Nhìn từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, nghiên cứu thiết kế dải phân cách cơ động khi làm cao tốc

Lấy dẫn chứng về tình trạng tắc đường trên tuyến cao tốc Pháp Vân, Cầu Giẽ, đại biểu Hoàng Văn Cường kiến nghị thiết kế dải phân cách cơ động, có thể dịch chuyển, phân bố lại các làn đường để tăng công suất sử dụng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chiều 10/1, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, thảo luận về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Tại phiên thảo luận các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về sự cần thiết đầu tư dự án, sự phù hợp của dự án với các quy hoạch; cơ chế, chính sách triển khai dự án; phạm vi, quy mô đầu tư, công nghệ chính sử dụng; hình thức đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và phương án thu hồi vốn của dự án,...

Liên quan đến thiết kế, xây dựng dự án, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đồng tình với việc xây dựng 4 làn đường, nhưng dẫn ví dụ tuyến đường điển hình như là Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ông cho rằng mỗi bên ba làn nhưng cứ buổi sáng thì làn bên này kín đặc người, còn bên kia 3 làn để trống. Buổi chiều thì ngược lại, 3 làn bên kia trống và làn bên này kín người.

"Như vậy, tôi đề nghị việc thiết kế dải phân cách nên học tập các nước là thiết kế giãn cách cơ động. Người ta sẽ sử dụng một xe chạy dọc, như vậy nó dịch chuyển, phân bố lại các làn đường để chúng ta tăng công suất sử dụng" đại biểu Hà Nội nêu ý kiến.

Nhìn từ cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, có thể thiết kế dải phân cách cơ động khi làm cao tốc - Ảnh 1.

Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. (Ảnh: Hạ Vũ).

Ngoài ra, ông Hoàng Văn Cường cũng cho rằng cần phải tính toán lại suất đầu tư và tổng mức đầu tư dự án.

Đại biểu cho rằng tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 147.000 tỷ đồng. Như vậy, suất đầu tư 201 tỷ đồng/km tính cả giải phóng mặt bằng và không giải phóng mặt bằng là 175 tỷ đồng/km.

Theo ông Cường, trong khi đó, cùng là các tuyến cao tốc đã hoàn thành như cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết suất đầu tư chỉ 107,5 tỷ đồng; Cam Lâm - Vĩnh Hảo là 122,6 tỷ đồng; Phan Thiết - Dầu Giây là 125,7 tỷ đồng.

"Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra rằng, nếu như chúng ta tính toán lại thì kinh phí chỉ khoảng 130 nghìn tỷ đồng. Như vậy, rõ ràng, chúng ta thấy rằng suất đầu tư và tổng mức đầu tư cần phải tính toán lại", đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Về việc sử dụng nguồn vốn, theo vị đại biểu này, dự án dự kiến sử dụng 72.000 tỷ đồng từ gói hỗ trợ phục hồi kinh tế để đầu tư vào dự án. Tuy nhiên, theo tiến độ giai đoạn 2022 - 2023, tổng giải ngân của dự án này chỉ được 31.000 tỷ đồng.

"Gói phục hồi kinh tế chúng ta nhằm giải ngân trong hai năm 2022-2023. Như vậy phân bổ 72.000 tỷ đồng vào dự án này sẽ còn ít nhất 40.000 tỷ đồng chưa được giải ngân đúng theo mục tiêu của phục hồi kinh tế. Như vậy, việc sử dụng tiền cho phục hồi kinh tế vào đầu tư dự án này cũng cần tính toán lại", đại biểu Hoàng Văn Cường đề xuất.

Chiều nay (11/1), Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.