Trong 4 năm qua, Phó Tổng thống Mike Pence là một trong các đồng minh trung thành nhất của Tổng thống Trump. Các trợ lí cho biết ông Pence chưa bao giờ nói xấu Tổng thống Trump trước công chúng và cũng hạn chế bình phẩm về ông Trump khi trao đổi riêng tư với người khác.
Ông Pence chấp nhận "giơ đầu chịu báng" cho phản ứng yếu kém của chính phủ Mỹ trong đại dịch Covid-19. Sau khi ông Trump khiến công chúng sửng sốt với màn khẩu chiến cùng ông Joe Biden hồi tháng 9/2020, "phó tướng" Pence lại bình tĩnh "xử đẹp" bà Kamala Harris trong cuộc tranh luận giữa hai ứng viên phó tổng thống.
Song, không có thành tích nào trong quá khứ có thể giúp ông Pence bình an vô sự khi đối mặt với bài kiểm tra trung thành cuối cùng từ Tổng thống Trump.
Tối ngày 4/1, khi đang vận động tranh cử cho hai thượng nghị sĩ Kelly Loeffler và David Perdue tại bang Georgia, ông Trump thẳng thừng đe dọa: "Tôi hy vọng Phó Tổng thống Mike Pence có thể đối mặt khó khăn cùng chúng tôi. Nếu không, tôi sẽ không còn ủng hộ ông ta như trước".
Vậy, Phó Tổng thống Pence có thể dính vào rủi ro nào? Newsweek dẫn lời các quan chức chính phủ cho biết, nếu ông Pence muốn ra tranh cử tổng thống vào năm 2024, ông có thể sẽ mất đi sự ủng hộ của ông Trump cùng các đồng minh Đảng Cộng hòa trung thành.
Ngày 6/1 (theo giờ Mỹ), trong vai trò Chủ tịch Thượng viện, ông Pence sẽ công bố phiếu bầu đại cử tri đã được chứng nhận từ 50 bang và thủ đô Washington. Sự kiện này là thủ tục cuối cùng cần thiết để công nhận chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden.
Theo hầu hết các học giả về Hiến pháp Mỹ, công việc của ông Pence chỉ đơn giản là đếm số phiếu bầu đại cử tri mà các bang trình lên. Tuy nhiên, ông Trump cùng nhiều người ủng hộ cuồng nhiệt tin rằng Phó Tổng thống Pence có quyền từ chối phiếu bầu từ các bang mà ông cho là có gian lận bầu cử tràn lan, bất chấp việc thống đốc các bang đã chứng nhận kết quả hợp lệ.
Sáng ngày 5/1, ông Trump tiếp tục đăng tweet khẳng định thông điệp trên. "Phó Tổng thống có quyền từ chối phiếu bầu của các đại cử tri được lựa chọn một cách gian lận", đương kim Tổng thống Mỹ nhấn mạnh. Đối với ông Trump, hành động đó sẽ tiếp tục duy trì hi vọng lật kèo bầu cử của ông.
Có lẽ ngay cả trong cơn ác mộng tồi tệ nhất, ông Pence cũng không nghĩ đến chuyện bản thân sẽ rơi vào hoàn cảnh éo le này khi ông chấp nhận trở thành cấp phó của ông Trump.
Áp lực đối với ông Pence đang gia tăng. Lực lượng người ủng hộ trung thành của ông Trump gọi điện và gửi email quấy phá quan chức ở các bang mà họ tin rằng có gian lận bầu cử.
Ngoài ra, hơn 140 hạ nghị sĩ và ít nhất 12 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã tuyên bố ý định phản đối kết quả phiếu bầu đại cử tri. Tại Thượng viện, Lãnh đạo phe đa số Mitch McConnell ban đầu kêu gọi đồng nghiệp không nên phản đối. Bây giờ, ông McConnell chỉ muốn họ "bỏ phiếu theo lương tâm".
Trong bối cảnh hiện tại, ông Pence có thể cho phép lưỡng viện thảo luận về bằng chứng gian lận ở từng bang trong không quá hai giờ. Hiện có khoảng 6 bang có nguy cơ vướng tranh chấp. Cuối tuần trước, ông Marc Short - chánh văn phòng của ông Pence, đưa ra thông báo cho biết Phó Tổng thống Mỹ sẽ cho phép thảo luận tranh chấp theo quy định.
"Phó Tổng thống Pence hoan nghênh nỗ lực của Hạ viện và Thượng viện trong việc sử dụng thẩm quyền theo luật pháp để lên tiếng phản đối và trưng ra bằng chứng trước Quốc hội cũng như người dân Mỹ", ông Short cho hay. Trong sự kiện vận động ở Georgia hôm 4/1, ông Pence cũng khẳng định điều tương tự.
Chiều tối ngày 6/1, hàng trăm người biểu tình xông vào Tòa nhà Quốc hội gây náo loạn. Cuộc họp phải tạm dừng và hàng trăm nghị sĩ phải đi sơ tán. Hiện tại, cuộc họp đã được nối lại, song một trong các cuộc tranh cử gây tranh cãi nhất lịch sử nước Mỹ tạm thời chưa đi đến hồi kết.
Nếu ông Trump ra tái tranh cử, ông sẽ là một trong những ứng viên tiềm năng hàng đầu và ở thời điểm hiện tại, đương kim Tổng thống Mỹ không phủ nhận khả năng sẽ chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Ở diễn biến khác, các nhân viên chính phủ Mỹ cho rằng, khi ông Pence ngồi vào ghế phó tổng thống, ông tin mình sẽ trở thành ứng viên hàng đầu cho cuộc tranh cử tổng thống tiếp theo sau khi ông Trump rời nhiệm sở.
Tuy nhiên, hỗn loạn hậu bầu cử đã làm đảo lộn giả định trên. Khả năng ông Trump tái tranh cử khiến mọi người đều lo lắng. Nếu rút lui, ông Trump vẫn sẽ là nhân vật quan trọng hàng đầu định đoạt người đại diện Đảng Cộng hòa ra tranh cử vào năm 2024.
Tối ngày 4/1, ông Trump buông lời đe dọa và đặt "phó tướng" Mike Pence vào thế khó. Nếu ông Pence chọc giận Tổng thống Trump khi không chấp nhận các nhóm đại cử tri thay thế từ những bang như Michigan và Georgia, ông Trump có thể chuyển sang ủng hộ ứng viên khác và ông Pence sẽ trở thành cái gai trong mắt những người theo dõi nhiệt thành của ông Trump.
Nếu kéo dài tình trạng hỗn loạn hậu bầu cử, ông Pence sẽ khiến Đảng Cộng hòa lo sợ, trong khi hầu hết đảng viên đều tin rằng Phó Tổng thống nên phê chuẩn kết quả bầu cử và tiến về phía trước.
Ông Pence nhiều khả năng đang hi vọng rằng sau khi cho phép tranh luận, lưỡng viện sẽ bỏ phiếu xác thực phiếu bầu đại cử tri và chấm dứt mọi bất ổn. Nếu không, sự nghiệp chính trị của ông có nguy cơ rơi vào bế tắc.
Theo một cố vấn Nhà Trắng và bạn bè của ông Trump, một số người thân tin nhất của vị tổng thống Đảng Cộng hòa từng khuyên ông nên chính thức nhận thua và tham gia buổi lễ tuyên thệ của người kế nhiệm một khi lưỡng viện bỏ phiếu xong. Con gái gái Ivanka và con rể Jared Kushner là hai trong số những người khuyên ông Trump như thế.
Song, đến thời điểm này thì ông Trump khó mà quay đầu, các quan chức Nhà Trắng cho hay. Trong chương trình podcast phát sóng hôm 4/1, cựu cố vấn thân cận Steve Bannon của ông Trump cho biết: "Khả năng duy nhất ông Trump có mặt tại buổi tuyên thệ là khi chính ông ấy thực hiện bài phát biểu nhậm chức".