Sóng hạ tầng trợ lực cho BĐS Bình Thuận đang chuyển động ra sao?

Sân bay Phan Thiết, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hay tuyến đường ven biển Phan Thiết là những dự án giao thông trọng điểm của Bình Thuận, được đánh giá có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS tại địa phương biển này.

Nằm ở cực Nam Trung Bộ, cách TP HCM 183 km, Bình Thuận là tỉnh ven biển có nhiều điểm du lịch nổi tiếng như Phan Thiết, Mũi Né, Hàm Tân, Đồi Dương... thu hút lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm.

Với lợi thế 198 km đường biển, bất động sản (BĐS) Bình Thuận, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng trong nhiều năm trở lại đây thu hút nhiều nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp, tập đoàn lớn tìm về.

Hạ tầng giao thông là yếu tố trợ lực lớn nhất thúc đẩy sự phát triển của BĐS Bình Thuận. Từ năm 2015, thị trường này đã nhiều lần ghi nhận những cơn sốt đất ăn theo thông tin hạ tầng, quy hoạch. 

Tại một sự kiện trực tuyến cuối năm 2021, ông Huỳnh Ngọc Thanh, CEO của CTCP Đầu tư Hata (Hataland) đã đề cập đến một số dự án hạ tầng có sức ảnh hưởng lớn đến BĐS Bình Thuận.

Các dự án này bao gồm cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết; sân bay Phan Thiết; đường ven biển Phan Thiết và cả sân bay Long Thành. Trong đó, cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và sân bay Phan Thiết và những dự án trọng điểm được tỉnh dồn lực trong giai đoạn đến 2025.

Ông Đỗ Quý Duy, Giám đốc kinh doanh của Hải Phát Invest đánh giá, trong năm 2022, diễn biến BĐS Bình Thuận sẽ phụ thuộc nhiều vào tiến độ các dự án hạ tầng của địa phương này.

Sân bay Phan Thiết đang chậm tiến độ

 Khu vực làm sân bay Phan Thiết nhìn từ trên cao. (Ảnh tư liệu: Khải An).

Sân bay Phan Thiết thuộc xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết, được quy hoạch là Cảng hàng không cấp 4E với chức năng là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự (cấp I), có hoạt động bay quốc tế, với một đường cất hạ cánh, chiều dài là 3.050 m.

Dự án này có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 3.833 tỷ đồng. Trong đó, hạng mục phục vụ khu quân sự với mức đầu tư dự kiến khoảng 8.000 tỷ đồng, do Quân chủng Phòng không không quân (Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư.

Khi hoàn thành, sân bay Phan Thiết sẽ thu hút lượng lớn lớn khách du lịch tìm về Bình Thuận, đặc biệt là khách du lịch khu vực phía Bắc. 

Tính đến tháng 3/2022, Bình Thuận đã hoàn thành việc bồi thường, giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích đất để xây dựng Cảng hàng không Phan Thiết với 545,56 ha (gồm mặt bằng sân bay 543 ha và đài dẫn đường K2 là 2,56 ha).

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hoàn tất hồ sơ pháp lý và giao cho Bộ Quốc phòng quản lý 150 ha đất khu quân sự; đã giao nhà đầu tư BOT quản lý 145,6 ha đất khu hàng không dân dụng, TTXVN dẫn thông tin từ Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Thuận.

Tại buổi làm việc mới nhất hồi tháng 5, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đánh giá, hạng mục hàng không dân dụng của sân bay Phan Thiết tiến độ còn rất chậm, chưa kịp đồng bộ với tiến độ triển khai của hạng mục sân bay quân sự.

Sân bay Phan Thiết từng được khởi công đầu năm 2015, dự kiến hoàn thành năm 2018, sau đó phải tạm dừng. Đến tháng 4/2021, Bình Thuận đã tổ chức lễ chuẩn bị mặt bằng và triển khai dự án đầu tư xây dựng Sân bay Phan Thiết.

Sự kiện khởi công xây dựng sân bay Phan Thiết năm 2015 từng khiến Bình Thuận có hai lần sốt đất quy mô nhỏ ở khu vực Hàm Tiến, Mũi Né và Thiện Nghiệp. Sau đó, dự án được tăng vốn lên thành 10.000 tỷ đồng đã tạo nên cơn sốt đất đỉnh điểm vào tháng 3/2019.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã thực hiện hơn 51%

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang thi công. (Ảnh tư liệu: Khải An).

Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99 km, trong đó đoạn đi qua tỉnh Bình Thuận gần 48 km và qua Đồng Nai hơn 51 km. Dự án đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận và huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Vào tháng 9/2020, dự án này đã được khởi công, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 12 năm nay.

Theo báo cáo Ban điều hành cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, giá trị sản lượng thực hiện từ khi khởi công dự án đến ngày 18/7 khoảng 3.001/5.840 tỷ đồng, đạt 51,38% giá trị hợp đồng, chậm 0,74%.

Nguyên nhân chậm tiến độ là do ảnh hưởng của thời tiết, các nhà thầu chưa chủ động về nguồn lực tài chính, một số thiết bị chủ yếu hay hư hỏng. Trước tình hình này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết sẽ không lùi tiến độ dự án, phải hoàn thành trong năm 2022.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khi hoàn thành dự kiến sẽ rút ngắn khoảng cách với TP HCM, đồng thời hút một lượng lớn khách du lịch từ Vũng Tàu, Đồng Nai và Bình Dương về với Bình Thuận.

Tiềm năng tăng trưởng BĐS  ăn theo cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết là có cơ sở. Đơn cử như trường hợp của ông Đỗ Quý Duy, vào tháng 1/2021 từng đầu tư hai lô đất ở Tân Minh (huyện Hàm Tân), cách cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây khoảng 500 m.

Thời điểm đó, Giám đốc kinh doanh của Hải Phát Invest mua với giá 75 triệu đồng/mét ngang. Sau nửa năm, giá đã tăng lên 150 triệu đồng/mét ngang.

Đường ven biển Phan Thiết

 Một góc đường ven biển Phan Thiết - Kê Gà. (Ảnh tư liệu: Hoàng Huy).

Là một tỉnh có bờ biển khéo dài, Bình Thuận cũng dồn lực cho tuyến đường ven biển. Hiện nay, tỉnh đang triển khai một dự án trọng điểm là làm mới đường trục ven biển ĐT.719B đoạn Phan Thiết - Kê Gà.

Dự án này có chiều dài 25,6 km, rộng 2 8m được khởi công xây dựng tháng 11/2020 và dự kiến đến tháng 1/2024 hoàn thành.

Tính đến cuối tháng 7, các địa phương đã ban hành thông báo thu hồi đất và kiểm kê 302/302 hồ sơ, đạt 100%; đã xét pháp lý 302/302 hồ sơ; đã thông qua 288/302 hồ sơ bồi thường, đạt 95,36%; phê duyệt phương án bồi thường cho 254/302 hồ sơ, đạt 81,4%; chi trả tiền bồi thường cho 231/302 hồ sơ, đạt 76,49%.

Về bàn giao mặt bằng, dự án đã bàn giao khoảng 18/25,6 km, đạt 67,75%. Trong đó, TP Phan Thiết 8,86/12,3 km, đạt 72% và huyện Hàm Thuận Nam 9,2/13,3 km, đạt 69,44%.

Đường ven biển Phan Thiết - Kê Gà khi hoàn thành sẽ góp phần hình thành nên trục đường ven biển Phan Thiết - La Gi - Bình Châu - Vũng Tàu giúp kết nối khách du lịch khu vực phía nam về với Bình Thuận.

Sân bay Long Thành

Mặc dù không phải là một dự án thuộc địa phận Bình Thuận, song sân bay Long Thành được đánh giá có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường BĐS của địa phương này. 

Sân bay Long Thành có diện tích 5.000 ha, công suất 100 triệu hành khách, 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Ước tính toàn bộ vốn đầu tư dự án khoảng 336.630 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD). Trong đó, giai đoạn 1 đầu tư 114.450 tỷ đồng (khoảng 5,45 tỷ USD), dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động năm 2025.

Dưới góc nhìn của CEO Hataland, khoảng cách từ sân bay Long Thành đến Bình Thuận chỉ mất khoảng 1 tiếng di chuyển. Bên cạnh đó, với quy mô là sân bay quốc tế, sân bay này sẽ đón lượng lớn khách du lịch từ Nga và Đông Âu - những người từ trước đến nay vốn rất ưa chuộng du lịch Bình Thuận. 

Với thị trường vốn phát triển mạnh phân khúc nghỉ dưỡng, việc đón lượng khách du lịch lớn tìm về được dự báo sẽ là yếu tố tăng trưởng cho BĐS Bình Thuận.

Tính đến cuối tháng 7, sân bay Long Thành đã bàn giao mặt bằng hơn 2.420 ha (đạt 95,6%) diện tích giai đoạn 1 và khu vực dự trữ đất được bàn giao; hồ sơ thiết kế kỹ thuật hoàn thành (giai đoạn 90%) phần thân nhà ga hành khách và trình thẩm định; hoàn thành thiết kế kỹ thuật (giai đoạn 60%) hạ tầng khu bay, hạ tầng chung như đường lăn, sân đỗ máy bay,...