Sức ép tài chính quá lớn, Vietravel kiến nghị giảm thêm thuế VAT với du lịch, mức giảm 2% là quá ít

Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel, mức giảm VAT 2% là quá ít, nên quay lại mức giảm là 5% vì ngành du lịch có tính lan tỏa, tác động lớn tới nền kinh tế.

Là những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ dịch Covid-19, hàng không - du lịch hiện đang dần hồi phục trở lại sau khoảng thời gian dài "tê liệt" hoạt động. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn như thiếu vốn, thiếu nhân lực,... đòi hỏi sự hỗ trợ từ Chính phủ.

Tại Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp diễn ra sáng nay (11/8), đại diện cho các doanh nghiệp ngành du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel cho rằng, trong giai đoạn phục hồi này, sức ép về tài chính rất lớn, các gói hỗ trợ của Chính phủ không triển khai được đến doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân.

Giảm VAT chỉ 2% là quá ít

Theo ông Kỳ, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt lữ hành hàng không, đã kiệt quệ về lao động, tài chính, phải khôi phục lại toàn bộ.

Những doanh nghiệp như Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch vừa là doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên sức ép tài chính rất lớn. Vừa phải trả nợ cũ đến hạn, vừa phải chuẩn bị vốn đầu tư mới cho tái cấu trúc doanh nghiệp và xây dựng chuỗi cung ứng dịch vụ, vừa phải trả tiền ngay khi đặt dịch vụ để phục vụ khách. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Vietravel cũng cho rằng, các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều.

Ông Kỳ nêu thực tế rằng, gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp du lịch không tiếp cận được vì gặp nhiều rào cản.

"Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi. Doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức, thương hiệu, các yếu tố này không thế chấp được..", ông nói 

   Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel (Ảnh: VGP)  

Đại diện Vietravel cũng cho rằng các gói hỗ trợ của Chính phủ không triển khai được đến doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân trong đó nổi bật là mức giảm VAT 2% quá ít, nên quay lại mức giảm là 5% do ngành du lịch có tính lan tỏa, tác động rất lớn, nên quan tâm và cho mức giảm cao hơn. 

Ông Kỳ phân tích thị trường du lịch sau dịch là thị trường mới hoàn toàn, an toàn hơn. Do đó, phải thay đổi toàn bộ cấu trúc của doanh nghiệp cũng như cấu trúc của cả ngành du lịch.  

Vận chuyển, đặc biệt vận chuyển hàng không khó khăn, giá nhiên liệu cao, nhiều thời điểm chiếm trên 60% chi phí, cơ cấu giá áp dụng về xăng dầu thường chậm sau 1 tháng, vì vậy các hãng bay, khi giá xăng dầu điều chỉnh, cũng không được hưởng ngay lập tức.

Về chính sách cho du lịch, đội ngũ lao động có kinh nghiệm và trình độ sau đại dịch gần như phải xây dựng lại vì đã chuyển dịch sang ngành nghề khác, nên thiếu hụt lao động có tay nghề.

Trước những khó khăn trên, Chủ tịch Vietravel cho rằng, chỉ tiêu 5 triệu khách quốc tế đến Việt Nam năm nay rất không khả thi do thị trường nguồn của chúng ta chưa mở cửa. Thị trường Đông Bắc Á chiếm trên 50% du khách đến Việt Nam hiện nay là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn chưa sẵn sàng mở cửa.

So với Singapore đặt ra 2,34 triệu, Thái Lan đặt ra 5,6 triệu, Malaysia đặt ra 3,4 triệu thì rõ ràng chúng ta đặt mục tiêu 5 triệu là rất cao trong bối cảnh thị trường đang rất khó khăn, đặc biệt sau dịch còn những khó khăn về địa chính trị cũng như xăng dầu, đứt gẫy trong chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành du lịch.

Đối với riêng thị trường du lịch trong nước, Vietravel đã phục hồi được 130% thị phần, đạt doanh thu bằng trước dịch. 

Chi phí tăng nhanh nhưng doanh thu tăng không tương ứng

Đối với ngành hàng không, ông Phạm Việt Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay, thị trường hàng không Việt Nam trên đà phục hồi nhưng chưa đồng đều ở các phân khúc.

Thị trường nội địa đã phục hồi hoàn toàn so với trước khi dịch bệnh bùng phát, thị trường quốc tế phục hồi rất chậm. Vận chuyển hành khách trong nước tăng 12% so với năm 2019. Vận chuyển hàng hoá quốc tế tăng nhưng nội địa giảm.

Tuy nhiên, doanh thu lại không tương ứng, do giá nhiên liệu và một số giá đầu vào tăng lên, các hãng hàng không vẫn bị lỗ và tính thanh khoản không được cải thiện nhiều.

Sự phục hồi không đồng đều ở các doanh nghiệp trong ngành hàng không, trong các chuỗi cung ứng ngành hàng không, trong khi các doanh nghiệp kinh doanh trong vận chuyển hạ tầng có sự phục hồi mạnh mẽ nhưng các hãng hàng không, các doanh nghiệp cung ứng vận chuyển hành khách vẫn gặp khó khăn, phải giải quyết những vấn đề bất lợi của dịch bệnh để lại, đặc biệt là sự mất cân đối của dòng tiền trong 2 năm dịch bệnh bùng phát.

Hiện nay, hàng không đã phục hồi trở lại, đặc biệt các mảng hàng không có tần suất bay cao, như tại Cảng hàng không Phú Quốc đạt 100 chuyến bay/ngày, vượt cả Cam Ranh. Các doanh nghiệp hàng không chuẩn bị khá kịp thời cho giai đoạn phục hồi, các ngành hàng không đã tích cực chuẩn bị, mở các đường bay mới… Để đối phó với những khó khăn này, các doanh nghiệp đã có những thay đổi quan trọng, đặc biệt trong việc tái cấu trúc để thích ứng với xu hướng mới.

Tuy nhiên, trên thế giới diễn ra xung đột khiến các hãng hàng không phải điều chỉnh bay vòng, bay xa. Đồng thời, giá xăng dầu ở mức cao cũng như tình hình dịch bệnh còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại là những yếu tố gây ảnh hưởng rất lớn đến hàng không.

Nhiều nước vẫn thận trọng trong việc mở cửa bầu trời, đặc biệt là những nước có lượng khách lớn đến với Việt Nam, khiến thị trường hàng không mất một lượng khách lớn, chậm quá trình phục hồi các đường bay quốc tế.

Một yếu tố nữa liên quan đến cơ sở hạ tầng của ngành hàng không dù được tăng cường rất nhiều, nhưng chưa hoàn toàn đáp ứng, còn những điểm nghẽn về hạ tầng, đặc biệt đối với những sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài.

Do đó, Hiệp hội Hàng không Việt Nam khiến nghị, Chính phủ cần phối hợp hoạt động của các cơ quan nhà nước, điều tiết kết cấu hạ tầng, giải quyết triệt để tắc nghẽn ở các sân bay lớn cũng như đẩy nhanh tốc độ phát triển hạ tầng hàng không.

Về cơ chế chính sách, cần thiết phải sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách của ngành hàng không, kể cả nguồn xã hội hoá nguồn vốn đầu tư cho các cơ sở hạ tầng của ngành..

Về thị trường quốc tế, cần sớm khôi phục lại đẩy mạnh giao thông hàng không với các quốc gia có lượng khách lớn vào Việt Nam, mở rộng thêm những tuyến, đường bay quốc tế, tích cực triển khai các chương trình quảng bá để cải thiện hình ảnh quốc gia, thu hút khách đến Việt Nam.

Đối với thị trường trong nước, hiệp hội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu và điều chỉnh khung giá trần nội địa nội địa cho các hãng hàng không và kiểm soát các hãng mới. Tiếp tục duy trì các chính sách hỗ trợ, liên quan đến miễn giảm thuế đất,…

chọn
Thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua (11/1 - 17/1): Thủ tướng yêu cầu khởi công toàn bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng trong quý I
Thủ tướng yêu cầu khởi công cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Hà Nội khởi công đường Tây Thăng Long qua Đan Phượng; gần 4.000 tỷ đồng bồi thường, TĐC cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành qua Bình Phước... là những thông tin quy hoạch nổi bật tuần qua.