Sáng nay 12/1, UBND tỉnh Thái Bình đã có buổi làm việc với Tập đoàn BYD (Trung Quốc) về nghiên cứu khảo sát, triển khai dự án đầu tư sản xuất xe ô tô điện trên địa bàn tỉnh, Báo Thái Bình đưa tin.
Tại buổi làm việc, đại diện doanh nghiệp cho biết, Tập đoàn BYD được thành lập năm 1995, có trụ sở đặt tại Thâm Quyến (Trung Quốc), là một trong những doanh nghiệp sản xuất ô tô điện thuộc top đầu ở Trung Quốc.
Theo xu thế hiện nay, ngành xe điện đang phát triển nhanh chóng, vì vậy tập đoàn này đang muốn mở rộng thị trường, nghiên cứu đầu tư dự án tại Việt Nam, trong đó Thái Bình là một trong những địa điểm nghiên cứu, khảo sát, tìm hiểu để thực hiện dự án đầu tư.
Trước đề xuất của doanh nghiệp, lãnh đạo địa phương bày tỏ mong muốn tập đoàn đến nghiên cứu, hợp tác đầu tư với tỉnh; đồng thời, cam kết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội và thực hiện đầu tư.
Năm 2023 vừa qua, thu hút FDI của Thái Bình đạt trên 2,9 tỷ USD, gấp gần 4,4 lần so với năm 2022. Thái Bình cùng TP HCM, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang là 5 địa phương thu hút FDI lớn nhất cả nước.
Trong năm, tỉnh này đã thu hút nhiều dự án đầu tư mới, như khu công nghiệp VSIP Thái Bình với tổng vốn đầu tư dự kiến gần 212 triệu USD; dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam sản xuất kính áp tròng cho Công ty Pegavision Corporation với tổng vốn đầu tư 200 triệu USD; dự án nhà máy sản xuất rượu Soju tại khu công nghiệp Liên Hà Thái huyện Thái Thuỵ với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD; dự án đầu tư sản xuất các cổng chuyển đổi, thiết bị kết nối, thiết bị vi tính với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD của Công ty TNHH Goodway Cayman và dự án nhà máy tập trung sản xuất, gia công đèn LED các loại và linh kiện của đèn LED với tổng vốn đầu tư 25 triệu USD Công ty TNHH Longstar Lighting Hạ Môn...
Mới đây nhất, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), trước sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đồng chí Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG với tổng vốn đầu tư 1,99 tỷ USD cho liên danh Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden (Nhật Bản) và Tập đoàn Trường Thành (Việt Nam).
Hiện nay, Thái Bình có quỹ đất rất lớn để phát triển công nghiệp với 10 khu công nghiệp, 49 cụm công nghiệp với tổng diện tích gần 3.000 ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng.
Lý giải về sự bứt phá của Thái Bình, theo ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam chia sẻ với người viết: "Giá thuê KCN hợp lý chính là điểm sáng của Thái Bình, trung bình 80 - 90 USD/m2 và giá thuê kho xưởng chỉ khoảng 4 USD/m2.
Thái Bình còn có lợi thế về năng lượng và khí mỏ, hạ tầng giao thông được đầu tư mạnh tay để kết nối với tam giác công nghiệp Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, điển hình là tuyến đường ven biển giúp rút ngắn thời gian di chuyển đến Hải Phòng chỉ trong một tiếng. Khi hoàn thành, tuyến đường này sẽ hút dòng tiền vào các KCN trọng điểm là Liên Hà Thái, Hải Long và VSIP.