Quốc hội đồng ý đầu tư gần 147.000 tỷ đồng xây 729 km cao tốc Bắc Nam, hoàn thành năm 2025

Giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đầu tư 729 km trên các tuyến Bãi Vọt – Cam Lộ, Quảng Ngãi – Nha Trang và Cần Thơ – Cà Mau, chia thành 12 dự án thành phần có thể vận hành khai thác độc lập theo hình thức đầu tư công.

Chiều nay (11/1), Quốc hội đã thông qua Chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Kết quả biểu quyết tại phiên họp bế mạc Kỳ họp bất thường của Quốc hội chiều nay cho thấy có 469/474 đại biểu Quốc hội tán thành (chiếm tỷ lệ 93,99% tổng số đại biểu Quốc hội).

Cơ bản hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026

Theo đó, Quốc hội đồng ý với tờ trình của Chính phủ về việc đầu tư thêm 729 km giai đoạn 2021-2025, trên các đoạn Bãi Vọt (Hà Tĩnh) - Cam Lộ (Quảng Trị), Quảng Ngãi - Nha Trang và Cần Thơ - Cà Mau, chia thành 12 dự án có thể vận hành khai thác độc lập.

Quốc hội đồng ý đầu tư gần 147.000 tỷ đồng xây 729 km cao tốc Bắc Nam, hoàn thành năm 2025 - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Tổng mức đầu tư của dự án là 146.990 tỷ đồng và được triển khai theo hình thức đầu tư công, sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.

Trong đó giai đoạn 2021 - 2025 bố trí 119.666 tỷ đồng cân đối điều hòa từ nguồn vốn ngân sách nhà nước trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và nguồn vốn ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giai đoạn 2026 - 2030 bố trí 27.324 tỷ đồng.

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên khoảng 1.532 ha, đất rừng phòng hộ khoảng 110 ha, đất rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Giải phóng mặt bằng các dự án thành phần theo quy mô 6 làn xe, riêng đối với các dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau giải phóng mặt bằng theo quy mô 4 làn xe.

Nghị quyết nêu rõ việc chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2021, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Trước đó, Chính phủ cho biết, toàn tuyến cao tốc Bắc Nam dài 2.063 km, trong đó đã đưa vào khai thác 478 km, đang đầu tư 829 km, còn lại 756 km chưa đầu tư. Ngoài 729 km vừa được Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư thì đoạn còn lại 27 km gồm Hòa Liên - Túy Loan sẽ được triển khai theo dự án riêng; cầu Cần Thơ 2 được đầu tư sau năm 2025.

Làm rõ thời gian bố trí vốn hơn 72.000 tỷ đồng từ gói phát triển kinh tế

Trình bày báo cáo giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết một số ý kiến cho rằng theo sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án, bình quân 175,4 tỷ đồng/km chưa bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước thì tổng mức đầu tư của một số dự án tương tự bình quân là 152,9 tỷ đồng/km. Theo đó sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án giảm khoảng 16.330 tỷ đồng so với số liệu đề xuất của Chính phủ, đề nghị giải trình làm rõ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, theo quy định pháp luật, tại bước Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi chỉ xác định sơ bộ tổng mức đầu tư để ước tính chi phí đầu tư xây dựng dự án. Việc tính toán chính xác tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình sẽ được tiếp tục thực hiện trong các bước tiếp theo.

Thực tế, dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2017 – 2020  tại bước nghiên cứu tiền khả thi sơ bộ tổng mức đầu tư là 118.716 tỷ đồng, đến bước nghiên cứu khả thi tổng mức đầu tư là 102.513 tỷ đồng. Theo Báo cáo của Chính phủ, sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án đã được xác định cơ bản phù hợp theo quy định.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ trong bước nghiên cứu khả thi chỉ đạo các cơ quan liên quan khảo sát chi tiết về địa hình, địa chất... xây dựng chi tiết, chuẩn xác về các giải pháp thiết kế, biện pháp thi công, tính toán khối lượng, đơn giá chi tiết để lập dự toán xây dựng công trình, làm cơ sở để xây dựng giá gói thầu lựa chọn nhà thầu thi công.

"Để quản lý chặt chẽ về nguồn vốn, bảo đảm sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguồn vốn đầu tư, đề nghị các các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán tăng cường công tác thanh tra, kiểm toán để tránh gây thất thoát, lãng phí" ông Thanh nói.

Về nguồn vốn, theo ông Thanh, có một số ý kiến cho rằng không nên thể hiện giai đoạn 2021-2025 bố trí bao nhiêu vốn từ kế hoạch đầu tư công trung hạn, bao nhiêu vốn từ gói chính sách tài khóa tiền tệ vì hiện nay danh mục dự án thuộc gói này chưa đáp ứng yêu cầu.

Một số đại biểu cho rằng dự án được đề nghị bổ sung khoảng 72.000 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên việc giải ngân của dự án chủ yếu là trong các năm 2024 - 2025 là chưa phù hợp với mục tiêu của Chương trình, do đó bổ sung làm rõ để bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết để giải quyết vấn đề này, đề nghị Chính phủ xây dựng giải pháp điều hòa linh hoạt giữa các nguồn vốn theo hướng sẽ lựa chọn một số dự án đầu tư công trong danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đã hoàn thiện thủ tục có khả năng giải ngân ngay và công tác GPMB cho eự án (19.097 tỷ đồng) để bố trí giải ngân trước trong các năm 2022 và 2023 bằng nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 đã bố trí cho các dự án nêu trên sẽ được bố trí chuyển sang giải ngân cho các dự án cao tốc quan trọng quốc gia trong các năm 2024 và 2025.

Trước đề xuất cần có cơ chế đặc thù trong việc tách công tác giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được tách thành các dự án độc lập sau khi đã xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng và giao cho các địa phương triển khai thực hiện. Tuy nhiên do công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế dẫn đến việc giải phóng mặt bằng của dự án còn chậm trễ.

Đối với các dự án đường bộ giao thông dạng tuyến do phạm vi dự án trải dài và đi qua nhiều địa phương với địa hình phức tạp, phạm vi giải phóng mặt bằng thường chỉ được xác định sau khi quyết định đầu tư dự án. Do đó, trường hợp cho phép tách giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án tại bước quyết định chủ trương đầu tư cũng sẽ không thể đẩy nhanh tiến độ dự án do chưa thể xác định được phạm vi giải phóng mặt bằng để bàn giao cho địa phương.

Về cơ chế nhượng quyền thu phí, rà soát hoàn thiện quy định về công tác thu phí tự động không dừng, Ủy ban Thường vụ sẽ xây dựng phương án tổ chức thực hiện thu hồi vốn để hoàn trả vào ngân sách Trung ương.