UBND TP HCM đã gửi công văn số 449 báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, về việc nhận được Đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, của Công ty TNHH Thương mại Công nghệ Go Viet (Go-Viet).
Cụ thể, Go-Viet sẽ hợp tác với các đơn vị vận tải đã được Sở GTVT TP HCM cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô. Phương tiện kết nối với hãng phải là các xe ôtô dưới 9 chỗ ngồi, có niên hạn sử dụng không quá 8 năm, và đã được Sở GTVT TP HCM cấp phù hiệu xe hợp đồng.
Go - Viet trong đợt ra mắt rầm rộ tại Hà Nội năm 2018. |
Phía Go-Viet cũng cam kết thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định, và đảm bảo quyền lợi của hành khách.
Theo UBND TP HCM, thời gian qua, dù chưa được Bộ GTVT chấp thuận cho hoạt động thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT (Quyết định số 24), nhưng ứng dụng gọi xe Go-Viet vẫn triển khai trên địa bàn.
Trong công văn gửi Bộ GTVT, TP HCM cho biết việc Go-Viet tham gia thí điểm Quyết định 24 sẽ tránh độc quyền đối với hoạt động gọi xe công nghệ. Đồng thời, môi trường kinh doanh sẽ lành mạnh, nâng cao chất lượng phục vụ cho người dân và góp phần hạ giá thành vận tải, khi có thêm nhiều “tay chơi” khác cùng tham gia.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch TP HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng kiến nghị Bộ GTVT, trong trường hợp chấp nhận cho Go-Viet thí điểm, thì yêu cầu hãng chỉ hỗ trợ kết nối đối với các đơn vị vận tải đã được Sở GTVT TP HCM cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô. Điều kiện ràng buộc tiếp theo là phương tiện phải được Sở GTVT TP HCM cấp phù hiệu xe hợp đồng lần đầu trước ngày 1/12/2018.
Sau thời gian chạy "lụi" tại TP HCM, Go - Viet đã chính thức xin tham gia đề án thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. |
Để dễ kiểm tra, xử lý theo quy định về thời gian phương tiện được cấp phù hiệu, TP HCM kiến nghị bổ sung thông tin này trên phù hiệu xe hợp đồng được cấp cho phương tiện, hoặc gắn mã QR Code trên phù hiệu xe hợp đồng.
Trên địa bàn TP HCM hiện có 4 doanh nghiệp tham gia thực hiện thí điểm Quyết định 24, là Công ty TNHH GrabTaxi, Công ty CP Ánh Dương Việt Nam, Công ty CP Tập đoàn Mai Linh, Công ty TNHH công nghệ phần mềm GO-IXE.
Thống kê đến tháng 9/2018, thành phố có hơn 40.000 ôtô 9 chỗ trở xuống tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng.
Thành phố đánh giá việc triển khai Quyết định 24 đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực, như người dân có nhiều sự lựa chọn, biết trước giá cước, rút ngắn thời gian chờ đợi...
“Tuy nhiên, cũng phát sinh nhiều tác động tiêu cực như số lượng xe dưới 9 chỗ không ngừng gia tăng, công tác kiểm tra, xử lý phương tiện hoạt động kinh doanh vận tải có sử dụng phần mềm Uber, Grab,… gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử với kinh doanh vận tải bằng taxi”, công văn số 449 của UBND TP HCM gửi Bộ GTVT cho biết.