Tạm đình chỉ vụ án do bị cáo mắc bệnh tâm thần khi nào?

Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự (nếu người yêu cầu đưa ra được các chứng cứ xác đáng).

Theo thông tin báo chí đăng tải, mới đây gia đình hoa hậu quý bà Trương Thị Tuyết Nga đã có đơn gửi tới TAND cấp cao tại TP HCM yêu cầu tòa giám đình tâm thần đối bà Nga.

Về mặt pháp lý, cho tôi hỏi căn cứ nào để xác định một người bị bệnh tâm thần và trường hợp nào Tòa án có quyền ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi mà bị cáo bị bệnh tâm thần?

Độc giả: Lê Thị Trinh

tam dinh chi vu an do bi cao bi benh tam than khi nao
Hoa hậu quý bà Tuyết Nga bị tòa sơ thẩm tuyên phạt 15 năm tù - Ảnh: La Hồng

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Căn cứ để xác định người bị bệnh tâm thần

Về năng lực hành vi dân sự: Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ trừ trường hợp là người mất năng lực hành vi dân sự theo Điều 22 Bộ luật Dân sự (Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định) hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo Điều 23 Bộ luật Dân sự (Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự). Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự (nếu người yêu cầu đưa ra được các chứng cứ xác đáng).

Như vậy, trường hợp của hoa hậu quý bà, phải có kết luận của tổ chức giám định về việc "Người này bị tâm thần" thì gia đình hoa hậu quý bà có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định.

Về vấn đề thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ vụ án vì bị cáo bị bệnh tâm thần

Tạm đình chỉ vụ án là Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà tạm thời chưa quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc đã quyết định đưa vụ án ra xét xử thì tạm dừng việc mở phiên toà.

Theo quy định tại Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự thì Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự là quy định về tạm đình chỉ điều tra nên khi áp dụng Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự để tạm đình chỉ vụ án, một mặt Thẩm phán phải căn cứ vào quy định của Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự mặt khác phải căn cứ vào thực tế vụ án đang ở giai đoạn chuẩn bị xét xử để áp dụng cho phù hợp.

Ví dụ: Điều 160 quy định trong trường hợp chưa xác định được bị can thì tạm đình chỉ điều tra, nhưng không thể có trường hợp chưa xác định được bị cáo để tạm đình chỉ vụ án được, vì khi Viện kiểm sát đã truy tố ra Toà án bằng một bản cáo trạng là đã xác định người phạm tội là ai rồi.

Nếu Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà lại chưa biết người bị truy tố có phải là người phạm tội hay không thì không được tạm đình chỉ vụ án mà tuỳ trường hợp Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung hoặc mở phiên toà xét xử. Nếu kết quả xét xử tại phiên toà cũng không đủ căn cứ xác định người bị truy tố là người phạm tội thì phải tuyên bố bị cáo không phạm tội. Như vậy, Thẩm phán tạm đình chỉ vụ án khi có các căn cứ sau:

- Bị can, bị cáo bị bệnh tâm thần và không thuộc trường hợp không có trách nhiệm hình sự hoặc bị bệnh hiểm nghèo khác có chứng nhận của hội đồng giám định pháp y. Trong trường hợp Toà án đã trưng cầu giám định tâm thần hoặc giám định pháp y, nhưng chưa có kết quả giám định mà hết thời hạn xét xử thì Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và việc giám định vẫn tiếp tục được tiến hành cho đến khi có kết quả. Sau khi có kết quả, tuỳ trường hợp mà Thẩm phán quyết định đưa vụ án ra xét xử (nếu bị cáo không mắc bệnh tâm thần) hay quyết định bắt buộc chữa bệnh (nếu bị cáo bị bệnh tâm thần).

Đối với bị cáo bị bệnh hiểm nghèo nhưng Hội đồng giám định pháp y kết luận không phải là bệnh hiểm nghèo, nhưng cần phải có thời gian điều trị, thì Thẩm phán có thể chưa huỷ bỏ quyết định tạm đình chỉ mà đợi sức khoẻ của bị cáo ổn định mới đưa vụ án ra xét xử. Nếu vụ án có nhiều bị cáo thì nên đưa vụ án ra xét xử đối với các bị cáo khác, còn có thể quyết định tạm đình chỉ đối với bị cáo tuy không phải là bệnh hiểm nghèo nhưng cần phải có thời gian điều trị theo yêu cầu của Giám định viên.

Khi vận dụng các quy định tại Điều 160 Bộ luật tố tụng hình sự để quyết định tạm đình chỉ vụ án cần chú ý một số vấn đề như sau:

Đối với bị can mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát chưa trưng cầu giám định pháp y thì Toà án phải trưng cầu giám định pháp y, nếu Cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát đã trưng cầu giám định pháp y nhưng Toà án thấy còn nghi ngờ về kết quả giám định đó thì Toà án phải trưng cầu giám định pháp y bổ sung hoặc giám định lại để biết kết quả, sau đó tuỳ thuộc vào kết quả giám định mà Toà án có thể quyết định tạm đình chỉ vụ án hay đưa vụ án ra xét xử.

Trong trường hợp Toà án đã trưng cầu giám định mà thời hạn xét xử đã hết mà chưa có kết quả giám định thì tạm đình chỉ vụ án khi nào có kết quả giám định Toà án tiếp tục đưa vụ án ra xét xử.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.