Startup chỉ có 500 khách hàng nhưng định giá 10 triệu USD khiến Shark Việt 'cà khịa': Tôi không đầu tư vào số 1, Shark Dzung nổi đóa yêu cầu 'tự chơi một mình'

Tự định giá công ty 10 triệu USD, My X Team tự tin có thể cạnh tranh với nền tảng quản lí công việc đình đám Trello, trong khi chỉ có 500 khách hàng sau 4 năm hoạt động.

Trong tập 9 của Thương Vụ Bạc Tỉ (Shark Tank Việt Nam) mùa 3, CEO Ninh Gia Hạnh của startup My X Team tham gia gọi vốn 100.000 USD cho 1% cổ phần, và tối đa không quá 20%. Đây là một nền tảng quản lí công việc tổng hợp, khá giống với nền tảng Trello đình đám trên thế giới.

Startup 10 triệu USD chỉ có… 500 khách hàng sau 4 năm hoạt động

Theo vị CEO Ninh Gia Hạnh, sản phẩm startup giúp giải quyết bài toán của nhiều nhà quản lí, nhân viên tại các công ty trong việc thâu tóm công việc. Anh cho rằng đang có rất nhiều người mệt mỏi với các dữ liệu công việc được lưu trữ rời rạc trên nhiều mạng xã hội, ứng dụng OTT, máy tính cá nhân… khiến cho việc tìm dữ liệu tốn rất nhiều thời gian.

Về tính năng nổi bật, nền tảng này đem đến chức năng lập kế hoạch để theo dõi, nhắc nhở nhân viên. Sếp và nhân viên có thể góp ý, nhắc nhở, tương tác trên từng đầu công việc. 

Về bảo mật, startup này cho biết đang sử dụng SaaS và công nghệ của Microsoft.

MY X TEAM (4)

Ceo My X Team tuyên bố mô hình quản lí công việc tổng hợp trên thị trường Việt Nam My X Team đi tiên phong và định giá doanh nghiệp 10 triệu USD. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Ninh Gia Hạnh giới thiệu My X Team là một mạng kết nối tất cả các đầu công việc trong một dự án với nhau, để giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn. Startup có 1.200 khách hàng đã thanh toán, 500 khách hàng thường xuyên trả tiền. Hiện, công ty đã bước qua giai đoạn khó khăn nhất, là "được sống".

Khi Shark Dzung hỏi về lí do 700 khách đã ra đi (tương đương 55%), đại diện My X Team cho rằng bởi thị trường "chưa đủ nỗi đau" để họ muốn sử dụng nền tảng quản lí công việc.

Nghe nhà sáng lập trả lời, "cá mập" chuyên về công nghệ cho rằng: "Đây chính là vấn đề của mô hình. Tôi đã đầu tư dạng này 6 năm trước, và cần thời gian rất dài để phát triển được. Mô hình này cần tiếp thị liên tục. Đội tiếp thị 20 người không ăn thua, cần 400-500 người để có doanh số dạng dòng tiền (cash flow)".

Đáp lại, CEO Ninh Gia Hạnh khẳng định hiện họ tập trung tiếp thị bằng công nghệ chứ không cần con người. Cụ thể, My X Team đang tiêu 100 triệu đồng mỗi tháng cho quảng cáo trực tuyến, để có được 50 khách hàng mới. Vì thể chỉ cần 4 nhân viên tư vấn. Lương nhân viên được chi trả 12-15 triệu đồng/tháng/người.

Hiện doanh số 400 triệu đồng thu về đều được chi tiêu hết, và startup đang hoà vốn. Mục tiêu của việc gọi 100.000 USD của anh Ninh Hạnh là để tạo ra khoảng 11.000 khách hàng tiếp theo. Từ đó có nguồn doanh thu quay vòng tiếp tục kinh doanh.

Về tình hình kinh doanh, CEO này cho biết 500 khách hàng thường xuyên mang lại doanh thu 400-450 triệu đồng/tháng. Mỗi doanh nghiệp chỉ cần bỏ ra 750.000 đồng/tài khoản là có thể sử dụng tới 100 GB dữ liệu và 100 người sử dụng thoải mái. Sau 4 năm hoạt động, startup này cho biết đã có một chút lợi nhuận nhưng không đáng kể.

SHARK BINH

Shark Bình "cạn lời" sau khi cố gắng giải thích việc định giá cho startup My X Team. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Shark Bình đặt nghi vấn liệu có quá lố không khi startup này định giá 10 triệu USD, vì đã có rất nhiều mô hình tương tự như Trello đình đám, khó để My X Team cạnh tranh. Đáp lời, CEO Ninh Gia Hạnh cho rằng họ có lợi thế am hiểu cách thức quản trị của người Việt Nam.

Anh khẳng định: "Nhiều doanh nghiệp đã không dùng sản phẩm của Trello mà chuyển qua dùng My X Team".

"Mô hình này trên thị trường Việt Nam, chúng tôi là người đi tiên phong", CEO này tự tin tuyên bố thêm.

Shark Dzung: "Nếu định giá bằng cách của anh thì anh tự chơi một mình"

Shark Bình tiếp tục đặt nghi vấn về việc định giá 10 triệu USD khi mô hình đang xoay vòng vốn. Nhà sáng lập này trả lời: "Không thể dùng phương thức dựa trên các con số tiền đã tiêu, lợi nhuận để định giá cho startup công nghệ". Anh cho rằng tương lai thị trường đang là xu hướng, và My X Team đã chứng minh được tiềm năng khi có 500 khách hàng, có giá trị cho cộng đồng rất lớn.

"Tôi bán tương lai, không bán hiện tại cho các Shark", vị này nhấn mạnh. Tuy nhiên, Shark Bình khẳng định startup cũng cần dựa theo công thức để định giá. Vị CEO này đáp rằng: "Nếu các Shark định giá bằng công thức thì đó là tự các Shark làm thôi".

Lần đầu tiên trong vai trò ngồi ghế nhà đầu tư Thương vụ bạc tỉ, Shark Dzung - vốn nổi tiếng điềm đạm, đã nổi đóa với startup: "Nếu anh định giá tương lai của anh bằng cách của anh, thì anh tự chơi một mình".

CEO My X Team vẫn liên tục khẳng định hiện tại họ đang "tốt nhất thị trường". 

"Thị trường chỉ có mình tôi làm chuyện này. Tôi tin chắc không có công ty nào giống chúng tôi bây giờ, không có công ty nào so sánh được với chúng tôi", CEO My X Team khẳng định.

SHARK DZUNG

Thường xuyên "nói đỡ" giúp startup, lần đầu Shark Dzung nổi đóa với My X Team. (Ảnh: Ngọc Diễm).

Chỉ biết "cười trừ" sau hàng loạt khẳng định của startup trên, Shark Bình đánh giá những gì startup này làm "rất đúng xu thế, rất có tương lai", tuy nhiên mảng phần mềm B2B cloud này không chỉ có mình My X Team. Shark Bình cũng cho rằng giá trị doanh nghiệp mà Gia Hạnh tự định giá chưa phù hợp, hà đầu tư này từ chối tham gia.

Shark Dzung thì cho biết mình ngao ngán không biết hỏi gì, vì "cái gì anh cũng khẳng định anh là số 1". Với lí do "đúng người, đúng nơi nhưng sai thời điểm", Shark Dzung không đầu tư vào My X Team.

Shark Việt dí dỏm hơn khi "cà khịa" startup này rằng: "Tôi không đầu tư vào những anh số 1. Anh số 1 rồi nên tôi không đầu tư!". 

Shark Hưng cũng "quan ngại về mô hình kinh doanh này" nên từ chối lời đề nghị.

Khác với Shark Việt, "bà ngoại U60" cho biết mình thích số 1, và hiện tại đang cần giải pháp này cho hệ sinh thái của mình. Shark Liên đưa ra đề nghị rót 100.000 USD cho 20% cổ phần.

Ngay lập tức, CEO Gia Hạnh tuyên bố từ chối mà không "trả giá". Anh nói: "Tôi không cần đưa ra lời đề nghị lại, vì khách hàng của tôi đang chờ sẵn, để họ đầu tư vào chính sản phẩm họ đang sử dụng. Tôi đến Shark Tank không phải kêu gọi các nhà đầu tư cho tôi sự kết nối để đổi lại cổ phần".

Chia sẻ cuối màn gọi vốn, CEO này tin rằng các nhà đầu tư và mình đều có quan điểm riêng về kinh doanh, và "tương lai sẽ có câu trả lời".

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.