SSI Research: Cần thận trọng với các trái phiếu không có TSĐB hoặc được đảm bảo bằng cổ phiếu

Theo lí giải của các nhà phân tích thuộc CTCK SSI (SSI Research), khi có sự cố xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán hoặc phá sản.

Trong 9 tháng 2020, nếu loại trừ 98 nghìn tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) không có thông tin về tài sản đảm bảo và toàn bộ 101,5 nghìn tỉ đồng trái phiếu ngân hàng và CTCK không có tài sản đảm bảo, số trái phiếu trái phiếu không có tài sản đảm bảo khác là 43,5 nghìn tỉ, bao gồm: 20,5 nghìn tỉ là trái phiếu bất động sản (TNR Holdings, Địa ốc Phú Long, CTCP BĐS Mỹ, CTCP Đầu tư và Xây dựng Phú Thượng…); và 22,6 nghìn tỉ trái phiếu của các doanh nghiệp khác (Sovico, Masan, BCG, IPA…) 

Bên cạnh đó, có 29,1 nghìn tỉ trái phiếu được bảo đảm bằng cổ phiếu của chính tổ chức phát hành hoặc của bên thứ 3, gồm: 22,9 nghìn tỉ đồng trái phiếu BĐS (Vinhomes, CTCP Phát triển BĐS Phát Đạt, Novaland…); và các trái phiếu của Tổng CTCP Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex - Mã: GEX), Camimex (Mã: CMX), Uniben, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (Mã: CII)… 

Đối với các trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu, theo các nhà phân tích SSI Research, giá cổ phiếu có thể giảm mạnh và theo đó không còn là tài sản đảm bảo anh toàn cho giá trị trái phiếu nhà đầu tư nắm giữ. 

"Chúng tôi không đánh giá cao chất lượng tài sản đảm bảo là cổ phiếu vì khi có vi phạm xảy ra, giá trị cổ phiếu sẽ sụt giảm rất nhanh thậm chí giá trị cổ phiếu của tổ chức phát hành có thể về 0 nếu doanh nghiệp mất khả năng thanh toán/phá sản", SSI Research lí giải.

"Bởi vậy, các nhà đầu tư cần cẩn trọng khi xem xét đầu tư vào các trái phiếu không có TSĐB hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu", SSI Research cảnh báo.

Kể từ khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 163/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020, chỉ có 14.100 tỉ TPDN được phát hành riêng lẻ được phát hành trong tháng 9, giảm tới 84% so với tháng 8 và chủ yếu là trái phiếu của các NHTM.

Mặc dù vậy, trái với thị trường sơ cấp, thị trường TPDN thứ cấp vẫn hết sức sôi động. Theo SSI Research, nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm mạnh trong quí III/2020. Hiện lãi suất tiền gửi đã về vùng thấp lịch sử, chỉ ở mức 3 - 3,8%/năm với kì hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5%/năm với kì hạn 6 đến dưới 12 tháng, 4,9 - 5,8%/năm với kì hạn 12 - 13 tháng.

Theo đó, chênh lệch lãi suất giữa TPDN trên thứ cấp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giãn rộng, vào khoảng từ 2 - 4%/năm thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào TPDN tăng cao, trong khi nguồn cung sụt giảm sẽ khiến thị trường thứ cấp tiếp tục tăng nhiệt trong quí IV/2020.

Mặt khác, SSI Research cũng cho biết kể từ khi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội đã ban hành Qui chế vận hành Chuyên trang thông tin TPDN tại HNX vào ngày 28/7/2020, các thông tin phát hành trái phiếu riêng lẻ sau đó được công bố trên HNX rất vắn tắt và không có các thông tin cơ bản về lãi suất, bên mua, tài sản đảm bảo…

Điều này dẫn đến các rủi ro là các nhà đầu tư nhỏ lẻ khó có thể tiếp cận đầy đủ thông tin để thẩm định và xử lí các rủi ro phát sinh trước tình trạng doanh nghiệp phát hành ồ ạt nhưng thiếu công bố thông tin như giai đoạn vừa qua.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.