dang

Về phần các dự án của doanh nghiệp, tại ngày 31/12/2023, Kinh Bắc ghi nhận tồn kho chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án bất động sản đạt hơn 12.211 tỷ đồng, giảm 119 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm 2023 và chiếm 36,5% trong tổng tài sản. 

Các dự án có chi phí lớn nhất gồm Khu công nghiệp và Khu đô thị Tràng Cát (8.171 tỷ đồng), Khu đô thị Phúc Ninh (1.113 tỷ đồng), Khu công nghiệp và dân cư Tân Phú Trung (928 tỷ đồng),...

 Nguồn: BCTC.

Ngoài ra, Kinh Bắc cũng có gần 493 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án Khu ngoại giao đoàn Hà Nội (106 tỷ đồng), Hệ thống cấp nước và xử lý nước thải thuộc Khu công nghiệp Nam Sơn Hạp Lĩnh (124 tỷ đồng),...

Song, khoản chi phí này giảm 58% so với thời điểm đầu năm 2023, chủ yếu do không còn ghi nhận chi phí hơn 744 tỷ đồng tại dự án Viễn Đông Meridian Tower như đầu năm, sau khi bán công ty con là chủ dự án này (Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng) vào cuối tháng 3/2023.