Ngày 8/9 vừa qua, CTCP Địa ốc First Real (Mã: FIR) chính thức công bố trở thành cổ đông lớn của CTCP Thương mại - Dịch vụ Khách sạn Bạch Đằng (gọi tắt là Bạch Đằng Complex) với tỷ lệ sở hữu 22%. Theo đó, First Real đã hoàn tất nhận chuyển nhượng thỏa thuận gần 10 triệu cổ phiếu Bạch Đằng Complex với giá trị giao dịch 200 tỷ đồng.
Bạch Đằng Complex đang sở hữu dự án Khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng có vị trí đắc địa tại 50 Bạch Đằng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Khu phức hợp này nằm trên khu đất có diện tích hơn 6.879 m2, bao gồm 1 tòa khách sạn 29 tầng (Hilton Da Nang) và 1 tòa tháp cao 25 tầng bao gồm căn hộ thuê văn phòng và khu thương mại.
Được biết First Real đã thực hiện thỏa thuận sở hữu cổ phần Khu Phức hợp Khách sạn Bạch Đằng, đưa Bạch Đằng Complex trở thành công ty liên kết từ tháng 8/2023. Phía doanh nghiệp cho biết, việc trở thành cổ đông lớn tại Bạch Đằng Complex sẽ giúp First Real có quyền tham gia quyết định đầu tư phát triển và kinh doanh “dự án triệu đô” khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng,…
CTCP Đầu tư Bất động sản F.I.T (F.I.T Land) vừa thông tin, sau một thời gian nghiên cứu và cân nhắc giữa các phương án, Đại hội đồng cổ đông Công ty hồi cuối tháng 7 đã chính thức thông qua việc thoái toàn bộ vốn tại CTCP Bất động sản Cap Padaran Mũi Dinh. Đến ngày 9/9, các thủ tục giao dịch chuyển giao chính thức hoàn tất (bên nhận chuyển nhượng không được tiết lộ). Điều này đồng nghĩa với việc Tập đoàn F.I.T chính thức rút khỏi dự án Cap Padaran Mũi Dinh tại Ninh Thuận.
Tập đoàn cho biết, đây là một quyết định kịp thời trong bối cảnh thị trường bất động sản nghỉ dưỡng cho dù có dấu hiệu khởi sắc trở lại sau dịch COVID-19 nhưng phải mất nhiều năm nữa mới thực sự tháo gỡ được những vướng mắc lớn về vấn đề lớn tầm vĩ mô.
Trước đó, ngày 25/2/2022, Tập đoàn F.I.T và Tập đoàn Crystal Bay đã tổ chức lễ khởi công dự án Cap Padaran Mũi Dinh tại xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). Dự án có diện tích gần 800 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, trong đó Tập đoàn F.I.T đóng góp 60% vốn, Tập đoàn Crystal Bay đóng góp 40% vào CTCP Cap Padaran Mũi Dinh - đơn vị chủ đầu tư dự án.
Mới đây, HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) đã có quyết định thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn đang nắm giữ tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang.
Theo đó, doanh nghiệp này sẽ bán hoặc chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp đang nắm giữ tại Công ty TNHH HP Hospitality Nha Trang là hơn 176 tỷ đồng, tương ứng 78% vốn điều lệ. Chủ tịch HĐQT Hải Phát, ông Đỗ Quý Hải được ủy quyền chủ động tìm, quyết định đối tác mua hoặc nhận chuyển nhượng vốn góp, cũng như phương thức, thời điểm, giá trị giao dịch. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin về bên nhận chuyển nhượng.
Trước đó, năm 2017, Hải Phát Invest đã mua lại 75% vốn của HP Hospitality Nha Trang từ CTCP Sông Đà Thăng Long với số tiền hơn 483 tỷ đồng. HP Hospitality Nha Trang là chủ đầu tư dự án TM1 thuộc dự án khu dân cư Cồn Tân Lập nằm ngay cửa sông Cái đổ ra biển Nha Trang, giáp với cầu Trần Phú, vị trí được coi là "đất vàng" ở thành phố biển.
Ở phía các nhà đầu tư ngoại, Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia) hồi cuối tháng 7 cho biết đã thông qua công ty con Gamuda Land ký thoả thuận mua lại toàn bộ cổ phần của ba cá nhân trong CTCP Bất động sản Tâm Lực với giá trị hơn 7.200 tỷ đồng (gần 316 triệu USD). Đồng thời, đơn vị này cũng trực tiếp sở hữu khu đất dự án rộng 3,68 ha tại TP Thủ Đức, TP HCM.
Gamuda dự định phát triển khu đất này thành một dự án hỗn hợp cao tầng, bao gồm 1.968 căn hộ, 12 căn penthouse, 51 cửa hàng khối đế kinh doanh và 21 căn shophouse.
Keppel Corporation vừa qua cũng cho biết Keppel Land thông qua công ty con sở hữu 100% vốn là VN Prime Vietnam (VNPV) đang mua lại 65% cổ phần của một công ty sở hữu bất động sản bán lẻ tại Hà Nội. Khu bán lẻ này thuộc một dự án phức hợp đang trong quá trình xây dựng, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.
Theo ước tính của phía Keppel, thương vụ này có giá trị xấp xỉ 70 triệu USD (khoảng 1.230 tỷ đồng) và sẽ tùy chỉnh dựa vào đàm phán giữa hai bên. Bên mua dự kiến sẽ thanh toán thành hai đợt bằng tiền mặt. Thời gian hoàn tất giao dịch dự kiến chưa được Keppel công bố.
Trước đó không lâu, nhóm Keppel công bố mua lại 49% vốn tại hai dự án ở TP Thủ Đức, TP HCM gồm Emeria (6 ha) và Clarita (5,8 ha) thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Mã: KDH).
Theo thống kê của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), hoạt động M&A (mua bán, sáp nhập) diễn ra sôi động với hàng loạt thương vụ lớn. Các doanh nghiệp bất động sản thâu tóm thêm nhiều quỹ đất lớn, từ dự án căn hộ cho đến các bất động sản công nghiệp, văn phòng,...
Song, tính đến hết quý II/2023, hầu hết các thương vụ M&A mới đang chỉ diễn ra trong giai đoạn đầu - giai đoạn tìm kiếm và khảo sát, chưa đi đến bước đàm phán và chốt giao dịch.
Các chuyên gia của VARs dự báo, thời gian tới, hoạt động M&A sẽ tiếp tục sôi động. Các thương vụ hoàn tất bước thăm dò, khảo sát trong quý II sẽ tiếp tục chuyển sang bước đàm phán, thương lượng trong quý III và rất có thể thị trường sẽ chứng kiến một vài thương vụ thành công đầu tiên trong quý cuối năm nay.
“Tuy nhiên số lượng sẽ không nhiều và giới hạn ở các dự án quy mô nhỏ với pháp lý cơ bản hoàn thiện. Các thương vụ quy mô vừa và lớn sẽ tiếp tục duy trì quá trình đàm phán đến hết quý IV/2023 thậm chí kéo dài sang quý II/2024. Khi M&A đạt được thành công sẽ góp phần cải thiện nguồn cung. Các dự án dang dở gặp được chủ đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ nhanh chóng được tái khởi động. Các chủ doanh nghiệp thu được tiền từ M&A cũng có nguồn để quay lại thực hiện các dự án còn giữ lại”, chuyên gia VARs nhận định.