Những ngày này, việc Luật phòng chống tác hại của rượu, bia (Nghị định 100/2019) bắt đầu được thực thi đang trở thành điểm nóng trong dư luận. Hầu hết đều đồng tình rằng, quy định mới này sẽ nâng cao ý thức người dân, góp phần quan trọng làm thay đổi thói quen uống rượu, bia của nhiều người tham gia giao thông ở Việt Nam, đặc biệt là nam giới.
Tuy vậy, quy định mới khiến rất nhiều người có tâm lí lo lắng bị xử phạt nặng, dù trong nhiều trường hợp không phải cố tình vi phạm. Chính vì thế, hiện không ít người "rỉ tai nhau" biện pháp phòng tránh, đó là tìm mua máy đo nồng độ cồn để chủ động tự kiểm tra cho mình trước khi tham gia giao thông.
Anh Linh ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ: “Quả thật mấy ngày hôm nay tôi khá lo lắng, dù rất ủng hộ và đồng tình với quy định mới, vì quy định này sẽ giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, do đặc thù công việc phải đi ngoại giao, tiếp khách nhiều, lại là dịp cuối năm, nên tôi khó tránh được việc dùng rượu bia.
Việc thuê xe hay taxi đưa đón cũng khá bất tiện, nhất là khi tôi thường không uống nhiều, chỉ một, vài chén cho vui. Vì thế, tôi khá lo bị phạt nặng mỗi lần không may vi phạm như thế. Sau một vài ngày tham khảo, tôi quyết định mua máy đo nồng độ cồn để tự kiểm tra mỗi khi đi tiếp rượu đối tác.
Nếu vẫn ở ngưỡng cho phép, tôi sẽ vẫn tham gia lưu thông. Còn ngược lại, tôi sẽ tìm cách khác để tránh phạm luật".
Có lẽ cũng vì nhiều người có tâm lí, suy nghĩ như anh Linh nên mặt hàng này đang khá hút khách.
Theo tìm hiểu VTC News, máy đo nồng độ cồn được mua khá dễ dàng trên mạng và một số siêu thị điện máy với giá dao động từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Xuất xứ của sản phẩm chủ yếuđến từ Hàn Quốc và Singgapore với thời gian bảo hành 12 tháng cho máy và 6 tháng cho bộ cảm biến.
Anh Long, nhân viên kinh doanh siêu thị Hải Minh (quận Thanh Xuân) cho biết: "Trước kia, mỗi ngày chúng tôi chỉ bán được 1 đến 2 máy, thậm chí có ngày không bán được sản phẩm nào. Nhưng mấy hôm nay lượng người mua và hỏi mua tăng đột biến. Có ngày cửa hàng bán được gần hai chục sản phẩm”.
Cũng theo anh Long, loại máy được nhiều người mua nhất là máy iblow10 của Hàn Quốc. Mẫu này có giá dưới 5 triệu đồng. Anh Long cho biết cách sử dụng loại máy này cũng khá đơn giản và cho kết quả chính xác cao.
Khi được hỏi với mức giá khá cao, tại sao lại sẵn sàng bỏ tiền mua máy đo nồng độ cồn, anh Thanh ở Hà Đông, Hà Nội vui vẻ giải thích: "Với mức phạt khá cao, lên đến 40 triệu đồng, cùng với việc bị tước giấy phép lái xe thì chỉ vi phạm một lần, tiền nộp phạt cũng đã vượt nhiều lần số tiền mua máy".
Trong khi đó, anh Long khẳng định nhiều ngày nay, khách mua máy đo nồng độ cồn tăng nhanh. Ngoài các cá nhân thì các đơn vị kinh doanh vận tải cũng chủ động mua để thường xuyên kiểm tra lái xe của đơn vị mình, tránh tình trạng bị phạt nặng khi bị cảnh sát giao thông kiểm tra.
Chị Bảo Yến, chủ một đơn vị kinh doanh vận tải ở Hà Nội cho biết: “Chúng tôi kinh doanh vận tải nên dù đã cấm tuyệt lái xe sử dụng rượu bia, nhưng cũng khó kiểm soát được triệt để. Việc mua máy đo nồng độ cồn có thể giúp chúng tôi chủ động kiểm tra đội ngũ tài xế, yêu cầu họ thực hiện nghiêm quy định pháp luật.
Với những người vi phạm, chúng tôi cũng dễ dàng phát hiện, kiểm soát và xử lí kịp thời, không cho phép tài xế đó điều khiển phương tiện giao thông".
Tuy nhiên, chị Yến thừa nhận, điều này vẫn cần ý thức tự giác của chính những người tham gia lưu thông.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 100/2019/NĐ-CP thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 1/1/2020, quy định mức xử phạt cao hơn nhiều đối với nhiều vi phạm giao thông.
Điểm đáng chú ý, Nghị định mới tăng mức xử phạt tối đa đối với các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn.
Cụ thể, đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Với người điều khiển xe máy sẽ bị phạt 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng. Người điều khiển xe đạp, xe thô sơ vi phạm như trên sẽ bị phạt từ 400.000 - 600.000 đồng.
Trong khi đó, Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước kia quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng.