Số phận LV, Gucci sẽ ra sao khi mắc kẹt giữa thương chiến Mỹ - Trung Quốc?

Khi kinh tế Trung Quốc giảm tăng trưởng sau ba thập kỉ, tình hình căng thẳng thương mại giữa hai siêu cường kinh tế, cũng như sự bất ổn về chính trị tại Hong Kong, triển vọng kinh tế toàn cầu có vẻ như đang không có chỗ cho những món hàng xa xỉ như LV, Gucci. Tuy nhiên, thực tế lại chỉ ra điều ngược lại.

Giữa chiến tranh thương mại và biểu tình Kong, hàng LV, Gucci vẫn bán chạy

Vào trung tuần tháng 10 vừa qua, IMF đã đưa ra cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Động thái này được phát đi trong bối cảnh Hong Kong - nơi được tờ Economist mô tả là "thiên đường cho hàng xa xỉ", đang chứng kiến sự hỗn loạn từ kinh tế đến chính trị. Những thông tin này, về lí thuyết, sẽ khiến nhiều người cho rằng món đồ đắt đỏ sẽ ngày một khó bán hơn.

20191019_WBP002_0

Những món đồ xa xỉ hiệu Louis Vuitton vẫn bán rất chạy bất chấp tình hình căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. (Ảnh: Bloomberg).

Tuy nhiên, thực tế lại chứng minh điều ngược lại. Vừa qua, LVMH - công ty sở hữu hàng loạt các sản phẩm sang trọng và đắt tiền như Kenzo, LV, Celine, Fendi... đã công bố kết quả kinh doanh có thể khiến nhiều người ngạc nhiên.

Doanh số của các thương hiệu Dior, Louis Vuitton và các thương hiệu khác đã tăng 11% (chưa bao gồm các thương vụ mua lại). Đối thủ của LVMH trong phân khúc quần áo và phụ kiện xa xỉ - Kering, đơn vị sở hữu Hermes và Gucci, cũng đang phát triển khá mạnh. 

Giá cổ phiếu của Kering đã tăng khoảng một phần ba trong năm qua.

"Cá lớn nuốt cá bé"

Song, không phải thương hiệu cao cấp nào cũng may mắn như vậy. 

Hugo - một nhà mốt đến từ Đức, đã đưa ra cảnh báo khi lợi nhuận liên tiếp thất vọng trong nhiều tháng. Tại Mỹ, Tiffany & Co lẫn Tapestry - những doanh nghiệp sở hữu Coach hay Kate Spade, cũng đang phải cố gắng cân đối lại ngân sách. Câu chuyện tại các thương hiệu có thị phần trung bình như Prada hay Tod's cũng không khá hơn là bao.

Tờ Economist đánh giá, hàng hóa sang trọng luôn là ngành công nghiệp hoạt động theo chu kì, ngay cả những người có nhiều tiền cũng chỉ có xu hướng chi tiêu nhiều tiền hơn vào một thời điểm thích hợp. Tốc độ tăng trưởng chung của ngành này đã chậm lại kể từ năm 2018, khi doanh số toàn ngành chỉ tăng ở mức 10%.

Roger Fujimori, chuyên gia của ngân RBC, nhận định: "Khi bạn thấy miếng bánh không mở rộng, thì đó là lúc những người chơi lớn nhất đang nắm giữ phần lớn hơn".

0E9A1090-Edit

Hai ông lớn LVMH và Kering đang chiếm lĩnh thị phần lớn của ngành hàng xa xỉ (Ảnh: Retail Insider).

Tại Hong Kong, doanh số bán hàng hóa xa xỉ đã giảm 50% trong những tháng qua. Các nhà phân tích cho rằng nguyên nhân phần lớn là việc du khách từ Trung Quốc đại lục đã dừng mua sắm, khi căng thẳng chính trị ngày một diễn biến phức tạp.

Với tình trạng biểu tình diễn ra trên diện rộng và không có dấu hiệu giảm nhiệt, ít ai nghĩ rằng, tình hình bán hàng tại đây sẽ được cải thiện. Hong Kong nắm giữ 5-10% doanh số toàn ngành. Những thương hiệu thời trang cao cấp nhỏ hơn LVMH và Kering, nhiều khả năng, sẽ mất thị phần tại xứ Hương Cảng nói riêng và trên toàn cầu nói chung. 

Ngược lại, những doanh nghiệp lớn như Gucci, LV đã và đang xây dựng nhiều cửa hàng hơn trên đại lục, qua đó thu lại một phần hoặc toàn bộ khoản lỗ.

Chờ đợi vào xứ tỉ dân

Câu hỏi lớn nhất được đặt ra với ngành hàng này là liệu người tiêu dùng Trung Quốc trong thời gian tới có chi nhiều tiền cho những món đồ đắt tiền hay không. Bởi người tiêu dùng tại thị trường tỉ dân chiếm khoảng 1/3 tổng doanh số bán hàng xa xỉ, tăng gần gấp đôi giá trị so với năm 2010. Theo chuyên gia tư vấn Bain, khoảng 2/3 sự tăng trưởng của toàn ngành đến từ Trung Quốc.

BN-FE061_1023gu_P_20141023115658

Trung Quốc là thị trường chiếm tới 33% doanh số bán hàng xa xỉ trên toàn cầu (Ảnh: Wall Street Journal).

Những thỏa thuận mới đây của cuộc chiến thương mại hiện chưa giúp cho người tiêu dùng Trung Quốc có nhiều niềm tin hơn. Theo nhà phân tích Luca Solca thuộc Công ty nghiên cứu Bernstein, những doanh nghiệp bán hàng ở phân khúc cận cao cấp - nằm giữa thời trang nhanh (fast fashion) và thời trang cao cấp (high-end fashion) sẽ cảm nhận rõ sự sụt giảm về doanh số hơn.

"Với ngân sách eo hẹp, người mua sẽ dành tiền cho những hãng nổi tiếng hiện tại, qua đó sẽ khiến hàng hóa của những hãng ít tên tuổi khó bán hơn", Luca đánh giá.

Chiến lược trong tương lai

Hai "ông lớn" LVMH và Kering vẫn đang tiếp tục chi nhiều tiền cho marketing với mục tiêu giữ cho thương hiệu của mình ngày càng được biết đến nhiều hơn. Mảng kinh doanh online, trước nay vốn không phải là điểm mạnh của hai hãng này, hiện cũng đang phát triển khá tốt, và chiếm khoảng 10% tổng doanh số.

Điều này phù hợp với xu hướng hiện tại khi người tiêu dùng đang dần có thói quen mua sắm trực tuyến nhiều hơn. 

Tại Mỹ, các thương hiệu xa xỉ có thị phần nhỏ thường bán thông qua các cửa hàng tại các trung tâm thương mại. Các thương hiệu lớn hơn thì có cửa hàng riêng, nhưng các kênh bán truyền thống này đang chết dần chết mòn.

3984105441_fb35282b1c_b

Dù đang phát triển tốt trong bối cảnh không thuận lợi, song cả LVMH và Kering cũng không được phép chủ quan (Ảnh: Flickr).

Dự báo, trong thời gian tới, LVMH và Kering sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng. Đối mặt với bài toán này, hai "người chơi" lớn nhất thị trường sẽ đặt nhà máy hoặc xưởng sản xuất ở nước sở tại để giảm tác động của các chính sách thuế.

Đơn cử như mới đây, một số đồ mà LVMH đang kinh doanh nằm trong số những mặt hàng chịu "mức thuế trả đũa" mà Mỹ áp lên hàng hóa có xuất xứ châu Âu (nhằm mục tiêu bù đắp các khoản trợ cấp hàng không vũ trụ bất hợp pháp). Ngay lập tức, Bernard Arnault - CEO của LVMH đã khai trương xưởng sản xuất của LV tại Texas.