Nam Cực hiện có khoảng 30 trạm nghiên cứu của nhiều quốc gia trên thế giới. Hai trong số đó là trạm Scott của New Zealand và trạm McMurdo của Mỹ, nơi nhà làm phim khoa học nổi tiếng Anthony Powell lấy tư liệu để thực hiện bộ phim “Nam Cực: một năm sống giữa băng giá” (Artatica: A year on Ice) nhằm ghi lại cuộc sống hàng ngày và những trải nghiệm của những người sống, làm việc nơi đây, đặc biệt là trong những tháng mùa đông. |
Nhà làm phim Powell cũng có 15 năm sống và làm việc tại đây. Ông đến Nam Cực lần đầu tiên khi còn là là một kỹ thuật viên chuyên về thông tin liên lạc, với nhiệm vụ theo dõi thiệt bị tại trạm Scott trong vòng 1 năm. |
Powell kể với Dailmail rằng để đối phó với cái lạnh dưới 50°C, ông và đồng nghiệp đã phải khoác lên người bộ quần áo làm từ lông cừu và độn thêm nhiều lớp túi ngủ, cùng mũ trùm kín mặt. “Tôi chỉ dám để lộ một lỗ bé tí trước mặt để thở. Hai nhãn cầu của tôi đau nhức, cảm giác như chúng đã đông đá trong hốc mắt rồi. Thực ra bạn sẽ cảm thấy khá thoải mái sau khi các lớp quần áo bắt đầu ấm lên nhờ nhiệt độ của cơ thể. Nhưng điều này có thể sẽ mất đến cả tiếng đồng hồ”, ông nói. |
Powell mô tả gió mạnh là điều mà ít người ngờ đến nhất khi đến Nam Cực. “Mặc đồ để chống rét là chuyện đơn giản. Nhưng những cơn gió mạnh sẽ nhanh chóng khiến những khoảng hở nhỏ nhất giữa các lớp quần áo cũng trở nên lạnh buốt. Tôi chỉ không kịp xỏ tay vào găng tay và ngay lập tức cổ tay bị đông đá và phồng rộp”, ông kể. Ông cũng cho biết độ ẩm rất thấp tại Nam Cực khiến độ tĩnh điện trong không khí cao và người làm việc ở đây liên tục bị giật điện khi cầm vào nắm tay cửa hoặc chạm vào nhau. Không khí khô cũng khiến các thiết bị điện tử hay bị trục trặc và làm hỏng chip máy tính. |
Trước năm 2016, những trạm nghiên cứu tại Nam Cực hoàn toàn bị cô lập với phần còn lại của thế giới trong suốt những tháng mùa đông. Không một chuyến bay nào được thực hiện trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp. Điều này đồng nghĩa những người làm việc tại đây không có thực phẩm tươi trong 6 tháng. |
“Các chuyến bay chở thực phẩm tươi sống sẽ chỉ đến trong tháng hè. Ngược lại vào mùa đông, chúng tôi sẽ ăn thực phẩm đông lạnh và đóng gói. Một số trạm nghiên cứu cũng có nhà kính để trồng rau, nhưng chúng hoạt động nhờ động cơ diesel và khá tốn kém. Kể cả có nhà kính thì chúng tôi cũng chỉ có đủ rau cho một đĩa salad nhỏ vài tuần một lần", Powell kể lại. Năm nay là năm đầu tiên có những chuyến bay trong mùa đông để đưa thực phẩm tươi bao gồm thịt và sữa đến trạm nghiên cứu của Mỹ và New Zealand. |
Vào mùa đông, Nam Cực không có mặt trời trong khi vào mùa hè lại không có ban ngày. Theo Powell, làm quen và làm việc trong htời tiết vào mùa đông dễ hơn vào mùa hè: “Vào mùa đông, Nam Cực cũng giống nhiều nơi khác trên thế giới. Bên ngoài trời sẽ tối còn bên trong, các phòng ốc sẽ được thắp sáng bằng đèn điện. Tuy vậy, điều đặc biệt nhất là bầu trời ban đêm tuyệt đẹp và là điều kiện hoàn hảo để ngắm nhìn các chòm sao hay nam cực quang", ông cho hay. Những món quà thiên nhiên này là động lực giúp con người tiếp tục sống và làm việc trong điều kiện khắc nghiệt tại Nam Cực. |
Đến cuối mùa đông, hiện tượng mây xà cừ bắt đầu xuất hiện, do ánh sáng mặt trời tạo nên những cầu vồng phản chiếu trên mây. |
Tuy nhiên, Powell cho biết mùa đông kéo dài cũng dễ khiến con người bị mắc hội chứng T3 Polar, những biểu hiện mà nười sinh sống tại Nam Cực hay mắc phải như mất trí nhớ ngắn hạn, thiếu năng lượng, quên từ, thiếu tập trung và hay nhìn mông lung. |
“Bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn điều chỉnh cuộc sống trở lại bình thường. Tuy nhiên, chẳng ai suốt đời sống ở đây cả. Ở đây chủ yếu là những người phụ trách việc vận hành rạm nghiên cứu. Dù nghề nghiệp khác nhau, họ đều cùng chung tâm hồn thích khám phá và bản lĩnh để đối mặt với những thử thách ở vùng đất mới. |