Theo Kiểm Toán Nhà nước (KTNN), số dư nợ phải thu của Tổng công ty Sông Đà tính đến ngày 31/12/2017 của các đơn vị được kiểm toán là 10.786 tỉ đồng. Trong đó, nợ trong hạn là 8.879 tỉ đồng, nợ quá hạn là 1.907 tỉ đồng.
KTNN cho biết, trong nợ quá hạn, nợ phải thu khó đòi của Tổng công ty Sông Đà là 305 tỉ đồng; trong đó, công ty mẹ là 55,6 tỉ đồng; Công ty cổ phần (CTCP) Sông Đà 6 là 35,76 tỉ đồng; CTCP thủy điện Cần Đơn là 72,5 tỉ đồng; CTCP Sông Đà 10 là 67,8 tỉ đồng;….
Kiểm toán nêu rõ, số nợ phải thu chưa được đối chiếu xác nhận là 621,4 tỉ đồng. Một số đơn vị có tỉ lệ đối chiếu nợ phải thu thấp; phân loại nợ phải thu khách hàng theo ngắn hạn và dài hạn còn chưa chính xác.
Một số khoản nợ phải thu có số dư lớn, có tuổi nợ trên ba năm tại Tổng công ty Sông Đà cũng chưa thu hồi được, cụ thể: khoản đặt cọc 35 tỉ đồng để mua cổ phần của Cty CP Đầu tư Hải Thạch BOT; các khoản nợ của các cá nhân 56 tỉ đồng tại CTCP Thủy điện Cần Đơn;….
Ngoài các khoản nợ nếu trên, nhiều dự án đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện đã hoàn thành và đi vào vận hành thương mại nhưng chưa được thanh quyết toán đã dẫn tới tồn đọng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang kéo dài như dự án Sông Đà 9, 4, 10,….
Thêm vào đó, CTCP Sông Đà 10 (CTCP Thủy điện Nậm He) chưa thu hồi khoản trả trước cho các nhà thầu là 8.744 tỉ đồng và khoản ứng trước tiền mua vật tư cho các cá nhân thuộc CTCP Sông Đà 7 là 6,2 tỉ đồng từ giai đoạn đầu tư Nhà máy Thủy điện Nậm He; hay chậm thanh toán chủ yếu là các công trình do Tổng công ty Sông Đà làm thầu chính.
Ngoài ra, KTNN cũng nêu rõ, Tổng công ty Sông Đà xác định chi phí sản xuất kinh doanh dở dang cuối kì đối với một số công trình (hạng mục) xây lắp còn chưa phù hợp quy định của các chuẩn mực kế toán của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Trong đó, tổng công ty ghi nhận nguyên giá tài sản cố định và trích khấu hao chưa phù hợp qui định trích khấu hao đối với các tài sản hỏng chờ sửa chữa, chờ thanh lí, không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh; thay đổi phương pháp trích khấu hao nhưng không thông báo cho cơ quan thuế.
Theo Kiểm toán Nhà nước, Tổng công ty phải tạm ghi nhận nguyên giá tài sản cố định kéo dài do việc quyết toán một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy thủy điện hoàn thành chậm so với quy định của Bộ Tài chính.
Cụ thể, nhà máy Thủy điện Nậm Chiến đã đưa vào vận hành thương mại được 5 năm nhưng đến tháng 10/2018 mới thực hiện quyết toán dự án hoàn thành, chậm 46 tháng so với quy định. Nhà máy Thủy điện Nậm He đã vận hành thương mại được gần 4 năm nhưng đến hết thời điểm kiểm toán CTCP Sông Đà 10 vẫn chưa hoàn tất công tác lập hồ sơ báo cáo quyết toán Dự án hoàn thành trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhà máy Thủy điện Hà Tây (thuộc CTCP Thủy điện cần Đơn) đã vận hành thương mại từ tháng 7/2015 nhưng đến nay vẫn đang trong quá trình quyết toán.
KTNN đánh giá, phần lớn các khoản đầu tư tài chính của các công ty con thuộc Tổng công ty Sông Đà được kiểm toán không thực sự mang lại hiệu quả, chưa trích lập dự phòng hoặc trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính chưa phù hợp với quy định của Bộ Tài chính.
Tiền thân Tổng công ty Sông Đà là một doanh nghiệp nhà nước được thành lập từ năm 1961. Ngày 26/3/2018, Tổng công ty Sông Đà đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu chính thức chuyển đổi từ mô hình Tổng công ty nhà nước sang mô hình Tổng công ty cổ phần. Tổng công ty tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh chính là xây dựng các nhà máy điện, cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà máy công nghiệp, công trình dân dụng; chế tạo và cung cấp nguyên vật liệu, thiết bị xây dựng; công nghệ xây dựng, kinh doanh bất động sản. |
Điều chỉnh phương án cổ phần hóa Tổng công ty Sông Đà
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý giá trị doanh nghiệp, điều chỉnh cơ cấu cổ phần ... |
Tổng công ty Sông Đà sắp thoái vốn khỏi công ty thủy điện thua lỗ của Bitexco
Đầu tháng 10 tới, Tổng công ty Sông Đà sẽ tiến hành thoái vốn 2,16 tỷ đồng (tỷ lệ 0,92%) tại CTCP Thủy điện Hồ ... |
Tổng công ty Sông Đà muốn thoái toàn bộ vốn tại MBBank
Tổng công ty Sông Đà vừa có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về phương án thoái vốn đầu tư tại Ngân hàng TMCP ... |