Các "ông lớn" công nghệ trên thế giới có coi Việt Nam là nơi đặt nhà máy thay thế cho Trung Quốc sau đại dịch Covid-19, là nội dung được quan tâm tại tọa đàm trực tuyến tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp được tạp chí TheLeader tổ chức chiều 8/5.
Thực tế, không chỉ các chuyên gia mà gần đây, người Việt rất quan tâm và hứng thú việc Apple liên tục đăng tuyển nhân sự tại Việt Nam, đặc biệt là vị trí kĩ sư, quản lí ở nhiều bộ phận như phần mềm, phát triển sản phẩm, vận hành…
Nhiều người dự đoán đây là động thái "Táo khuyết" chuẩn bị cho một nhà máy tại Việt Nam, dần thay chân cho nhà máy tại Trung Quốc. Trước đây, Apple cũng tuyển nhân sự tại Việt Nam nhưng chỉ giới hạn ở vị trí bán hàng, quản trị nhân sự.
Ông Ngô Công Trường, Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John&Partners, xác nhận hai thông tin rằng những công ty đa quốc gia như Apple và Samsung đang chuyển dịch sang Việt Nam. Việt Nam đang trở thành phương án thay thế cho "ông lớn" công nghệ.
Ông Trường tiết lộ thêm một doanh nghiệp đối tác với các công ty đa quốc gia tại Việt Nam đã mở rộng gấp 5 lần, để chuẩn bị cho các công ty như Foxconn, Apple, Samsung qua Việt Nam.
Cũng theo doanh nhân này, ông vừa tham gia hội nghị toàn cầu diễn ra tại Mỹ, với sự tham dự của hơn 10.000 doanh nghiệp. Một thông điệp chung được các doanh nghiệp toàn cầu phát đi tại hội nghị này rằng đây là thời kì vàng để làm thương hiệu. Bởi trong tình hình nguy hiểm, việc doanh nghiệp, quốc gia nào làm tốt thì sẽ có lợi hơn.
"Giai đoạn dịch Covid-19, Việt Nam nổi lên là quốc gia được thế giới tin tưởng với thứ hạng thuộc nhóm cao nhất. Cao nhất không phải là tự sướng, có thể minh chứng qua kiểm soát dịch bệnh, niềm tin vào Chính phủ. Người Việt thường linh hoạt và thích nghi tốt. Đây chính xác là cơ hội để cạnh tranh sòng phẳng", ông Trường cho biết.
Chủ tịch Công ty Tư vấn & giáo dục John & Partners phân tích Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng về công nghệ và tri thức, để có thể đi cùng thế giới. Ông kì vọng Việt Nam có thể tận dụng được niềm tin này để các doanh nghiệp kì lân tăng trưởng vượt bậc, cũng như tạo điều kiện cho các công ty tỉ USD xuất hiện ở Việt Nam.
Ông Lâm Minh Chánh - Nhà sáng lập trường Quản trị kinh doanh BizUni, cho rằng khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, và hiện vẫn đang phức tạp trên thế giới, Trung Quốc lại đánh mất niềm tin. Trong khi các quốc gia nhận thấy họ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.
Ông Chánh cho biết thêm trong một bài viết mới đây trên Reuters, tờ này cho biết Mỹ chọn Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand và Việt Nam. Đông Nam Á chỉ có Việt Nam để thúc đẩy sản xuất hàng hóa, thúc nền kinh tế đi về phía trước.
Ông Chánh cho rằng đây là một tin tốt, và Việt Nam nên tận dụng cơ hội này sau khi bỏ qua nhiều cơ hội phát triển kinh tế trước đó.
"Thay đổi chuỗi cung ứng bắt đầu manh nha từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cách đây 2-3 năm. Một số doanh nghiêp Tây Âu, Nhật Bản, kể cả Trung Quốc chọn Việt Nam để sản xuất, xuất khẩu. Nhân đại dịch, làn sóng dịch chuyển và cơ hội ngày càng trở nên rõ ràng hơn", chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn nhận định.
Tuy nhiên, ông cho rằng đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn. "Nếu chúng ta không thay đổi gì về phía mình, chuẩn bị cho điều đó thì người ta đến rồi sẽ đi", ông nói.
Chuyên gia tài chính này cho rằng để tranh thủ được làn sóng này, Việt Nam phải nhanh chóng thay đổi một số mặt mới có thể "giữ chân" các doanh nghiệp lớn trên thế giới.
Thứ nhất là môi trường đầu tư, phải thật sự tạo sân chơi tốt, bình đẳng cho doanh nghiệp FDI, tư nhân và quốc doanh cả về pháp luật, nguồn vốn, tài nguyên và nhân lực.
Thứ hai, vĩ mô, tỉ giá lãi suất phải hoàn thiện. Ông nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam phải là nền kinh tế chi phí thấp chứ không phải lãi cao ngất ngưởng. Đồng thời, các vấn đề về xã hội như nhà cửa cũng phải giải quyết tốt. Nếu không cơ hội sẽ qua đi.
Ông Sơn cũng lưu ý thêm, điều mà Việt Nam chưa làm chính là xây dựng công nghiệp phụ trợ để tăng cường tỉ lệ nội địa hóa. Đây là vấn đề bao nhiêu năm trước Việt Nam đã đặt ra nhưng chưa làm được, nếu vẫn tiếp tục không làm được thì chỉ dừng lại ở mức gia công, đến một lúc nào đó tốc độ tăng trưởng không tăng nữa thì không thể phát triển kinh tế được.
"Lương người lao động Việt so với các nước là thấp, nhưng đem so với năng suất thì chưa chắc thấp. Năng suất lao động của người Việt hiện nay vẫn chưa cao. Muốn thay đổi điều đó, đòi hỏi hệ thống giáo dục đào tạo phải tốt, doanh nghiệp phải xây dựng đội ngũ năng suất cao. Phải làm tốt những điều đó mới trở mắt xích mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng toàn cầu lâu dài", chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn nhấn mạnh.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020