Chủ tịch TTC Đặng Văn Thành: Doanh nghiệp Việt không nên quá bi quan làm mất tinh thần, phải trụ lại trước rồi tiếp tục phát triển

Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công cho rằng Covid-19 khiến nền kinh tế đi xuống, nhưng các doanh nghiệp không nên quá bi quan để mất tinh thần, phải tranh thủ thời gian để cấu trúc lại đầu vào, mở rộng thêm các thị trường mới để chuẩn bị đón thời cơ mới.

Ông Đặng Văn Thành: 41 năm kinh doanh, qua nhiều khủng hoảng nhưng tác động của dịch Covid-19 tới TTC là rất nặng nề 

Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) Đặng Văn Thành cho rằng trong suốt 41 năm hình thành và phát triển của tập đoàn, dù trải qua nhiều khó khăn và khủng hoảng nhưng ông nhận định tác động của đại dịch Covid-19 tới TTC là rất nặng nề.

"Chúng tôi là tập đoàn đa ngành, nhiều ngành bị ảnh hưởng trực tiếp vì Covid-19. Mảng du lịch của chúng tôi tạm thời ngủ đông. Đến nay đã nới lỏng giãn cách, tuy nhiên khách nước ngoài là không có, đang phải tập trung thu hút khách nội địa. Mảng kinh doanh sản phẩm thì phải cấu trúc nguyên liệu đầu vào. Địa ốc cũng bị ảnh hưởng", ông Đặng Văn Thành nói tại tòa đàm gần đây về việc gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng.

Ông Đặng Văn Thành: Doanh nghiệp Việt không nên quá bi quan làm mất tinh thần, phải trụ lại trước đã - Ảnh 1.

Ông Đặng Văn Thành: Doanh nghiệp Việt không nên quá bi quan. (Ảnh: TTC).

Theo ông Thành, trong bối cảnh ảm đạm chung, mía đường là ngành hiếm hoi của TTC gặp may mắn những tháng đầu năm 2020.

Ông cho biết đợt rồi, TTC cung ứng 700.000 tấn đường, chiếm 50% thị phần cả nước. Chỉ tính riêng tháng 3, đã xuất khẩu và cung ứng cho nội địa khoảng 96.000 tấn đường và tháng 4 là 106.000 tấn. 

Dự kiến từ nay cho đến cuối năm con số này sẽ còn tăng thêm, khi đưa ra những sản phẩm mà thị trường cần.

Chủ tịch TTC nhận định những hệ luỵ hiện nay của dịch bệnh đến kinh tế thế giới là chưa thể đoán định được. Vì vậy, Việt Nam cũng tương tự nhiều quốc gia trên thế giới, đang chọn giải pháp sống chung với dịch, để đảm bảo vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Ông cho rằng dịch bệnh khiến nền kinh tế đi xuống, nhiều lĩnh vực bị ảnh hưởng nhưng trong nguy có cơ. Các doanh nghiệp không nên quá bi quan để mất tinh thần, phải tranh thủ thời gian để cấu trúc lại đầu vào, mở rộng đầu ra thêm các thị trường mới, để chuẩn bị đón nhận luồng chuyển dịch này.

Tại TTC, khi du lịch, bất động sản phải "ngủ đông" thì đây cũng là lúc để tập đoàn cô đọng lại, đào tạo lại nguồn nhân lực chất lượng hơn để chuẩn bị vực dậy. 

Đây cũng là năm kết thúc chiến lược 2016-2020 của TTC trước khi bước vào giai đoạn mới. Vì vậy, ông Thành cho rằng trong tình thế hiện nay, TTC đã tái cấu trúc từ 5 ngành về còn 4 ngành, "core bussiness" hiện là mía đường, nếu ngành năng lượng phát triển tốt có thể chuyển sang là ngành chủ lực của TTC.

Nhận định dịch Covid-19 có thể "trong cái khó ló cái khôn", Chủ tịch TTC cho rằng: "Đó đúng là cơ hội rất lớn, doanh nhân Việt Nam nên có một tinh thần lạc quan để đón nhận luồng chuyển dịch này".

Nên dùng "lương khô" để tự cứu mình trước đã

Với người nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Đặng Văn Thành cũng đưa ra lời khuyên cho cộng đồng doanh nghiệp về việc gỡ khó dòng tiền trong bối cảnh mất thanh khoản giữa dịch Covid-19 hiện nay.

Ông nhận định lãi suất ở mức cao đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế các ngân hàng cũng rất dè dặt trong việc hỗ trợ doanh nghiệp được tiếp cận vốn ngay trong lúc khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp nên ưu tiên sử dụng "lương khô", tức tài sản tiết kiệm dưới dạng tiền mặt, thậm chí là tài sản mua trong thời gian có lợi nhuận, bây giờ bán ra để thu tiền về. 

Ông Đặng Văn Thành: Doanh nghiệp Việt không nên quá bi quan làm mất tinh thần, phải trụ lại trước đã - Ảnh 2.

Chủ tịch TTC cho rằng doanh nghiệp nên dùng "lương khô" để tự cứu mình trước đã. (Ảnh: NLĐ).

Ngoài ra, Chủ tịch TTC cho rằng còn một kênh tài chính khác mà doanh nghiệp có thể tiếp cận đó là thị trường vốn.

Theo ông, giai đoạn trước năm 2003, thị trường tài chính Việt Nam chỉ có duy nhất thị trường tiền tệ, vì đất nước vừa chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường. Sau năm này, Việt Nam có thêm thị trường vốn. Theo ông, từ đó, thị trường tài chính Việt Nam đã tương đối tròn trịa.

"Chúng ta đừng để thị trường này méo mó vì đây là nơi giao dịch giữa những người có nhu cầu đầu tư và những người có tiền nhàn rỗi. Cần nhấn mạnh kể cả người đầu tư không chuyên", ông Thành nói.

Ông cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, các công ty chứng khoán lại đem cổ phiếu đi bán giải chấp, tạo một nguồn cung không cần thiết. 

"Riêng TTC, tôi đích thân đi gặp các công ty chứng khoán, nơi mà có cổ đông của TTC sử dụng margin tại đó. Chúng tôi cùng đưa ra giải pháp cho việc đầu tư của cổ đông. Thậm chí tôi đứng ra bảo lãnh tín chấp cho các cổ đông để được cấp thêm margin hay việc thanh lí tài khoản", ông Thành nói.

Theo ông, với những giải pháp tình thế đặt ra các công ty chứng khoán đồng tình ngay. Điều cần làm là cùng nhau trụ lại trước, còn tiếp nhận nguồn vốn thì thực tế cần thời gian để hấp thụ.

"Trụ lại được trong tình hình hiện nay là cực kì quan trọng và cần thiết"

"Theo tôi, trụ lại được trong tình hình hiện nay là cực kì quan trọng và cần thiết đối với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải kiểm soát được chi phí, bởi kiểm soát chi phí đồng nghĩa kiểm soát được thị trường. Đồng thời cơ quan nhà nước cần phải có giải pháp tình thế mạnh để hỗ trợ doanh nghiệp", ông Đặng Văn Thành nói.

Tại cuộc họp với lãnh đạo UBND TP HCM, ông cũng đề xuất cần sớm triển khai thị trường vốn để hỗ trợ doanh nghiệp, vì doanh nghiệp không có vốn khó có thể phát triển.

Đối với các ngân hàng, theo ông Thành, giai đoạn này nên thành lập một tiểu ban xử lí tình thế. Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại nên ngồi lại, phân tích sàng lọc các doanh nghiệp nhằm giảm lãi hay giãn nợ.

"Nếu không có giải pháp tình thế thì các kiến nghị của doanh nghiệp khó mà xử lí, vì suy cho cùng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng có những áp lực từ cổ đông", ông Thành nhìn nhận.

Sau Covid-19, ông cho rằng là thời điểm cơ cấu lại đầu vào đầu ra, để không quá lệ thuộc vào một thị trường nước ngoài, cũng như việc thiết lập lại thị trường nội địa. Trước mắt, phải thiết lại thị trường nội địa với 90 triệu dân, tổ chức nhu cầu sản phẩm, mạng lưới phân phối để chờ cơ hội lớn.

Ông Thành cũng đề nghị cùng với việc tiếp tục xã hội hóa thêm nhiều lĩnh vực cho kinh tế tư nhân, hâm nóng lại thị trường bất động sản thì cơ quan nhà nước cần đầy mạnh đầu tư công để có "đầu kéo" các ngành kinh tế.