Sẽ trình Quốc hội biểu quyết thực hiện toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho rằng việc thực hiện toàn bộ 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công sẽ là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng để đảm bảo tiến độ dự án.
Sẽ trình Quốc hội biểu quyết thực hiện toàn bộ dự án cao tốc Bắc - Nam theo hình thức đầu tư công - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Giao thông vận tải).

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "không vì lý do gì để chậm tiến độ cao tốc Bắc - Nam", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết trong năm 2022 Bộ sẽ triển khai các giải pháp quan trọng, đặc biệt là về việc thay đổi phương thức đầu tư.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, đối với dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn I, lúc đầu Quốc hội thống nhất thực hiện ba dự án đầu tư công và 8 dự án PPP. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện gặp rất nhiều khó khăn trong lựa chọn nhà đầu tư. Do vậy, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 117 chuyển ba dự án PPP sang hình thức đầu tư công và Nghị quyết 1213 chuyển thêm hai dự án nữa. Như vậy, đến thời điểm này, có 8 dự án đầu tư công và ba dự án PPP.

Bộ GTVT đã giám sát và đánh giá 8 dự án đầu tư công thực hiện theo ba Nghị quyết của Quốc hội đều đảm bảo được tiến độ yêu cầu. Riêng ba dự án PPP đều rất khó khăn trong việc thu xếp vốn tín dụng.

Trong giai đoạn II, ban đầu Thủ tướng Chính phủ dự kiến đầu tư toàn bộ 12 dự án theo hình thức PPP. Tuy nhiên, cân nhắc, xem xét nhiều yếu tố, có thể thấy việc thu xếp vốn đang gặp khó khăn, trong khi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ đến 2025 phải hoàn thành cao tốc Bắc - Nam.

"Chúng ta đã tham mưu và được Uỷ ban ban thường vụ xem xét, sắp tới sẽ trình Quốc hội để xin biểu quyết thực hiện toàn bộ 12 dự án này theo hình thức đầu tư công. Sau đó, chúng ta sẽ tổ chức đấu giá, bán quyền thu phí để thu vốn lại cho Nhà nước.

Tôi cho rằng đây là một trong những giải pháp đặc biệt quan trọng. Nếu Quốc hội chấp thuận, Bộ GTVT sẽ nỗ lực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cố gắng thực hiện xong trong năm 2025", người đứng đầu Bộ GTVT cho biết.

Bên cạnh đó, việc rút kinh nghiệm từ hai dự án đã cơ bản hoàn thành (Cao Bồ - Mai Sơn và Cam Lộ - La Sơn thực hiện từ năm 2018) và các cơ chế đặc thù được Quốc hội, Chính phủ cho phép như được chỉ định thầu tư vấn lập dự án, thiết kế thì thời gian chuẩn bị đầu tư có thể rút ngắn xuống 6 tháng.

Bộ trưởng cũng cho biết, một trong những việc hiện nay được đặc biệt quan tâm khi lập 12 dự án thành phần là các mỏ vật liệu đất, cát... vốn là những vấn đề khó khăn trong thời gian qua.

Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao, nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT và sự phối hợp của các bộ, ngành địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chắc chắn các dự án sẽ đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng đặt ra.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.