Nghị định thay thế Nghị định 86 có bổ sung một số ưu tiên cho xe taxi (Ảnh: Di Linh). |
Mới đây, Bộ GTVT đã có tờ trình Chính phủ về Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô trong đó có nhiều thay đổi về loại hình taxi.
Cụ thể, dự thảo Nghị định thay thế quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có nội dung theo hướng đơn giản hóa và bỏ bớt một số nội dung quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động.
Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm (gọi tắt là "TAXI ĐIỆN TỬ").
Bộ GTVT cho biết việc bổ sung trên nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Phù hợp xu thế và khuyến khích phát triển ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, đồng thời tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các đơn vị taxi truyền thống và các đơn vị taxi ứng dụng công nghệ.
Cụ thể, dự thảo Nghị định bổ sung các quy định để quản lý hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm.
"Đây là hoạt động chưa có quy định tại Luật Giao thông đường bộ", Bộ GTVT cho biết.
Ngoài việc bổ sung quy định về "TAXI ĐIỆN TỬ", dự thảo Nghị định cũng có thêm quy định doanh nghiệp, HTX chỉ kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi cho hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Dự thảo bỏ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã sử dụng bộ đàm để điều hành hoạt động cho phù hợp với xu thế phát triển.
"Đơn vị được quyền lựa chọn phương thức điều hành (có thể điều hành bằng phần mềm) phù hợp với điều kiện của đơn vị nhằm tăng tính chủ động cho doanh nghiệp", Bộ GTVT thông tin.
Đáng chú ý là dự thảo quy định xe taxi được ưu tiên bố trí nơi dừng, đỗ để đón, trả khách tại các bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, điểm tham quan du lịch, địa điểm văn hóa, thể thao, trung tâm thương mại.
Ngoài ra, khi tổ chức giao thông tại đô thị thì ưu tiên xe taxi được hoạt động như xe buýt (phương tiện vận tải công cộng - PV) để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, góp phần giảm phương tiện cá nhân tham gia giao thông, giảm ùn tắc giao thông tại các đô thị.
Thí điểm 'taxi công nghệ': Vinasun tiếp tục 'tố' Bộ GTVT
Liên quan đến thí điểm "taxi công nghệ", Vinasun tiếp tục cho rằng Bộ GTVT bảo vệ mô hình xe hợp đồng điện tử, gạt ... |
Được biết, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 cũng sửa đổi một số điều kiện về kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi.
Theo đó, xe taxi phải có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) và có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ ngày sản xuất).
Không sử dụng xe cải tạo từ xe có số chỗ từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.
"Lý do sửa đổi quy định này do trong thời gian qua, một số đơn vị kinh doanh vận tải đề xuất sử dụng các phương tiện được cải tạo từ xe 16 chỗ thành xe 9 chỗ để hoạt động taxi.
Trong thực tế các phương tiện taxi và xe hợp đồng điện tử hoạt động chủ yếu trong khu vực nội thành, nội thị; tần suất hoạt động dày; diện tích chiếm dụng mặt đường lớn, không phù hợp với hạ tầng giao thông tại khu vực này.
Vì vậy, nếu tập trung một số lượng lớn các phương tiện hoạt động trong khu vực nội thành, nội thị sẽ gây ra ách tắc giao thông nghiêm trọng", Bộ GTVT cho hay.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) có niên hạn sử dụng không quá 12 năm (tính từ ngày sản xuất).
Không sử dụng xe cải tạo từ xe có số chỗ từ 9 chỗ trở lên thành xe ô tô dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) hoặc xe có kích thước, kiểu dáng tương tự xe từ 9 chỗ trở lên để kinh doanh vận tải hành khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.
Theo Bộ GTVT, điều kiện trên nhằm đảm bảo công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải so với xe taxi, do đối tượng này có tính chất, phạm vi hoạt động, sức chứa phương tiện giống xe taxi.
"Trên cơ sở tổng kết 2 năm thực hiện công tác thí điểm hoạt động của xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên còn có tồn tại, hạn chế phát sinh trong quản lý đối với loại hình này.
Đặc biệt là các điều kiện giữa loại hình này hiện nay với các điều kiện của xe taxi còn chưa tương đương, dẫn đến việc đấu tranh, khiếu nại rất quyết liệt của các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, các Hiệp hội taxi trong thời gian qua.
Vì vậy, trên cơ sở nghiên cứu và tiếp thu các ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan, dự thảo đã đưa ra các điều kiện kinh doanh của xe dưới 9 chỗ để kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng, du lịch có ứng dụng phần mềm hợp đồng vận tải điện tử tương đương với điều kiện kinh doanh của xe taxi nhằm đảm bảo công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa 2 đối tượng này", Bộ GTVT cho biết.
Vinasun: Thí điểm 'taxi công nghệ' có cần kéo dài?
Vinasun đặt câu hỏi rằng thí điểm "taxi công nghệ" có cần thiết kéo dài đến 2 năm và tiếp tục gia hạn khi có ... |
Vinasun: 'Taxi truyền thống nguy cơ phá sản, đối tác Grab cũng lao đao'
Vinasun cho rằng việc thí điểm "taxi công nghệ" theo Quyết định 24 đang khiến phương tiện tăng nhanh, gây áp lực giao thông, khiến ... |
Được biết, trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 cũng quy định điều kiện về đối tượng được sử dụng hợp đồng vận tải điện tử.
Ý kiến thứ nhất là theo quy định tại khoản 2 Điều 13 dự thảo Nghị định:
"2. Chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã đã được cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng, du lịch mới được sử dụng xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái) để kinh doanh vận tải khách sử dụng hợp đồng vận tải điện tử".
Đối với ý kiến này, các Hiệp hội taxi, Công ty Mai Linh cho rằng phải nâng điều kiện đối với đối tượng này tương đương như taxi; đồng thời nội dung quy định này được kế thừa từ quy định tại Quyết định số 24/QĐ-BGTVT áp trọng trong thời gian thí điểm.
Ý kiến thứ hai là bỏ khoản 2 Điều 13 dự thảo Nghị định và cho phép cả các hộ kinh doanh được sử dụng hợp đồng điện tử khi kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe).
Quan điểm này xuất phát từ đề nghị của VCCI và một số thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo cho rằng việc hộ kinh doanh không được tham gia là bất hợp lý vì hộ kinh doanh vẫn đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo hợp đồng và Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Được biết, quan điểm của Bộ GTVT thống nhất thực hiện theo ý kiến thứ nhất.
Lý do Bộ GTVT đưa ra là đối với việc sử dụng hợp đồng điện tử để áp dụng cho hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) thì quy định chỉ các doanh nghiệp, hợp tác xã có Giấy phép kinh doanh vận tải mới được thực hiện và hộ kinh doanh không được thực hiện.
Còn lại đối với xe hợp đồng có sức chứa từ 9 chỗ trở lên (kể cả người lái xe) cho phép tất cả các đơn vị kinh doanh vận tải có Giấy phép kinh doanh vận tải (gồm: doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh) được áp dụng hợp đồng điện tử.
"Quy định này được đề xuất trên cơ sở tổng kết thí điểm đối với xe hợp đồng điện tử dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe)", Bộ GTVT cho biết.
Cũng theo Bộ này, việc quy định chỉ doanh nghiệp, hợp tác xã đảm bảo phù hợp với thực tế hiện nay trong công tác quản lý vận tải, quản lý an toàn và quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh vận tải theo hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử trên xe có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe).
'Cuộc chiến taxi': Thuế của Grab bằng 1/130 của Vinasun?
Vinasun cho biết trong giai đoạn 2014-2016, GrabTaxi có doanh thu 1.755 tỉ đồng theo số liệu của Tổng cục Thống kê nhưng chỉ nộp ... |