Sôi động đầu tư các dự án năng lượng mặt trời

Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều tiềm năng về phát triển năng lượng mặt trời. Hiệu quả kinh tế cao là một trong những động lực kéo các dự án này tăng tốc tại khu vực miền Nam trong thời gian gần đây.

Dự án điện mặt trời Lộc Ninh - Bình Phước

Sôi động đầu tư các dự án năng lượng mặt trời - Ảnh 1.

Khu vực triển khai dự án điện mặt trời Lộc Ninh 1, 2 và 3 có diện tích hàng trăm ha và sát biên giới Việt Nam - Campuchia. (Ảnh: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp).

Theo báo Pháp luật TP HCM, dự án gồm 5 nhà máy tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, đang được đẩy nhanh tiến độ để có thể chạy thử vào cuối tháng 11 và dự kiến vận hành thương mại vào cuối tháng 12.

Đây là dự án điện mặt trời lớn nhất tỉnh Bình Phước với công suất thiết kế khoảng 850 MWp.

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Tập đoàn Hưng Hải chi nhánh Bình Phước cho biết, 5 nhà máy điện mặt trời gồm Lộc Ninh 1, 2, 3, 4, 5 đang được gấp rút thi công, trong đó, nhà máy Lộc Ninh 1, 2, 4, 5 đã hoàn thành từ 70 - 100% việc san ủi mặt bằng.

Hai nhà máy đã hoàn thành thi công đóng cọc và đang lắp đặt khung giàn đỡ tấm pin.

Giai đoạn 1 của dự án đang xây dựng với công suất 200 MWp có vốn đầu tư gần 5.000 tỉ đồng, giai đoạn 2 và 3 có số vốn đầu tư hơn 7.000 tỉ đồng.

Cùng với 5 nhà máy điện mặt trời trên, Tập đoàn Hưng Hải còn đầu tư xây dựng đường dây 220 kV Lộc Ninh - Bình Long 2 dài 29 km để kết nối hoà lưới điện quốc gia.

Đối với tuyến đường dây 220 kV Lộc Ninh - Bình Long 2 và các trạm biến áp, hiện đang được các đơn vị thi công xây dựng, trong đó, hơn 50% công đoạn xây móng trụ, chế tạo cột thép đã hoàn thành.

Dự án nhà máy điện mặt trời Phước Ninh

Sôi động đầu tư các dự án năng lượng mặt trời - Ảnh 3.

Sau 100 ngày thi công giữa mùa dịch Covid-19, nhà máy điện mặt trời Phước Ninh hòa lưới điện quốc gia. (Ảnh: Báo Thanh Niên).

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam, sáng 22/6, Công ty cổ phần Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, thành viên của Tập đoàn T&T Group, đã chính thức đưa vào vận hành Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận.

Dự án có công suất 45 MW, với tổng mức đầu tư dự án hơn 1.000 tỉ đồng.

Đây là nhà máy điện mặt trời thứ 22 tại Ninh Thuận chính thức hòa vào lưới điện quốc gia.

Trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay, việc nhanh chóng đưa thêm các dự án điện mặt trời vào khai thác là rất quan trọng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia cũng như các nhu cầu quốc kế dân sinh khác.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay, đã có thêm 7 dự án điện mặt trời đưa vào vận hành với tổng công suất 378MW, nâng tổng dự án điện mặt trời trên địa bàn tỉnh đưa vào vận hành là 25 dự án, tổng công suất 1.561MW.

Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ có 37 dự án hoàn thành và đi vào hoạt động với tổng công suất 2.473,6MW, sản xuất khoảng 5.038 tỉ kWh/năm. Với các dự án trên, tỉnh Ninh Thuận trở thành địa phương có số dự án năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước.

Dự án nhà máy điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam

Sôi động đầu tư các dự án năng lượng mặt trời - Ảnh 4.

Lễ phát động chiến dịch thi đua 102 ngày đêm dự án Nhà máy điện mặt trời Trung Nam-Thuận Nam 450 MW. (Ảnh: Thanh Anh/VGP).

Theo Tạp chí Năng lượng Việt Nam, nhà máy điện mặt trời Thuận Nam có công suất 450 MW kết hợp trạm biến áp 220/500 kV Trung Nam-Thuận Nam và đường dây 500 kV, 220 kV.

Theo dự kiến, nhà máy sẽ hoàn thành và kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia trong tháng 9 này.

Đây là nhà máy điện mặt trời lớn nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay. Dự án được Trung Nam Group triển khai với tổng vốn đầu tư 12.000 tỉ đồng.

Qui mô thực hiện của dự án gồm nhà máy điện mặt trời 450 MW, kết hợp với trạm biến áp 220/500 kV và hơn 17 km đường dây truyền tải 500 kV, 220 kV kéo dài từ xã Phước Minh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đến xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận).

Toàn tỉnh hiện đã đưa vào vận hành 1.600 MW điện mặt trời và đưa vào khai thác thương mại 150 MW điện gió, mục tiêu đến cuối năm nay đạt 2.000 MW điện mặt trời.

Chủ đầu tư Trung Nam Group và 22 nhà thầu đã kí cam kết sớm triển khai bảo đảm tiến độ dự án. Khi hoàn thành, nhà máy không chỉ bổ sung hơn 1 tỉ KWh điện mỗi năm vào hệ thống, mà còn đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo thay thế các nguồn điện không tái tạo khác, đặc biệt là bảo vệ môi trường.

Dự án nhà máy điện mặt trời Sao Mai

Sôi động đầu tư các dự án năng lượng mặt trời - Ảnh 5.

Nhà máy Sao Mai Solar PV1, công suất 210 MWp (dưới chân Núi Cấm, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). (Ảnh: Tạp chí Năng lượng Việt Nam).

Báo Nhân dân cho biết, ngày 15/9, Tập đoàn Sao Mai đã tổ chức Lễ khởi động lắp đặt hệ thống thiết bị chính của Nhà máy điện mặt trời Sao Mai (giai đoạn 2) tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang.

Dự án Nhà máy điện mặt trời Sao Mai có qui mô khoảng 270 ha, tổng công suất thiết kế 210 MWp, tổng mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020.

Giai đoạn 2 của Dự án nhà máy điện mặt trời Sao Mai có công suất 106 MWp, với tổng vốn đầu tư hơn 3.000 tỉ đồng.

Trước đó, vào ngày 6/7/2019, Tập đoàn Sao Mai đã khánh thành giai đoạn 1 của dự án, với qui mô công suất 104 MWp. Việc hoàn thành giai đoạn 1 đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động, tăng nguồn thu ngân sách, qua đó góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh An Giang nói chung và huyện Tịnh Biên nói riêng.

Theo hãng tư vấn và truyền thông năng lượng sạch Mercom Capital, Việt Nam nằm trong top năm thị trường hàng đầu về "Công suất lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời hàng năm" trong năm 2019. Với nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng từ 6,5% đến 7,5% hàng năm cho tới năm 2030, Việt Nam sẽ cần khoảng 90.000 mW và 130.000 mW vào các năm 2025 và 2030.

Phát triển các dự án điện mặt trời là một yếu tố quan trọng giúp chính phủ Việt Nam đạt các mục tiêu về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng lồng kính và giảm nhu cầu phát triển các dự án điện than mới.

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.