Theo tin tức trên báo Sài Gòn Giải Phóng, tính từ năm 1993 đến nay, Việt Nam đã thực hiện thành công tổng cộng hơn 1.200 ca ghép thận cho những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối. Tuy nhiên, con số đó chỉ là “muối bỏ bể” so với nhu cầu hiện nay. Ước tính, theo Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng gần 15.000 trường hợp suy thận cần được ghép.
Suy thận mạn tính hay còn gọi là bệnh thận mạn, là quá trình suy giảm chức năng thận dưới mức bình thường. Khi mắc bệnh suy thận mạn tính, thận không thể loại bỏ các chất thải cũng như mất chức năng kiểm soát lượng nước của cơ thể, lượng muối trong máu và canxi. Các chất thải sẽ tồn đọng trong cơ thể và gây hại cho người bệnh.
Bệnh suy thận mạn tính thường xảy ra đột ngột và phát triển từ từ. Bệnh tiến triển chậm và thường không xuất hiện triệu chứng cho tới khi đã ở tình trạng nguy hiểm gây hại cho người bệnh.
Suy thận mạn tính là một bệnh phổ biến liên quan đến quá trình lão hoá. Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh của bạn càng cao.
Thông tin trên báo Sài Gòn Giải Phóng, PGS-TS Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc BV Chợ Rẫy, cho biết số bệnh nhân suy thận được khám và điều trị tại BV cũng không ngừng tăng lên trong các năm qua. Theo số liệu từ Khoa Tiết niệu của BV Chợ Rẫy, ngoài số bệnh nhân suy thận thể nhẹ điều trị ngoại trú, hiện trong khoa chạy thận nhân tạo và các cơ sở liên quan khác của BV phục vụ cho hơn 10.000 bệnh nhân bị suy thận nặng, giai đoạn cuối.
|
Theo các bác sĩ chuyên khoa thận - niệu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận nhưng các trường hợp phổ biến là mắc bệnh lý về viêm cầu thận. Hiện ngoài số bệnh nhân thường trú tại TPHCM, các BV Bình Dân, Nhân dân 115, Chợ Rẫy còn tiếp nhận một lượng không nhỏ bệnh nhân từ các tỉnh, thành khác.
Tại BV Nhân dân Gia Định, khoa Thận - tiết niệu luôn đầy ắp bệnh nhân liên quan đến suy thận, trong đó đa số bệnh nhân bị bệnh cầu thận kèm theo các bệnh lý khác như tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường. Theo GS-TS Trần Ngọc Sinh, Hội Niệu - thận học TPHCM, có nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận và nếu không có những biện pháp điều trị kịp thời, có thể bị suy thận mạn giai đoạn cuối, trong đó cao huyết áp, tiểu đường và các bệnh lý về cầu thận vẫn là những nguy cơ chính.
Suy thận thường không có triệu chứng ban đầu và phát triển từ từ. Các dấu hiệu và triệu chứng muộn có thể bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy và ăn không ngon miệng.
Một số triệu chứng khác như cảm giác bơ phờ, thở gấp, các vấn đề về miệng, đau dạ dày, tê, ngứa ran, nóng đốt chân và tay, giảm ham muốn tình dục, không có kinh nguyệt, thiếu máu, đau cơ và xương.
Ngoài ra, người bệnh còn gặp một số tình trạng như ngủ không ngon, trầm cảm, động kinh, ngẩn ngơ và hôn mê; ngứa, huyết áp bất thường, và các vấn đề về chảy máu cũng có thể xảy ra.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ khi bạn gặp phải bất kì triệu chứng nào của suy thận mạn tính như buồn nôn, tiêu chảy, các vấn đề về dạ dày, ngứa ra chân tay, ngủ không ngon, động kinh hoặc các triệu chứng nêu trên. Cơ địa và tình trạng bệnh lý có thể khác nhau ở nhiều người. Hãy luôn thảo luận với bác sĩ để được chỉ định phương pháp chẩn đoán, điều trị và xử lý tốt nhất dành cho bạn.;
Trao đổi trên báo VnExpress, theo bác sĩ Trương Minh Tú, phó khoa Nội thận - lọc máu, Bệnh viện quận Thủ Đức, thận được coi là bộ máy lọc chất độc trong máu ra khỏi cơ thể. Một khi chức năng của cơ quan này suy giảm, độc tố sẽ tích tụ gây bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ.
Với phần lớn người bệnh, suy thận mạn tính dường như là "bản án tử", bởi thời điểm phát hiện bệnh đã đến giai đoạn cuối. Bệnh này đặc biệt nguy hiểm bởi diễn tiến âm thầm, ở giai đoạn sớm không có triệu chứng, chỉ khi mất đến 90% chức năng thận (giai đoạn cuối), cơ thể mới bộc phát các dấu hiệu. Lúc này người bệnh chỉ còn 3 cách để tiếp tục sự sống là ghép thận (rất tốn kém và khó khăn), chạy thận hay còn gọi là lọc máu nhân tạo, lọc màng bụng (thẩm phân phúc mạc).
Cuộc sống của những bệnh nhân suy thận rất khắc nghiệt. Do cơ thể không thể tự bài tiết nên chế độ ăn uống phải được kiểm soát chặt chẽ. Đối với những người không đủ điều kiện ghép thận thì việc lọc máu nhân tạo là cứu cánh duy nhất để họ duy trì sự sống, song mặt khác cũng bào mòn sức khỏe của họ mỗi ngày.
Bệnh không có thuốc chữa nên những người này đành phải "sống chung với lũ", suốt đời gánh chịu nỗi đau bệnh tật và gánh nặng về kinh tế, tinh thần.
Các bác sĩ cũng khẳng định, thận có khả năng hoạt động bù trừ nên phải sau một thời gian tổn thương kéo dài, điều trị không đúng cách mới dẫn tới suy thận mãn. Và đa số những nguyên nhân gây suy thận mãn đều có thể được điều trị và đạt kết quả tốt nếu phát hiện sớm.
Theo các bác sĩ chuyên khoa thận - niệu, suy thận được chia làm 4 giai đoạn và khi chuyển sang giai đoạn cuối (chức năng lọc và thải chất độc của thận không còn hoạt động) thì chỉ còn cách áp dụng các biện pháp thay thế hỗ trợ tích cực khác, chủ yếu chạy thận nhân tạo. Đây được xem là biện pháp tích cực và áp dụng phổ biến hiện nay. Bên cạnh chạy thận nhân tạo, hiện một số BV cũng đã áp dụng phương pháp thẩm phân phúc mạc (mổ ổ bụng và đặt ống dẫn giữa lá tạng và lá thành của màng bụng để đưa dịch vào trao đổi điện giải, lọc bỏ chất độc) trong điều trị suy thận mạn…
Trước thực trạng trên, các chuyên gia y tế nhìn nhận công tác dự phòng có vai trò quan trọng để giảm tỷ lệ người mắc suy thận mạn cũng như kéo dài sự sống khi mắc phải. Trước hết, cần xác định các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ như có tiền sử mắc bệnh đái tháo đường (tuýp 1 hoặc tuýp 2), cao huyết áp, viêm bể thận.
Ngoài ra, bệnh thận đa nang (nhiều u nang trong thận); rối loạn tự miễn như hệ thống lupus đỏ; xơ cứng động mạch; tắc nghẽn đường tiết niệu hay sử dụng quá nhiều thuốc được chuyển hóa qua thận… cũng dẫn đến suy thận mạn. Các chuyên gia thận - niệu khuyến cáo một số dấu hiệu của suy thận mạn là: Tăng tiểu tiện (đặc biệt vào ban đêm); giảm đi tiểu; xuất hiện máu trong nước tiểu (hiếm gặp); nước tiểu đục hoặc màu trà…