Reuters đưa tin Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Go-jek, Nadiem Makarim, đã từ chức để tham gia nội các của Indonesia. Ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á tuyên bố rằng họ đã lên kế hoạch cho khả năng này, và điều này sẽ không làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của mình.
CEO Go-jek Nadiem Makarim từ chức để tham gia nội các Indonesia. (Ảnh: Reuters).
Ông Makarim chia sẻ với báo giới tại dinh tổng thống ở Jakarta, rằng: "Đây là một vinh dự lớn khi có thể tham gia nội các". Ông nói rằng vai trò cụ thể của ông sẽ được Tổng thống Joko Widodo công bố vào cuối tuần này.
Makarim cho biết ông và Widodo đã bàn bạc về các hướng phát triển của Indonesia trong tương lai, bao gồm nguồn nhân lực, cải cách quan liêu và đầu tư.
Truyền thông Indonesia đồn đoán cựu CEO Go-jek sẽ có một ghế trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật số mới, hoặc giáo dục.
Trong thông báo phát ra, Go-jek cho biết Chủ tịch Andre Soelistyo và người đồng sáng lập khác là Kevin Aluwi sẽ giữ ghế CEO chung.
Soelistyo, Chủ tịch tập đoàn Go-jek, đã làm việc tại công ty từ năm 2016 và đứng đầu công ty cổ phần tư nhân Singapore, Northstar Group. Còn đồng sáng lập Aluwi hiện đang điều hành các nhóm phân tích và khoa học dữ liệu của công ty.
Việc CEO Go-jek từ chức diễn ra khi hãng tăng cường nỗ lực mở rộng trong khu vực. Phát triển từ dịch vụ gọi xe vào năm 2010, nay Go-jek đã trở thành siêu ứng dụng gồm thanh toán trực tuyến, giao hàng, đặt hàng thực phẩm và dịch vụ như mát xa, dọn dẹp nhà cửa… Go-jek hiện đang nhắm mục tiêu vào Singapore,nơi đối thủ Grab bành trướng.
Go-jek được định giá 10 tỉ USD. Đầu năm nay công ty Indonesia này đã huy động được hơn 1 tỉ USD từ những người ủng hộ, bao gồm Google cùng gã 2 khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent và JD.
Tại Việt Nam, Go-Viet cũng lận đận về mặt nhân sự. Cuối tháng 3, ông Nguyễn Vũ Đức rời ghế CEO cùng với bà Nguyễn Bảo Linh, Phó Tổng Giám đốc Go-Viet. Lúc bấy giờ trang Deal Street Asia tiết lộ 2 lãnh đạo cao cấp này yêu cầu Go-Viet bồi thường 800.000 USD cho sự ra đi này. Tuy nhiên, Go-Viet xác nhận cả hai vẫn sẽ ở lại với vai trò cố vấn, để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp tục phát triển trong thời gian tới.
Cuối tháng 9, CEO đương nhiệm lúc bấy giờ, bà Lê Diệp Kiều Trang, cũng rời vị trí chỉ sau 5 tháng. Theo Go-Viet, bà Trang quyết định lựa chọn hướng đi riêng cho sự nghiệp của mình và công ty "lấy làm tiếc về việc này".
Go-Viet chưa tiết lộ thời điểm chính xác bà Trang thôi việc.
Bà Lê Diệp Kiều Trang rời "ghế nóng" Go-Viet chỉ sau 5 tháng. (Ảnh:Go-Viet).
Theo thông tin mới đây tiết lộ, ban lãnh đạo của Tập đoàn mẹ là Go-Jek đã phân công ông Phùng Tuấn Đức tạm quyền điều hành Go-Viet trong thời gian này. Ông Phùng Tuấn Đức là một trong những lãnh đạo cấp cao của Go-Viet kể từ khi ứng dụng này có mặt tại Việt Nam từ tháng 8/2019.
Hiện chưa rõ ai sẽ là người kế nhiệm chính thức cho chiếc ghế đã bỏ trống hơn một tháng qua.