Tân Hiệp Phát tìm đối tác chiến lược 3 tỉ USD để trở thành Red Bull tiếp theo

Đã 7 năm trôi qua kể từ khi Tân Hiệp Phát từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 2,5 tỉ USD của Coca Cola. Ngày nay, tập đoàn nước giải khát này đang muốn huy động 3 tỉ USD từ một đối tác chiến lược để có thể trở thành Red Bull thứ hai.

Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát, thường được biết đến với tên viết tắt THP, đang sẵn sàng thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất nước giải khát hàng đầu châu Á.

Thông tin trên được ông Trần Quí Thanh, nhà sáng lập THP chia sẻ với Bloomberg trong một buổi phỏng vấn gần đây. Ông Thanh năm nay 66 tuổi và đang cùng với hai người con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích quản lí Tân Hiệp Phát.

Ông cho biết thêm: THP đã đầu tư 500 triệu USD vào ba nhà máy mới tại Việt Nam và hiện đang muốn đẩy mạnh doanh số tại các nước láng giềng Đông Nam Á.

"Tìm được một đối tác phù hợp có chung tầm nhìn là điều tối quan trọng", ông Thanh nói. "Tiền không phải là thứ chúng tôi cần nhất, cái chúng tôi thực sự cần là chuyên môn trong ngành để có thể cùng nhau phát triển".

 - Ảnh 1.

Ông Trần Quí Thanh - Chủ tịch, người sáng lập Tân Hiệp Phát. (Ảnh: Bloomberg).

Theo Bloomberg, tại thị trường 96 triệu dân của Việt Nam, thương hiệu THP đang tỏ ra vượt trội so với các nhãn hàng nổi tiếng khác như Coca Cola hay Pepsi, một phần nhờ vào sản phẩm nước đóng chai Trà Xanh Không Độ quen thuộc của THP.

Tận dụng sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu tại Việt Nam cũng như tâm lí chuộng sản phẩm vì sức khỏe của người tiêu dùng trẻ tuổi, THP tập trung cung cấp nhiều loại đồ uống tự nhiên và chiết xuất từ trà.

THP

Doanh thu đồ uống không cồn tại một số quốc gia năm 2018. (Nguồn: Euromonitor International).

Tập đoàn này cũng sản xuất một loại nước tăng lực mà theo họ là phù hợp hơn với khẩu vị của người Việt Nam và châu Á - ít ngọt hơn trong khi vẫn chứa caffeine giúp người dùng thêm tỉnh táo. Tập đoàn hi vọng sẽ sử dụng thức uống này cùng với các sản phẩm khác của mình để thâm nhập sâu vào thị trường châu Á và cạnh tranh với Red Bull GmbH.

THP là nhà sản xuất đồ uống không cồn hàng đầu tại Việt Nam, chỉ đứng sau liên doanh đồ uống giữa PepsiCo và Suntory Holdings Ltd. Tuy nhiên, sự hiện diện của THP ở Đông Nam Á còn chưa rộng rãi.

Theo số liệu từ công ty nghiên cứu Euromonitor International, THP đã bán được khoảng 510 triệu lít đồ uống vào năm ngoái. Trong khi đó, công ty con của Danone tại Indonesia – đơn vị dẫn đầu thị phần nước giải khát Đông Nam Á – bán được 5,3 tỉ lít trong năm 2018.

So sánh này cho thấy THP cần phải mở rộng qui mô đáng kể để có thể thực hiện mục tiêu trở thành tay chơi top đầu ở khu vực châu Á.

 - Ảnh 3.

Sản phẩm trà Dr. Thanh của Tân Hiệp Phát. (Ảnh: Bloomberg).

Ông Trần Quí Thanh kì vọng doanh thu của THP sẽ tăng gấp đôi lên 1 tỉ USD trong vài năm tới, và nhờ vậy giá trị của THP có thể đạt 5 tỉ USD.

Theo nhà sáng lập này, THP mong muốn nhà đầu tư chiến lược không chỉ sẵn lòng bỏ ra khoản tiền 2-3 tỉ USD mà còn phải là các tên tuổi lớn trong ngành với kiến thức chuyên môn và hệ thống phân phối để giúp THP mở rộng tại thị trường châu Á cũng như toàn cầu. Vì thế, các quĩ đầu tư tư nhân (private equity) không phải là lựa chọn lí tưởng của THP.

Hiện nay, THP đang phân phối sản phẩm đến 20 quốc gia. Bà Trần Uyên Phương – Phó Tổng Giám đốc THP cho biết Tập đoàn cũng đang xem xét việc mua lại các nhà sản xuất đồ uống nhỏ hơn ở các nước với thị trường trà phát triển như Thái Lan hay Đài Loan.

Theo bà Phương, THP sẵn lòng chi 50 triệu USD cho một khoản đầu tư kiểu này.

 - Ảnh 4.

Bên trong nhà máy nước giải khát THP ở tỉnh Hậu Giang. (Ảnh: Bloomberg).

Từ chối Coca-Cola

Được thành lập bởi Trần Quí Thanh vào năm 1994 khi Việt Nam mở cửa nền kinh tế cho các doanh nghiệp tư nhân, THP đã từ chối lời đề nghị mua lại cổ phần chi phối trị giá 2,5 tỉ đô từ Coca-Cola từ năm 2012.

Coca-Cola từ chối bình luận về sự kiện này.

"Sau khi thảo luận, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi có tầm nhìn khác nhau," ông Trần Quí Thanh cho biết. "Chúng tôi cần một đối tác có thể hỗ trợ THP phát triển và cùng nhau phát triển nhanh hơn. Tiền không phải là yếu tố quyết định. Không có gì phải hối hận cả."

Trong cuốn sách "Vượt lên Người khổng lồ" ra mắt năm 2018, bà Trần Uyên Phương đã viết rằng lời đề nghị của Coca Cola – nếu được chấp nhận – sẽ ngăn cản THP mở rộng ra toàn cầu.

Trong 5 năm tới, THP có kế hoạch chi thêm 500 triệu USD để hoàn thành kế hoạch xây dựng các nhà máy mới.

Ngoài ra, THP còn bước chân vào lĩnh vực bất động sản thông qua việc mua lại nhiều lô đất ở miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Dự kiến mảng phát triển bất động sản của THP sẽ đầu tư 300 triệu USD để xây dựng một khu đô thị phức hợp nằm bên bờ sông Hàn, Đà Nẵng – thành phố du lịch nổi tiếng với bờ biển dài đầy cát trắng.

 - Ảnh 5.

Công nhân kiểm tra chất lượng sản phẩm bên trong nhà máy Tân Hiệp Phát. (Ảnh: Bloomberg).

Trong năm sau, THP còn dự định đầu tư khoảng 40 triệu USD vào một doanh nghiệp mới trong lĩnh vực tái chế nhựa, biến chai nhựa đã qua sử dụng thành miếng lát sàn và vật liệu cách nhiệt dùng cho các dự án nhà ở của chính THP.


Chuyện người kế vị

Nhà sáng lập Trần Quí Thanh cho biết ông không có kế hoạch nghỉ hưu trong thời gian tới, nhưng cũng đang tập trung vào việc tìm người kế vị.

Hiện tại, ông đã chuẩn bị kĩ lưỡng cho hai cô con gái Trần Uyên Phương và Trần Ngọc Bích của mình – cả hai đều đang giữ chức Phó Tổng Giám đốc tại THP.

Dù vậy, ông Thanh khẳng định ông vẫn mở rộng cửa chào đón một người quản lí tài năng không phải là thành viên trong gia đình.

"Người kế nhiệm phải là người phù hợp với vị trí," Ông Thanh chia sẻ. "Nếu các con gái tôi không có năng lực như người khác, thì chúng không cần phải làm CEO. Nếu chúng có thể làm CEO là tốt nhất. Nhưng nếu chúng không thể thì đó cũng chẳng phải là chuyện gì to tát."

Ông Trần Quí Thanh trả lời phỏng vấn Bloomberg. (Video: Bloomberg).

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.