Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là bài học 'xương máu' khi đầu tư cao tốc Bắc Nam 2021-2025

Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam kiến nghị khi đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải và đơn vị chủ thầu, thi công cần rút kinh nghiệm và xem xét thật kỹ lưỡng, tránh ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án.

Tại buổi thảo luận về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo chương trình kỳ họp bất thường, Quốc hội khóa XV, diễn ra vào tuần trước, các ĐBQH tỉnh Quảng Nam thống nhất cao với chủ trương đầu tư dự án này.

Đại biểu Dương Văn Phước, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phân tích, địa hình Việt Nam hẹp, có độ dốc từ tây sang đông, nhất là ở miền Trung. Đường cao tốc khi triển khai trên thực tế thì đặc điểm địa lý được thể hiện rất rõ. Mùa mưa lũ, nước ở khu vực phía tây rất cao, trong khi ở phía đông rất thấp, gây ngập úng và nhiều khó khăn.

Đặc biệt, khi đường cao tốc đi qua cắt ngang khu dân cư, gây cản trở rất lớn cho khu vực hai bên đường cao tốc, người dân giao thương, giao dịch khó khăn. Ngoài ra khi thiết kế nếu không xem xét hết các yếu tố liên quan, giám sát không chặt chẽ thì chất lượng công trình sẽ hư hỏng nhanh chóng, gây bức xúc rất lớn trong nhân dân ở các khu vực thi công công trình.

Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là bài học 'xương máu' khi đầu tư cao tốc Bắc Nam 2021-2025 - Ảnh 1.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nghiệm thu, thanh toán sai hơn 811 tỷ đồng. (Ảnh: Zing).

Từ dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông khi triển khai các dự án đường cao tốc, cần tuân thủ các phương án đã được duyệt trước khi thi công.

Thời gian qua, khi cử tri phản ánh về chất lượng công trình thì Bộ Giao thông vận tải và đơn vị thi thông báo đã làm đúng quy trình kỹ thuật. Đại biểu Dương Văn Phước đặt câu hỏi: "Quy trình kỹ thuật ở đây là tham khảo ở đâu, như thế nào? Bởi nó không phù hợp với Quảng Nam. Nhiều cống chui hẹp và thấp, không đi được nên phải phải đào sâu thêm. Cuối cùng vào mùa mưa thì lại ngập úng, gây cản trở giao thông".

Ngoài ra, khi tổ chức thi công, các đơn vị chủ quan, không khảo sát trước, và mượn đường dân sinh làm đường công vụ nhưng lại  không có văn bản cụ thể, không ký cam kết. Khi làm xong thì không hoàn trả nguyên trạng đường dân sinh đã mượn, để lại nhiều hậu quả cho người dân địa phương gánh chịu.

Đại biểu Dương Văn Phước chia sẻ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải rất trách nhiệm trong kiểm tra, nhưng khi chỉ đạo điều hành thì các đơn vị không thực hiện.

"Ở huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, tỉnh đã kiến nghị nhiều lần, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo nhưng đơn vị thi công không thực hiện" ông Phước cho hay.

Để giải quyết bức xúc của người dân, Quảng Nam đã phải bỏ tiền ra để thực hiện trả lại đường cho nhân dân. Việc làm tờ trình gửi lên Bộ ngành đã khó khăn, bây giờ tổ chức thì các đơn vị cản trở không cho thi công.

Đồng tình với đại biểu Dương Văn Phước, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng đề nghị cần rút kinh nghiệm từ đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Ông cho rằng nhà đầu tư cần có trách nhiệm với người dân trong vùng dự án như xây dựng các dường ngang dân sinh, tránh để người dân đi đường vòng; hỗ trợ, đền bù đất bồi lấp sản xuất cho người dân; xử lý ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, xây dựng hệ thống thoát nước hiệu quả.

Đặc biệt là đảm bảo chất lượng đường cao tốc bởi cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dù là công trình trọng điểm quốc gia, mới đưa vào sử dụng hai năm nhưng đoạn đường 65 km thuộc giai đoạn 1 đã có rất nhiều điểm hỏng.

Kết luận giám định cho thấy các công trình xây dựng tại 7 gói thầu đều không đảm bảo chất lượng, thiệt hại hơn 811 tỷ đồng. Ông cho rằng đây là bài học "xương máu" để triển khai công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140 km, trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65 km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74 km. Dự án được khởi công năm 2013 và từ tháng 9/2018 đã đưa vào sử dụng 65 km của giai đoạn 1.

Mặc dù mới đưa vào khai thác, đoạn đường 65 km đã xảy ra rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Kết quả điều tra xác định 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án không bảo đảm chất lượng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, các vật liệu khác của dự án như đá dăm có nhiều chỉ số kỹ thuật không đạt yêu cầu, dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm. Dù vậy, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị.

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.