Tổng giám đốc Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết hiện nay công nợ giữa công ty du lịch và các công ty dịch vụ, đặc biệt là hàng không đang rất lớn.
Nguyên nhân là các công ty du lịch lữ hành đặt cọc tiền bay cho các hãng hàng không. Không chỉ du lịch nội địa, việc di chuyển du lịch quốc tế cũng thực hiện bằng đường hàng không.
85% khách du lịch di chuyển bằng đường hàng không.
Tuy nhiên, vì dịch bệnh kéo dài thời gian qua, đường bay bị hoãn, hủy nhưng đến nay các công ty du lịch vẫn chưa nhận lại được tiền.
"Các hãng hàng không hiện nay rất khó khăn, không có tiền trả lại công ty du lịch đã đặt cọc. Tôi đề nghị Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng các địa phương vào cuộc làm trung gian, giúp các công ty lữ hành có thể nhận được những khoản tiền đã chuyển cho các hãng không để kích cầu thị trường du lịch lúc này", CEO Vietravel nói.
Trong công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các giải pháp, sáng kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy và tái khởi động nền kinh tế ứng phó sau dịch Covid-19, Tổng cục Du lịch cũng đề cập đến nỗi lo tương tự CEO Vietravel.
Theo Tổng cục Du lịch, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị mất trắng tiền đặt cọc vé cả năm 2020 tại các hãng hàng không trong nước như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Bamboo Airways, do họ không bay, hủy chuyến, nhưng vẫn giữ lại tiền và không hoàn trả cho doanh nghiệp.
Tổng cục Du lịch đề nghị Chính phủ xác nhận dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng, để đồng nhất cách hiểu cho các bên và tránh tranh chấp phát sinh khi thỏa thuận liên quan, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp du lịch đàm phán với các hãng hàng không về chính sách hoãn hủy hoàn tiền cho doanh nghiệp.
Để hỗ trợ về vốn vực dậy tình hình sau dịch bệnh, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành kiến nghị Ngân hàng Nhà nước giảm các loại phí, lãi suất thị trường mở (OMO), lãi suất tái cấp vốn cho các ngân hàng thương mại mà không ảnh hưởng đến mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Xem xét cho ngân hàng thương mại gia tăng nợ xấu quá hạn, nợ xấu của nhóm các ngành kinh tế bị ảnh hưởng trực tiếp, để cơ cấu lại nợ tại các ngân hàng thương mại, đồng thời có những khoản vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp để có chi phí trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên. Triển khai gói hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch - nhà hàng, khách sạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, vận tải du lịch, khu du lịch, vui chơi giải trí.
Không chỉ gặp khó khăn về công nợ với các công ty du lịch, lữ hành, Tổng công ty Quản lí bay Việt Nam (VATM) từng cho biết một số hãng hàng không nợ tiền điều hành bay chưa thanh toán, một số hãng đề nghị cho chậm thanh toán và giảm giá điều hành bay, trong tình hình khó khăn hiện nay.
Báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2020 của các hãng hàng không cũng cho thấy 3 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh ảm đạm chưa từng thấy vì dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên các hãng ghi nhận khoản lỗ quý kỉ lục từ trước đến nay.
Cụ thể, Vietnam Airlines lỗ sau thuế quý I/2020 lên đến 2.612 tỉ đồng. Mức lỗ 3 tháng đầu năm còn cao hơn cả lợi nhuận cả năm 2019 của hãng. CEO Vietnam Airlines Dương Trí Thành cho rằng với tác động tiêu cực và quy mô nợ như hiện nay, sau dịch bệnh mà kinh doanh tốt cũng phải mất 5 năm mới bù lại được các khoản lỗ đang phát sinh.
Trong khi đó, Vietjet Air lỗ ròng 989 tỉ đồng. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quý I/2020 là quý đầu tiên trong lịch sử hãng bay giá rẻ này ghi nhận lỗ. Tuy nhiên, Vietjet cho rằng mức lỗ này là thấp hơn dự kiến, và vẫn tích cực hơn so với toàn ngành hàng không.
Riêng FLC, tập đoàn sở hữu hơn 52% vốn tại Bamboo Airways, cũng vừa báo lỗ ròng quý I/2020 tới 1.892 tỉ đồng. Đây là số lỗ quý lớn nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận trong một quý, từ cuối năm 2011 đến nay.
FLC lí giải nguyên nhân lỗ nặng là do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các ngành du lịch, hàng không, nghỉ dưỡng và bất động sản. Điều này khiến giá vốn hàng bán tăng mạnh, tập đoàn rơi vào tình trạng kinh doanh không đủ bù giá vốn.
Sau khi dỡ lệnh cách li xã hội, các hãng hàng không đang tăng cường bay nội địa và đang kiến nghị bỏ quy định hạn ngạch về số chuyến bay nội địa đang quy định hiện nay.
Trong khi đó, lãnh đạo Vietravel cũng đề nghị cho phép bay và đón khách du lịch quốc tế đối với một số thị trường đã kiểm soát được tình hình dịch bệnh như khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á từ đầu quý III tới để kích thích vực dậy du lịch và kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Tiêu dùng 15:12 | 30/07/2020
Tiêu dùng 15:39 | 15/06/2020
Kinh doanh 15:25 | 15/06/2020
Kinh doanh 07:03 | 14/06/2020
Kinh doanh 08:10 | 13/06/2020
Kinh doanh 07:56 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:46 | 13/06/2020
Kinh doanh 06:19 | 13/06/2020