Tăng tốc cho khởi công Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ

Chiều 31/7, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cùng lãnh đạo UBND thành phố và các sở, ngành chức năng có buổi làm việc với các đơn vị liên quan về việc triển khai lễ động thổ khởi công Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ.

Dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ có tổng diện tích đất thu hồi khoảng 293,7ha, với tổng số tổ chức, hộ gia đình, cá nhân ảnh hưởng dự án khoảng 550 trường hợp, nhu cầu tái định cư khoảng 200 trường hợp đủ điều kiện tái định cư.

Ông Nguyễn Thanh Tao, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ) cho biết, đến thời điểm này, ngành chức năng đã tiến hành thông báo thu hồi đất 541 trường hợp để phục vụ cho dự án, với tổng diện tích trên 293 ha.

Đồng thời, triển khai niêm yết chi tiết tổng diện tích bồi hoàn với số tiền khoảng 771 tỷ đồng. Trong số đó đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 286/542 trường hợp, tương đương gần 137 ha, với tổng số tiền hơn 538 tỷ đồng và đã chi trả 59 trường hợp với hơn 108 tỷ đồng (tương đường 30,87 ha).

Đối với 225 trưởng hợp mới phê duyệt, tương đương số tiền 462 tỷ đồng sẽ chi trả vào ngày 9 và 10/8/2023. Đến nay, dự án cũng được bàn giao mặt bằng 60 trường hợp, tương đương 30,87ha (trong đó đã giao thực địa cho chủ đầu tư 10,14ha để chuẩn bị lễ khởi công)… 

 Vị trí khu công nghiệp ở huyện Vĩnh Thạnh giai đoạn 1. (Ảnh: Báo Giao thông).

Ông Đoàn Quốc Sử, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, hiện huyện đang thực hiện 3 dự án về đường dẫn vào khu công nghiệp và gấp rút triển khai tuyến đường tạm vào khu vực tổ chức lễ động thổ. Dự kiến tháng 11 này sẽ khởi công xây dựng khu tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi dự án Khu công nghiệp VSIP. Công tác chuẩn bị cho lễ động thổ khởi công dự án cũng đã được các ngành chức năng, huyện Vĩnh Thạnh và chủ đầu tư phối hợp triển khai để đáp ứng kế hoạch đã đề ra.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu chỉ đạo ngành chức năng rà soát chính xác số diện tích đất được thu hồi, số hộ bị ảnh hưởng và được bồi hoàn, tránh các trường hợp khiếu kiện. Đơn vị chuyên môn, huyện Vĩnh Thạnh cần đảm bảo lợi ích người dân, linh hoạt trong quá trình xem xét xử lý về bồi thường, giải phóng mặt bằng và cấp nền tái định cư. Về hạ tầng đường giao thông phục vụ cho khu công nghiệp phải đảm bảo chất lượng, đảm bảo điện, nước, nguyên vật liệu; xây dựng khu tái định cư đảm bảo an toàn chất lượng, đồng bộ về cơ sở hạ tầng và đầy đủ dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, muốn phát triển thì công nghiệp phải đi trước, từ một vùng đất nông nghiệp như huyện Vĩnh Thạnh, nếu có những nhà máy sản xuất công nghiệp, từ công nghiệp hóa mới có đô thị hóa rồi dần dần tiến tới hiện đại hóa không chỉ cho địa phương mà cho cả thành phố. Khi có công nghiệp rồi thì thành phố mới có điều kiện để đô thị hóa. Các vấn đề này cần được triển khai đồng bộ để Cần Thơ thực sự trở thành trung tâm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ được UBND thành phố Cần Thơ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án vào ngày 25/10/2022. Dự án được thực hiện bởi 3 nhà đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – Công ty cổ phần, Công ty Liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore và Công ty cổ phần Phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore. Dự án dự kiến khởi công vào tháng cuối tháng 9/2023.

Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Dịp này, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cùng đoàn công tác khảo sát tình hình hoạt động Cảng Tân Cảng Thốt Nốt (quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ).

Cảng Tân Cảng Thốt Nốt có tổng diện tích là 1,1 ha, trong đó cầu tàu được xây dựng dài 75m, tiếp nhận tàu và sà lan 2000 DWT, dung tích bãi chứa là 7.500m2, có khả năng tiếp nhận hơn 600 container rỗng và hàng… Cảng Tân Cảng Thốt Nốt có nhiệm vụ trung chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ tiếp vận hậu cần (logistics), kết nối, thông quan hàng hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh phía Nam. Nơi đây là đầu mối trung tâm thông thương các loại hàng hóa, khu kinh tế trọng điểm của khu vực miền Tây Nam Bộ nói riêng và cả nước nói chung. Trong những năm qua từ 2016-2021 sản lượng trung chuyển hàng hoá từ 40.000-42.000 teus/năm...

Ông Nguyễn Văn Hiếu đánh giá cao hoạt động của Cảng Tân Cảng Thốt Nốt, đồng thời khuyến khích đơn vị đầu tư phát triển thêm cơ sở hạ tầng, cầu cảng, phương tiện bốc dỡ, trung chuyển hàng hoá, mở rộng khả năng kết nối để đáp ứng nhu cầu thông quan hàng hoá của thành phố Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa cho Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ trong tương lai.

chọn
Bất động sản tháng 4/2024: Ban hành nghị định về lấn biển; giá chung cư Hà Nội tiếp tục tăng nóng
Trong tháng 4, Chính phủ ban hành Nghị định về hoạt động lấn biển; Bộ Xây dựng yêu cầu Hà Nội xử lý hành vi thổi giá chung cư; Long An, Hậu Giang được duyệt chuyển đổi đất lúa làm loạt dự án nghìn tỷ; Bình Dương chấp thuận đầu tư KĐT tỷ USD;...