Loại máy được tài xế săn tìm là để sử dụng kiểm tra nồng độ cồn vào sáng hôm sau, tức là đã qua một đêm...nhậu.
Cánh tài xế xe công nghệ bắt đầu rộ lên trào lưu mua máy đo nồng độ cồn cá nhân. Anh Nghĩa, tài xế GrabBike tại Bình Chánh (TP HCM), vừa tậu cho mình một máy với giá 480.000 đồng. Anh cho biết đây là một cách ứng phó với Nghị định số 100/2019 có hiệu lực từ đầu năm, về xử phạt khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở, đang là vấn đề nóng.
Hiện tại, máy đo nồng độ cồn dễ tìm mua trên Facebook hay các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo, Tiki… Máy đo nồng độ cồn cá nhân được thiết kế nhỏ gọn, sử dụng pin tiểu AAA. Theo quảng cáo của nhiều nơi bán, máy có thể đo nhanh trong 10 giây. Phạm vi đo theo lít khí thở từ: 0.0 -1.9g/l và 0.00 - 0.19% BAC.
Thao tác kiểm tra nồng độ cồn không khác gì các máy được lực lượng chức năng sử dụng. Ngoài ra, nhiều mẫu còn kèm 5 ống thổi riêng, dễ vệ sinh để tái sử dụng.
Trên Shopee, chỉ cần nhập từ khoá "máy đo nồng độ cồn" là xuất hiện đến hàng trăm đơn vị bán máy đo nồng độ cồn. Giá bán dao động từ 49.000 đồng/máy cho đến loại rất đắt: 23,5 triệu đồng.
Theo anh Nghĩa, cánh tài xế thường mua loại có giá hơn 200.000 đồng, ai mua loại cao giá hơn thì được gọi là "xế sang trong làng... né Nghị định".
Bỏ vài trăm nghìn để mua về máy đo nồng độ cồn, anh giải thích: "Nhiều người nhầm tưởng chúng tôi mua về để đo sau khi uống rượu. Lúc đó thì đo làm gì, ai mà không rõ mình đã say! Chúng tôi mua để sáng hôm sau khi ngủ dậy, phải kiểm tra lại xem cơ thể còn nồng độ cồn không trước khi lái xe đi làm".
Theo anh, khoản tiền vài trăm nghìn mua máy này xứng đáng, vì vừa an toàn cho bản thân và khách hàng, vừa tránh bị lực lượng chức năng phạt tiền. Không may tối hôm trước nhậu quá đà, sáng mai vẫn đi làm mà người còn cồn thì bị phạt còn nặng hơn tiền mua máy.
Trên Tiki cũng đang bày bán khá nhiều máy đo nồng độ cồn các loại. Sàn phẩm này cũng đang được khuyến mãi giảm giá từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Mức giá thấp nhất của loại máy này bán trên Tiki là 79.000 đồng (đã giảm 7%, giá gốc 85.000 đồng), loại có giá cao khoảng 870.000 đồng và đang giảm giá còn 749.000 đồng (giảm 14%). Hầu hết các loại máy cầm tay có giá rất rẻ, chỉ vài chục đến dưới 200.000 đồng.
Theo Nghị định 100, mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/l khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Ngay cả người điều khiển xe đạp, xe thô sơ cũng bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.
Đa dạng chủng loại nhưng các loại máy đo nồng độ cồn dưới 100.000 đồng được nhiều người mua, và phản hồi có chất lượng không tốt. Như loại máy không có thương hiệu của một đơn vị bán trên Shopee tại Hà Nội, đang có giá chỉ 67.000 đồng. Một người mua phàn nàn: "Nhìn thấy đẹp, nhỏ gọn, nhưng không thấy hiệu quả đâu cả. Thổi phồng mồm mà không thấy báo gì hết".
Anh Nghĩa cũng cho biết có nhiều đồng nghiệp chạy Grab, GoViet… ham rẻ chọn máy kém chất lượng. Các loại máy này thường có xuất xứ Trung Quốc, hầu như không có cảm biến đo lường bên trong, mà chỉ có các bộ phận bên ngoại tạo hình thành chiếc máy.
Riêng loại máy 23,5 triệu đồng của một nhà bán hàng ở Hà Nội, tên M&MPro ATAMT8100, có kèm theo cả máy in phiếu kết quả. Máy này có phạm vi đo độ cồn trong khoảng 0,000 - 2.000mg/l.
Theo nhà bán này, máy được sản xuất tại Trung Quốc nhưng theo dây chuyền công nghệ của thương hiệu M&MPro Mỹ, có hoá đơn chứng thực rõ ràng và được bảo hành trong 2 tháng.
"So với các loại máy rẻ tiền, mẫu này lí tưởng cho việc chế biến hoa quả, sản xuất rượu,… Ngoài ra, nhiều khách sang cũng hay mua máy về để theo dõi sức khoẻ cá nhân", đại diện đơn vị bán hàng chia sẻ.
Mới lập trang fanpage bán hàng cách đây hơn một tuần, anh Hải (Hà Nội) cho biết đã có đến hàng trăm khách quan tâm về sản phẩm. Hiện anh đang bán 2 mẫu đến từ Hanwei Sensor - nhà sản xuất cảm biến khí ga và cảm biến nồng độ cồn hàng đầu Trung Quốc.
Anh cho biết: "Mẫu 490.000 đồng sử dụng chip bán dẫn, còn mẫu 980.000 đồng sử dụng clip full fuel cell, tương tự các mẫu mà lực lượng chức năng hay dùng, độ chính xác cao hơn nhiều so với mẫu kia".
Ngay trong ngày đầu mở bán, anh đã nhận đến 18 đơn hàng. Đến nay, mỗi ngày anh có thêm khoảng 20 đơn đặt hàng máy đo nồng độ cồn, chủ yếu vẫn là mẫu dùng chip bán dẫn. Hầu hết là các tài xế công nghệ, chỉ lác đác vài khách lẻ mua về dùng.
Theo Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Cục Cảnh sát giao thông, các máy đo nồng độ cồn được lực lượng giao thông sử dụng được nhập chủ yếu từ Đức, Australia. Tất cả đều thoả mãn chất lượng đo lường do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành và được kiểm định rõ ràng.