Trong buổi lễ phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp diễn ra ngày 16/10, nhiều bạn sinh viên của các trường Đại học đã đưa ra các câu hỏi xin giải đáp, định hướng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ban, ngành tại hội trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Em Phạm Đông Hiếu hỏi Thủ tướng về cách khởi nghiệp đối với sinh viên ngành chính trị (Ảnh Vnexpress) |
Theo đó, em Phạm Đông Hiếu (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) hiện đang theo học về ngành chính trị đã chia sẻ những băn khoăn của bản thân khi không biết cách nào có thể khởi nghiệp. Hiếu đã đặt câu hỏi đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Câu chuyện khởi nghiệp với sinh viên ngành chính trị sẽ theo hướng như thế nào? Bởi em thấy rằng sinh viên ngành chính trị không được năng động bằng các sinh viên ngành kinh tế, ngoại giao…”.
Trả lời câu hỏi của Hiếu, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Chúng ta chỉ có thể thành công lâu dài nếu như cảm thấy hứng thú với một công việc nào đó. Sức mạnh của tuổi trẻ là sự sáng tạo và dám mơ ước, dám dấn thân. Khi các em làm gì hãy làm với tất cả sự nhiết huyết và khả năng của mình, rồi cuộc sống sẽ trả công xứng đáng”.
Thủ tướng cho biết thêm: “Bước ra trường đại học không ai nghĩ mình sẽ được chức nọ chức kia. Chúng ta học tập, rèn luyện, cống hiến, lăn xả vào công việc chung và khi được tập thể khẳng định, tôn vinh, được xã hội công nhận, đó sẽ là con đường tốt nhất để chúng ta phấn đấu”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong buổi lễ phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp |
Cũng nhân trong buổi phát động, người đứng đầu chính phủ nhấn mạnh: “Các bạn trẻ cần nhận thức rằng không thể đòi hỏi ngay khi ra trường phải làm việc này hay việc khác mà phải kiên trì phấn đấu, dám nghĩ dám làm với một trách nhiệm cao nhất”.
Chia sẻ trăn trở về tình trạng nhiều cử nhân, kỹ sư ra trường thất nghiệp, ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chất lượng đào tạo nói chung hiện chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu của xã hội và nền kinh tế. “Một trong những thước đo thành công của đại học là có bao nhiêu sinh viên khởi nghiệp và thành danh, chứ không chỉ bao nhiêu sinh viên kiếm được việc làm”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho hay, khởi nghiệp là một động lực phát triển quan trọng. Khởi nghiệp càng nhiều thì tiềm năng của nhân dân càng được phát huy, mọi nguồn lực xã hội đều được đưa vào khai thác và không lãng phí. Tuy nhiên, giá trị của khởi nghiệp không chỉ là thành công về mặt tài chính của một dự án kinh doanh mà còn là giá trị về mặt xã hội, đem lại sự khác biệt và được xã hội tôn trọng, thừa nhận.
Thủ tướng cùng các Bộ, Ban, Ngành giải đáp thắc mắc của sinh viên về khởi nghiệp |
“Đó có thể là ý tưởng mới về kinh doanh hoặc công nghệ… làm thay đổi cuộc sống, đem lại tiện nghi cho con người. Cũng có thể là ý tưởng phục vụ cộng đồng, giải quyết bài toán đặt ra trong xã hội hoặc tạo ra những công ăn, việc làm mới”, ông Phúc nói.
“Việc khởi nghiệp không phải chỉ thực hiện được ở thành phố, mà nông thôn chính là mảnh đất màu mỡ nhiều cơ hội để người trẻ khai hóa. Phải làm sao để con cháu của nông dân, công nhân, của người nghèo đều có cơ hội học tập, tiến thân, có cơ hội trở thành lãnh đạo của đất nước trong tương lai”, ông Phúc nhấn mạnh.
Theo ông Phúc, những người trẻ cần nhìn nhận thước đo và mục tiêu cuối cùng của khởi nghiệp không chỉ là lợi nhuận, mà giá trị nhận được còn là sự trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng, nhận thức. Do đó, nếu một ý tưởng khởi sự kinh doanh nào đó không thành công thì không nên coi đó là một thất bại hoàn toàn của bản thân.
Thủ tướng cùng các thanh niên tiêu biểu chạm tay vào quả cầu phát động chương trình thanh niên khởi nghiệp |
“Hạnh phúc không phải chỉ là kiếm được nhiều tiền, mà quan trọng hơn là những ảnh hưởng tốt đẹp, có sức lan tỏa tạo ra cho xã hội khi dám sống đến cùng cho những đam mê. Muốn theo đam mê thì phải biết cách vượt qua khó khăn, thách thức”, ông Phúc đưa ra lời khuyên.
Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mỗi lĩnh vực, các bạn trẻ đều có thể tìm ra một cái gì đó rất mới, đặc biệt để khởi nghiệp. Và câu chuyện với ngành chính trị hay bất cứ ngành học nào cũng không phải ngoại lệ.
Ông Đông đưa ra gợi ý: “Làm chính trị cần phải tuyên truyền phổ biến, động viên toàn xã hội đi theo chủ trương, tư tưởng nào đó. Từ đó, bạn có thể lên ý tưởng về những phần mềm, công nghệ, giải pháp nào đó để có thể tiếp cận được với nhiều người nhất, với những đối tượng mà bạn quan tâm. Nếu có thể ứng dụng công nghệ mới, thay vì chỉ mở một lớp học tiếp cận được 100 người, thì bạn có thể tiếp cận hàng nghìn, hàng vạn người”.