Shophouse tại Đà Nẵng cỏ dại mọc um tùm, bán cắt lỗ tiền tỷ vẫn ế ẩm khách mua

Các căn nhà phố thương mại (shophouse) ở TP Đà Nẵng cho thuê nhiều năm nhưng ế ẩm, nhiều trường hợp bỏ hoang cho cỏ dại mọc, đang được rao bán lỗ vài trăm triệu đến cả tỷ đồng.
Shophouse ở Đà Nẵng để cỏ dại mọc um tùm, bán lỗ tiền tỷ nhưng ế ẩm - Ảnh 1.

Nhiều căn shophouse ở quận Hải Châu để cỏ dại mọc um tùm. (Ảnh: Chu Lai).

Ghi nhận của người viết, tại trục đường Lê Văn Duyệt (quận Sơn Trà) và Nại Nam (quận Hải Châu) có hàng chục căn shophouse cửa đóng then cài nhiều năm qua, cỏ dại mọc um tùm trước nhà. Một số căn treo bảng cho thuê từ đầu năm 2020 đến nay vẫn không có khách.

Tại đường Mê Linh và Nguyễn Sinh Sắc (quận Liên Chiểu) cũng diễn ra tình trạng hàng loạt shophouse đóng cửa, bên trong bụi phủ dày.

Các shophouse trên có giá 5-12 tỷ đồng, bán ra thị trường từ hơn 4 năm trước.

Bà Mỹ Lan, chủ sở hữu một shophouse kể: Thời điểm 2020, môi giới tư vấn cho bà mua một căn shophouse giá hơn 5,5 tỷ đồng ở Liên Chiểu. Môi giới nói rất "ngọt" là mua xong sẽ có khách thuê ngay, cho thu nhập 25-30 triệu đồng/tháng.

"Hồi đó tôi chưa tìm hiểu nhiều, nghe môi giới tư vấn nên có vay ngân hàng thêm 1,5 tỷ đồng mới đủ để mua. Mua xong tôi gửi cho môi giới tìm khách thuê nhưng không có ai. Tôi hạ giá thuê từ 25 triệu đồng xuống còn 18 triệu đồng nhưng không thấy có khách", bà Mỹ Lan nói đồng thời cho biết đã phải lấy tiền kinh doanh khác để trả lãi ngân hàng, còn căn shophouse đóng cửa, đang gửi bán.

Anh Phú Quý, môi giới chuyên bán nhà phố, biệt thự thị trường Đà Nẵng - Quảng Nam cho biết, loại hình shophouse kén khách, đa phần người mua có tiền sẵn, mua để dành lâu dài chờ tăng giá, không xem việc cho thuê là quan trọng. Còn các trường hợp khác người dân mua ở và để cho thuê mặt bằng sinh lời, họ dùng đòn bẩy tài chính lớn nên khi không có người thuê quá lâu muốn bán ra để trút gánh nặng.

Theo môi giới này, cá nhân anh và đồng nghiệp từ tháng 12/2021 đến nay có nhận bán hơn 14 căn shophouse ở quận Liên Chiểu, Sơn Trà và Hải Châu. Những căn shophouse đang bán có giá dao động 4,3 - 11 tỷ đồng.

"Nhiều trường hợp chấp nhận bán nhanh, chịu lỗ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng trước đó mua shophouse bằng tiền vay. Một số trường hợp chủ giảm đến 300 triệu, muốn bán để đầu tư sang phân khúc khác. Dù đã giảm giá mạnh nhưng lượng người quan tâm, hỏi mua rất ít, chủ yếu ở Hà Nội, TP HCM gọi tới", anh Phú Quý nói.

Anh Văn Thái, một môi giới khác cho biết, cá nhân anh cùng nhóm có đang nhận bán 4 căn shophouse, trong đó có hai căn chủ chấp nhận bán lỗ đến 800 triệu đồng. Lý do là chủ đã dùng tiền vay để mua, mục đích để ở, còn tầng một cho thuê. Do ảnh hưởng thu nhập và dịch Covid-19 quá lâu nên muốn bán ra nhanh.

Shophouse ở Đà Nẵng để cỏ dại mọc um tùm, bán lỗ tiền tỷ nhưng ế ẩm - Ảnh 2.

Nhiều căn shophouse ở quận Liên Chiểu không có người ở, cho thuê hoặc kinh doanh. (Ảnh: Chu Lai).

Báo cáo của DKRA Vietnam cho biết, đối với nhà phố/biệt thự Đà Nẵng, năm 2018 có 209 căn được đưa ra thị trường, tiêu thụ được 175 căn; năm 2019 có 395 căn đưa ra thị trường, tiêu thụ được 269 căn. Riêng năm 2020, toàn TP Đà Nẵng không có sản phẩm nhà phố/biệt thự nào được cung cấp ra thị trường.

Còn năm 2021, DKRA Vietnam thống kê có khoảng hai dự án mở bán (một dự án mới và một giai đoạn tiếp theo), cung cấp cho thị trường khoảng 110 căn. Lượng tiêu thụ ghi nhận ở mức 92 căn, đạt 84% tổng nguồn cung mở bán mới.

"Năm 2021, nguồn cung nhà phố/biệt thự mới cải thiện so với năm 2020 nhưng vẫn ở mức rất thấp so với giai đoạn 2016 – 2019. Thanh khoản thị trường thứ cấp sụt giảm, giá bán tiếp tục xu hướng đi ngang, không có nhiều biến động so với năm 2020", DKRA Vietnam nhận định.

Đơn vị này dự báo năm 2022, thị trường nhà phố/biệt thự tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới, ở mức dưới 100 căn, nguồn cung chủ yếu đến từ những giai đoạn tiếp theo của dự án đã mở bán.

Loại hình shophouse vị trí tại trung tâm thành phố tiếp tục chiếm vị trí chủ đạo. Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định, các chính sách hỗ trợ mùa dịch tiếp tục được áp dụng nhằm kích cầu người mua. Giá cũng như thanh khoản thị trường thứ cấp có những hồi phục nhất định tuy nhiên vẫn ở mức thấp so với thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát.