Kẹo giải độc rượu, đồng phục Grab, máy đo nồng độ cồn được dân nhậu săn lùng đối phó với cảnh sát giao thông

Nghị định số 100 xử phạt nặng hành vi lái xe có nồng độ cồn có hiệu lực thì ngay lập tức nhiều “bợm nhậu” đổ xô tìm các sản phẩm “giải rượu”. Có người còn nghĩ đến việc mua đồng phục tài xế công nghệ để giả dạng, ít bị cảnh sát giao thông “để ý”.

Vấn đề nóng đang thu hút nhiều người là Nghị định số 100/2019, được áp dụng ngay từ1/1/2020 về việc xử phạt nặng lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở.

Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/l khí thở) đối với người điều khiển ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Phạt đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. 

Ngay cả người điều khiển xe đạp, xe thô sơ cũng bị phạt từ 400.000-600.000 đồng.

Mức phạt nghiêm và "gắt" này đang khiến "dân nhậu" đổ xô săn lùng, tìm ra những cách đối phó với cảnh sát giao thông ngay dịp Tết.

Kẹo giải độc rượu biến thành kẹo giải rượu, tăng tửu lượng

Kẹo giải rượu, đồng phục Grab, Go-Viet lậu được dân nhậu săn lùng để tránh phạt - Ảnh 1.

"Kẹo giải rượu" được quảng cáo "xả" hết độ cồn trong người chỉ sau 1 giờ. (Ảnh: Facebook/P.T.L).

Nổi bật là sản phẩm được nhiều người bán đặt tên "kẹo giải rượu Hàn Quốc". Được quảng bá với thành phần chính là tinh chất bột nghệ. Theo đó, kẹo được khẳng định sẽ giúp "xả" nhanh lượng cồn trong máu, giúp uống rượu lâu say hơn, cũng như giải say nhanh chóng.

Tìm kiếm cụm từ "kẹo giải rượu" dễ dàng tìm thấy hàng trăm người bán trên Facebook. Ngay cả một số fanpage cũng đã được lập ra trong những ngày gần đây, để bán chuyên loại kẹo này.

Theo thông tin của một số người bán, nếu dùng kẹo trước 15 phút, người dùng sẽ tăng tửu lượng, uống được nhiều rượu, bia hơn bình thường. Sau khi nhậu, dùng kẹo trong 60 phút sẽ "giải" hầu hết chất cồn trong cơ thể. Tuỳ vào độ say mà cân nhắc dùng 1-3 viên mỗi lần.

Giá loại kẹo này chênh lệch rất lớn. Có đơn vị trên Shopee chỉ bán 45.000 đồng/gói 3 viên, có người bán trên Facebook đến 170.000 đồng/gói 3 viên.

Theo tìm hiểu, loại kẹo này có tên là Ready Q Chew, là sản phẩm của Công ty HanDok, một công ty chuyên về các sản phẩm sức khoẻ của Hàn Quốc. Theo lời giới thiệu trên trang web của công ty, dòng sản phẩm này "là người dẫn đầu xu hướng thị trường mới trong phương thuốc giải rượu".

Ready Q được ra mắt vào năm 2014 tại Hàn Quốc, với hai dòng: nước uống và kẹo ngậm. Dòng sản phẩm này chiết xuất curcumin từ tinh bột nghệ, và biến đổi thành dạng thera cumin để cơ thể hấp thụ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, công ty nhấn mạnh thành phần thera cumin có tác dụng giải độc, chữa ngộ độc rượu… chứ không hề đề cập đến việc "giải rượu".

Kẹo giải rượu, đồng phục Grab, Go-Viet lậu được dân nhậu săn lùng để tránh phạt - Ảnh 2.

Ngoài kẹo giải độc rượu còn có dạng nước uống. (Ảnh: Naver/Jiminpapa).

Trên trang thương mại điện tử của công ty này, sản phẩm kẹo có giá bán khoảng 60.000 đồng/gói 3 viên.

Theo Công ty CP quốc tế Q Pharma, đơn vị phân phối chính thức sản phẩm của Công ty HanDok tại Việt Nam, trên thị trường chỉ có dòng sản phẩm nước giải độc rượu và nước giải độc gan, là được đảm bảo chính hãng từ HanDok. Khác với kẹo, nước giải độc rượu có hàm lượng thera cumin lên đến 166 mg, thay vì chỉ 100 mg.

Đại diện đơn vị này cho biết theo phản hồi của khách đã sử dụng, nước uống cũng có công dụng giải rượu bia sau khi say. Tuy nhiên, phía Q Pharma nhấn mạnh sản phẩm này chỉ hỗ trợ "có hiệu quả" chứ không đảm bảo có thể giải rượu bia hoàn toàn.

Săn đồng phục để giả dạng tài xế Grab, Go-Viet, be

Ngoài việc săn lùng "kẹo giải rượu", những ngày qua, đồng phục xanh, đỏ, vàng của ba hãng gọi xe công nghệ lớn nhất cả nước cũng đang được nhiều "bợm nhậu" tìm mua. Trên các hội nhóm Facebook của cộng đồng tài xế công nghệ, không khó để tìm thấy các bài đăng hỏi mua đồng phục, gồm áo khoác và mũ bảo hiểm của Grab, Go-Viet, be. 

Theo một người có bán đồng phục tài xế công nghệ, lúc trước, giá bán mỗi bộ đồng phục vào khoảng 120.000 - 170.000 đồng. Tuy nhiên, kể từ ngày nghị định xử phạt nặng việc lái xe khi có rượu bia đi vào thực tiễn, anh và một số người bán khác "không hẹn mà gặp" cùng tăng giá lên đến 150.000 - 230.000 đồng/bộ.

Người này cho biết nguồn hàng chủ yếu đến từ những tài xế bị các hãng xe từ chối hợp tác, hoặc đã bỏ nghề. Chênh lệch giá mua vào và bán ra, anh thường lời khoảng 20.000 - 50.000 đồng mỗi bộ.

Kẹo giải rượu, đồng phục Grab, Go-Viet lậu được dân nhậu săn lùng để tránh phạt - Ảnh 3.

Áo Grab đang được săn lùng trên các hội nhóm tài xế công nghệ. (Ảnh chụp màn hình).

Nhưng anh cũng cho biết thêm một số người bán với số lượng lớn đặt các xưởng may làm lậu những bộ đồng bộ này. "Lúc trước, nhu cầu chủ yếu từ các tài xế lỡ làm hỏng hoặc làm mất đồng phục. Nay khách hàng chắc sẽ mở rộng thêm từ dân nhậu, cả tuần nay tôi cũng bán được 3-5 bộ cho họ", anh nói.

Ngoài các hội nhóm mạng xã hội, đồng phục tài xế công nghệ dễ dàng tìm mua được trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Sendo,… Giá bán trên các sàn này cũng chênh lệch nhiều, thấp nhất vào khoảng 160.000 đồng/bộ, cao nhất lên đến 260.000 đồng/bộ.

Kẹo giải rượu, đồng phục Grab, Go-Viet lậu được dân nhậu săn lùng để tránh phạt - Ảnh 4.

Dễ dàng tìm mua đồng phục Go-Viet trên Shopee. (Ảnh chụp màn hình).

Tuy nhiên, đây là hành vi không đúng theo quy định, chính sách của các hãng gọi xe. Hiện nay, các hãng đều có quy trình tuyển chọn đối tác chặt chẽ và nghiêm túc. Chỉ những đối tác có nhân thân rõ ràng, đầy đủ hồ sơ, đạt yêu cầu với bài kiểm tra về kiến thức, kĩ năng phục vụ khách hàng mới có thể tham gia hợp tác làm tài xế công nghệ.

Trong suốt quá trình hợp tác, đối tác mua đồng phục hoặc được hỗ trợ mua và chỉ được sử dụng đồng phục này trong các chuyến xe được thực hiện trên nền tảng ứng dụng của hãng.

"Theo như thỏa thuận, khi ngưng hợp tác, đối tác cần hoàn trả đồng phục cho chúng tôi và sẽ được thanh toán lại 50% chi phí mua đồng phục khi thanh lí hợp đồng. Hơn hết, chúng không hợp tác với bất kì đơn vị nào khác để triển khai bán riêng lẻ đồng phục của hãng", đại diện một hãng gọi xe khẳng định.

Vị này cũng cho biết, đơn vị của mình sẽ tích cực đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lí triệt để tình trạng buôn bán đồng phục và giả mạo đồng phục của hãng.

Theo VTC News, loại máy đo nồng độ cồn cũng đang được nhiều người lùng mua để đối phó với mức xử phạt được cho là quá cao với tài xế lái xe khi nồng độ cồn vượt mức cho phép. Máy đo nồng độ cồn khá dễ mua trên mạng và một số siêu thị điện máy, với giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Xuất xứ của sản phẩm chủ yếu đến từ Hàn Quốc và Singgapore với thời gian bảo hành 12 tháng cho máy và 6 tháng cho bộ cảm biến.

Loại máy được nhiều người mua nhất là máy iblow10 của Hàn Quốc, có giá dưới 5 triệu đồng, với cách sử dụng đơn giản và cho kết quả chính xác cao. Ngoài cá nhân thì các đơn vị kinh doanh vận tải cũng chủ động mua, để thường xuyên kiểm tra lái xe của đơn vị mình, tránh tình trạng bị phạt nặng khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra.


chọn
Nơi quy hoạch tổ hợp nhà ở của HanoiHouse tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu
Tại góc ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Tô Hiệu có một khu đất hơn 0,2 ha, được quy hoạch cho dự án nhà ở thấp tầng và cao tầng. Chủ cũ của dự án này trước đây là Indeco, sau nhiều năm chậm triển khai đã chuyển giao cho chủ mới là HanoiHouse.