Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng nhà đầu tư không hiểu khi nói sông Hồng và Tiền Đường tương đồng. Ảnh: Di Linh |
Mới đây, một số trang báo có đưa thông tin về việc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) chủ động mời Viện Thiết kế và Quy hoạch TP Hàng Châu (Trung Quốc) tham gia nghiên cứu và lập quy hoạch cho đô thị hai bên sông Hồng.
Đáng chú ý, Geleximco nêu lý do mời đơn vị thiết kế Trung Quốc là "sông Tiền Đường cũng có nhiều điểm tương đồng với sông Hồng của Việt Nam".
Trao đổi với chúng tôi, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng: "Nhà đầu tư không hiểu về sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội khi cho rằng có nhiều điểm tương đồng".
'Quy hoạch hai bên sông Hồng': Nguyên KTS trưởng Hà Nội nói gì?
Nguyên KTS trưởng Hà Nội, TS Đào Ngọc Nghiêm cho biết quy hoạch hai bên sông Hồng rất quan trọng, việc cung cấp tư liệu ... |
Theo GS Vũ Trọng Hồng, Thủ đô Hà Nội gắn liền với đồng bằng sông Hồng - "sản phẩm" của sông Hồng. Sông Hồng sau khi từ Trung Quốc chảy vào Việt Nam đã giảm độ dốc khi chảy ra biển gây ra sự bồi xói ven sông, đe doạ sự ổn định của các con đê chống lũ hai bên bờ.
"Chính Hồ Tây là "sản phẩm" của sông Hồng, do sự uốn khúc cắt dòng tạo ra. Đặc điểm này, sông Tiền Đường không thể có được. Các chuyên gia nước ngoài khi giúp chúng ta xây dựng các công trình thuỷ lợi cũng thường nêu đặc điểm này. Đây là rủi ro lớn cho dự án xây dựng thành phố ven sông Hồng", ông Hồng nói.
GS Hồng cũng nhận định, vị trí cho thành phố mới có thể sẽ thu hẹp dòng chảy của sông và khi gặp lũ thiết kế có chu kỳ lặp lại 500 - 700 năm thì rủi ro rất lớn. Những chuyên gia thuỷ lợi trong những lần góp ý cho ý tưởng thành phố ven sông cũng đều lưu ý về rủi ro trên.
Thành phố Mới Tiền Giang (bên phải) nằm về bờ bắc sông Tiền Đường ở Hàng Châu. Ảnh: Getty |
Về lý do Geleximco cho rằng Viện Thiết kế và quy hoạch thành phố Hàng Châu quy hoạch hai bên sông Tiền Đường rất đẹp, GS Hồng cho rằng điều này không thực tế với sông Hồng do quỹ đất không đủ; không phù hợp với nhà cao tầng.
"Khu vực này phù hợp với công trình kiến trúc nhẹ. Trong mùa lũ có thể sẵn sàng trở thành nơi chậm lũ, phân lũ, giảm nguy cơ rủi ro. Chương trình thành phố ven sông mà các chuyên gia Hàn Quốc trước đây gợi ý cũng là những công trình văn hoá thể thao, như công viên nước ven sông, tương tự như thành phố Seoul bên sông Hàn", GS Vũ Trọng Hồng nói.
Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cũng nhận định, trong giai đoạn quy hoạch thì Hà Nội có thể xem xét đến việc chỉ định đơn vị tư vấn gắn bó với Thủ đô nhiều năm như Viện Quy hoạch thuỷ lợi, Viện Quy hoạch xây dựng của Hà Nội... Những đơn vị này đủ năng lực và kinh nghiệm thực tiễn.
"Trong giai đoạn thiết kế sơ bộ, nếu cần lựa chọn giải pháp kiến trúc thì có thể mời đơn vị nước ngoài hoặc thi tuyển", GS Hồng nói.