Theo Nghị định số 100/2019 áp dụng từ ngày 1/1, khi lái xe có nồng độ cồn trong máu, hơi thở sẽ bị xử phạt nặng.
Mức xử phạt cao nhất (khi nồng độ cồn trên 0,4 mg/lít khí thở) đối với người điều khiển xe ô tô từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; đối với người điều khiển xe mô tô từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng; người điều khiển xe đạp, xe thô sơ từ 400.000-600.000 đồng.
Trước tình trạng này, nhiều diễn đàn, nhóm trên mạng xã hội đã có những tranh luận về việc nên di chuyển như thế nào sau khi uống rượu để đảm bảo an toàn và không vi phạm pháp luật. Nhiều người chia sẻ việc gọi xe ôm hay taxi công nghệ về nhà đơn giản, chi phí không đắt. Tuy nhiên, sẽ có vướng mắc khi người uống rượu, bia muốn đưa cả xe của mình về nhà.
Một nhóm đáp ứng nhu cầu này đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Có tên "Say gọi xế - Xế nhận say", đây là nhóm kết nối giữa người vừa uống rượu bia và tài xế. Theo mô tả của nhóm, đây là mô hình kết nối tương tự như những nhóm tìm người giao hàng: người cần đưa về cung cấp thông tin về khu vực, còn tài xế phải cung cấp số điện thoại và phải có bằng lái xe.
"Nhóm ra đời với mục đích kết nối dịch vụ giữa người uống rượu cần tìm xế chở hoặc lái xe về và ngược lại. Khách uống rượu nổ thông tin địa chỉ, số điện thoại; xế nhận bình luận số điện thoại, bằng lái xe. Thông tin kết nối giữa 2 bên sẽ được lưu lại trong group để xử lý nếu có phát sinh sự cố trong quá trình vận chuyển phương tiện và hành khách", anh Minh Đức, chủ nhóm mô tả cách hoạt động.
Nhóm "Say gọi xế" mới lập ra được hơn 1 ngày, do vậy các quy định và cách hoạt động vẫn chưa được thống nhất rõ ràng. Một điểm nữa là mức phí cho dịch vụ đón và lái xe về cũng chưa được công khai.
Ngoài các nhóm trên mạng xã hội, một số công ty đã cung cấp dịch vụ đưa khách về nhà khi uống rượu bia.
Ứng dụng Rada có mục "Cứu hộ giao thông", trong đó có dịch vụ đón khách về nhà và đảm bảo đưa phương tiện về bãi đỗ. Biểu phí cho việc đưa người và xe về nhà đối với xe máy là 300.000 đồng/lượt, còn với xe hơi là 500.000 đồng/lượt.
Năm 2017, dịch vụ có tên Bạn uống tôi lái cũng được triển khai. Dịch vụ này cho phép người uống rượu đặt trước người lái xe về, với phí từ 200.000 đồng/30 phút. Tuy nhiên, tới năm 2019 thì dịch vụ này đã ngừng hoạt động.