Sở hữu một loạt dự án đầu tư nghìn tỉ đang thu lợi ở Bình Dương, vì sao đại gia Dũng 'lò vôi' bỏ thương trường?

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng là ông chủ của Công ty CP Đại Nam - doanh nghiệp sở hữu loạt dự án bất động sản, khu công nghiệp và khu du lịch tại Bình Dương. Tài sản của đại gia này được đánh giá lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, quãng thời gian kinh doanh của ông Dũng cũng không ít ồn ào, thậm chí đâm đơn kiện chính quyền địa phương.

Khi doanh nghiệp vẫn ăn nên làm ra, ông Huỳnh Uy Dũng quyết định bước chân ra khỏi thương trường để tập trung làm từ thiện.

Ông Dũng "lò vôi" giao Công ty CP Đại Nam lại cho vợ là bà Nguyễn Phương Hằng. Bà Hằng đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam.

Trước khi rút khỏi thương trường, doanh nhân Huỳnh Uy Dũng là một đại gia nổi tiếng trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại Bình Dương. Doanh nghiệp của ông cũng là chủ đầu tư khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến, công trình được kì vọng trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á.

Chủ đầu tư một loạt dự án tại Bình Dương

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng tên thật là Huỳnh Phi Dũng, quê tại tỉnh Bình Định. Trước khi tuyên bố rút khỏi thương trường, ông Dũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Đại Nam.

Sở hữu tài sản hàng chục nghìn tỉ nhưng đại gia Dũng 'lò vôi' quyết định rời thương trường, bán tài sản đi làm từ thiện - Ảnh 1.

Đại gia Dũng 'lò vôi' sở hữu tài sản nghìn tỉ nhưng quyết định rời thương trường, bán tài sản đi làm từ thiện. (Ảnh: Lê Quân).

Tiền thân của Đại Nam là Công ty Sơn mài Thành Lễ (tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Ông đã đưa Thành Lễ đang trên đà phá sản trở thành một doanh nghiệp làm ăn có lãi, đóng góp quan trọng vào ngân sách tỉnh Bình Dương lúc bấy giờ.

Sau nhiều lần đổi tên gắn với các dự án lớn của doanh nghiệp, từ Công ty CP Phát triển KCN Thành Lễ, Công ty CP Phát triển KCN Sóng Thần, đến năm 2007, doanh nghiệp chính thức đổi tên thành Công ty CP Đại Nam.

Hiện doanh nghiệp của đại gia Huỳnh Uy Dũng hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực gồm bất động sản, khu công nghiệp và khu du lịch.

Về bất động sản, Đại Nam là chủ đầu tư một loạt dự án tại Bình Dương như Khu đô thị trung tâm hành chính huyện Dĩ An, Khu tái đại cư Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2, Khu nhà ở Sóng Thần 2 mở rộng, Khu TMDV Sóng Thần, Khu dân cư Tân An 2.

Về đầu tư, xây dựng, kinh doanh khu công nghiệp, Đại Nam là chủ đầu tư của Khu công nghiệp Sóng thần 2-3.

Về du lịch, Đại Nam đang đầu tư vào Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương). Ông Huỳnh Uy Dũng rót 5.000 tỉ đồng xây dựng từ tháng 9/2007, với mục tiêu trở thành khu du lịch lớn nhất Đông Nam Á trên diện tích 261 ha. Khu du lịch Đại Nam chính thức đi vào hoạt động từ năm 2008.

Sở hữu tài sản hàng chục nghìn tỉ nhưng đại gia Dũng 'lò vôi' quyết định rời thương trường, bán tài sản đi làm từ thiện - Ảnh 2.

Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến (Bình Dương) đi vào hoạt động năm 2008. (Ảnh: ĐN).

Năm ngoái, ông Huỳnh Uy Dũng bắt đầu thực hiện một số dự án ngoài Bình Dương là Bình Phước. Theo đó, ông sẽ xây dựng trung tâm thương mại đầu tiên tại tỉnh này và trường học trên diện tích gần 100 hecta.

"Tôi có tên là Dũng Lò Vôi cũng bắt nguồn từ tỉnh Sông Bé cũ. Dù sau này tách ra giữa Bình Dương và Bình Phước nhưng tôi không bao giờ nghĩ là dân ở tỉnh nào. Làm được gì, chia sẻ được gì với tỉnh Bình Phước hay Bình Dương thì tôi sẵn sàng. Tôi vẫn còn rất nhiều tham vọng với mảnh đất này", ông Dũng nói và kì vọng một ngày không xa, diện mạo của Bình Phước cũng sẽ thay đổi như Dĩ An (Bình Dương).

Trường đua Đại Nam - dự án đầu tư trong tích tắc từ đề xuất của vợ

Sau khi rời khỏi thương trường với cơ ngơi được đánh giá lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng, ông Huỳnh Uy Dũng cho biết Công ty CP Đại Nam sẽ do vợ ông là bà Nguyễn Phương Hằng trực tiếp quản lí.

Ông Dũng "lò vôi" nhiều lần nói về vai trò của vợ trong quá trình phát triển của Công ty CP Đại Nam, nhất là lĩnh vực du lịch với Khu Lạc cảnh Đại Nam Văn Hiến. Ông cho rằng cũng nhờ sự đốc thúc của bà Hằng mà khu du lịch này mới có thể đón khách từ năm 2008, nếu không đã trở thành "đống sắt vụn" trong giai đoạn khủng hoảng chung năm 2012.

Sở hữu tài sản hàng chục nghìn tỉ nhưng đại gia Dũng 'lò vôi' quyết định rời thương trường, bán tài sản đi làm từ thiện - Ảnh 3.

Ông Dũng và vợ - bà Nguyễn Phương Hằng tại một sự kiện ở Trường đua Đại Nam. (Ảnh: ĐN).

Ngoài ra, dấu ấn của vợ đại gia Dũng "lò vôi" được thể hiện rõ nét nhất với công trình Trường đua Đại Nam với vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD, diện tích 60 hecta nằm trong quần thể Khu du lịch Đại Nam Văn Hiến. 

Doanh nghiệp của ông Dũng cho rằng Trường đua Đại Nam là một "ý tưởng táo bạo" và được triển khai trong tích tắc ngay khi vợ ông Dũng đề xuất.

"Trường đua Đại Nam là ý tưởng được nảy ra và triển khai thực hiện trong vòng chưa đầy… 24h. Xuất phát từ mong muốn đầu tư vào phát triển thể thao bên cạnh du lịch hiện hữu của bà Nguyễn Phương Hằng và nhận được sự đồng lòng của toàn thể công ty. Trong ngày hôm sau, ông Huỳnh Uy Dũng đã cho tiến hành dự án", Đại Nam cho biết.

Đây là công trình thể thao tốc độ phức hợp đầu tiên tại Việt Nam với 5 loại hình đua, gồm đua ngựa, đua chó, đua môtô, go-kart, jet-ski và biểu diễn fly-board.

Trong các loại hình đua trên, đua ngựa được vợ chồng đại gia Dũng "lò vôi" chọn làm chủ lực, một phần vì muốn gầy dựng lại phong trào đua ngựa đang mai một, một phần là để phục vụ du lịch, nhu cầu giải trí cho người dân. 

Trường đua Đại Nam của vợ chồng ông Dũng "lò vôi". (Ảnh: Đại Nam).

Bao quanh khu vực đường đua là khán đài lắp ghép có sức chứa hơn 18.000 chỗ ngồi cùng 2 màn hình LED hiện đại, dàn đèn công suất cao phục vụ khán giả các ngày cuối tuần. Bên cạnh đó, hệ thống camera tiêu chuẩn 4K sẽ phục vụ truyền hình trực tiếp.

Trường đua triệu USD mang dấu ấn của vợ đại gia Dũng "lò vôi" được Đại Nam kì vọng sẽ đăng cai tổ chức các giải đua khu vực và quốc tế.

Dự án xử lí nước thải còn nhiều tranh cãi

Năm 2019, ông Huỳnh Uy Dũng bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực xử lí nước thải công nghiệp. Tổng số vốn đầu tư ban đầu của ông cho lĩnh vực này lên đến 10.000 tỉ đồng, đầu tư xây dựng 100 nhà máy khắp nước với chi phí trung bình 100 tỉ mỗi nhà máy.

Hướng đi xử lí nước thải công nghiệp của ông Dũng cũng khác với các doanh nghiệp hiện nay. Theo đó, mô hình xử lí nước thải ông áp dụng là xử lí bằng vi sinh, cho phép tiếp nhận gần như không giới hạn lưu lượng nước thải từ các nhà máy. Nước ở đầu ra có thể sử dụng để quay vòng sản xuất hoặc thêm bước lọc RO là có thể uống trực tiếp.

Để chứng minh cho việc nước thải sau khi qua xử lí có thể uống được, chính ông Dũng là người tự tin thử nghiệm uống trước mặt Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà hồi giữa năm 2019, khi ông Hà có chuyến đến nhà máy xử lí nước thải KCN Sóng Thần 2 (thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) để tìm hiểu công nghệ xử lí nước của ông Dũng "lò vôi".

Sở hữu tài sản hàng chục nghìn tỉ nhưng đại gia Dũng 'lò vôi' quyết định rời thương trường, bán tài sản đi làm từ thiện - Ảnh 5.

Bộ trưởng TNMT Trần Hồng Hà hồi giữa năm 2019, khi ông Hà có chuyến đến nhà máy xử lí nước thải KCN Sóng Thần 2. (Ảnh: Lao Động).

Cũng liên quan việc xử lí nước thải, năm ngoái, ông Dũng đã hứa tặng Đà Nẵng dự án xử lí nước thải ô nhiễm ở hồ Vĩnh Trung và Thạc Gián (quận Thanh Khê). Ông muốn chọn hồ Vĩnh Trung để nuôi vi sinh, sau đó nối và xử lí luôn hồ Thạc Gián liền kề, tiếp đến là hồ công viên 29/3. 

Tuy nhiên, Đà Nẵng lại đề nghị ông Dũng xử lí nước thải tại hồ Bàu Trảng, không như đề xuất ban đầu của ông. Vì vậy, ông quyết định tạm dừng lại việc tặng thí điểm dự án xử lí nước thải như đã đề xuất với chính quyền Đà Nẵng. 

"Đó là tấm lòng của tôi, tôi muốn chia sẻ cho Đà Nẵng. Chứ tôi không có bất kì một ý nào khác là ra đó để kiếm tiền. Kiếm tiền thì tôi ở trong này làm chứ ra ngoài đó làm chi", ông Dũng từng nói với báo chí về quyết định của mình.

Với khối tài sản hiện nay, nhiều người cho rằng ông Huỳnh Uy Dũng có thể lọt vào top tỉ phú thế giới trong bảng xếp hạng của Forbes, tuy nhiên, đại gia này cho biết bản thân chưa bao giờ nghĩ tới chuyện giàu, nghèo hay ganh đua thứ hạng. 

Thay vì vậy, ông cho rằng tiền thực chất chỉ là "phương tiện", tích luỹ được "phương tiện" thì đứng ra làm nhiều việc giúp đời.

Trong thông báo mới nhất, ông cũng cho rằng hiện đã ngoài 60 nên quyết định: "Tập trung vào công việc thiện nguyện bằng cách bán những tài sản mình đã tạo dựng trong hơn 40 năm qua để giúp đời giúp người".